Chắc hẳn trong ấn tượng của nhiều người thì cánh sát Brazil là lực lượng thường xuyên phải chiến đấu với ma túy, vũ khí bất hợp pháp và xã hội đen. Nhưng vào năm 2013, cảnh sát Liên bang Brazil đã chuyển hướng và nghĩ đến một mục tiêu khác thường hơn, đó chính là các hóa thạch cổ đại có từ khi khủng long đi lang thang trên Trái Đất.
Ngay sau đó, cảnh sát Liên bang Brazil đã tiến hành một cuộc điều tra sâu rộng về hoạt động buôn bán hóa thạch bất hợp pháp của nước này, kết quả là đã thu hồi được hơn 3.000 mẫu hóa thạch từ các bang São Paulo, Minas Gerais và Rio de Janeiro của Brazil.
Một trong những mẫu vật này là hóa thạch thuộc về loài Tupandactylus Navigans, nằm trong phân loài Tapejaridae, có thể coi đây là mẫu hóa thạch khủng long được bảo quản tốt chưa từng thấy.
Tapejaridae là những loài pterosaurs (dực long) thời kỷ Creta, chúng không có răng và sở hữu vẻ ngoài vô cùng khác thường. Chúng nổi tiếng với những chiếc đầu có mào lớn, mà các nhà khoa học đã đặt ra giả thuyết rằng những chiếc mào này có thể đã được sử dụng như một "cánh buồm".
Và cũng thông qua một chuỗi sự kiện kỳ lạ, mẫu hóa thạch này cuối cùng đã được chuyển từ tay cảnh sát đến tay nhà cổ sinh vật học Victor Beccari, hiện tại là một nhà nghiên cứu tại Viện Khoa học Sinh học của Đại học São Paulo. Và sau một quá trình dài nghiên cứu thì kết quả của nó cũng được công bố trên tạp chí PLOS One.
Trước đây, chi Tupandactylus chỉ được biết đến thông qua những hộp so đơn lẻ và không đầy đủ. Thế nhưng phát hiện này đã cho phép nhóm nghiên cứu của Beccari có thể tiến hành một loạt phân tích đột phá về con quái vật cổ đại này và tiết lộ cái nhìn sâu sắc về cách loài khủng long này đã sống như thế nào từ hàng trăm triệu năm trước.
"Chúng tôi đã rất kinh ngạc khi lần đầu tiên nhìn thấy mẫu vật này," Beccari cho biết.“Hóa thạch này đặc biệt vì nó là loài thằn lằn bay hoàn chỉnh nhất tìm thấy ở Brazil và nó mang đến thông tin mới về giải phẫu và sinh thái học của loài vật này".
Sau cuộc đột kích của cảnh sát năm 2013, Viện Khoa học Địa chất của Đại học São Paulo, Brazil đã thu được các hóa thạch được thu hồi trong cuộc đột kích đó. Vào năm 2016, Beccari lần đầu tiên có cái nhìn cận cảnh và nghiên cứu về hóa thạch của loài khủng long bay này - được đánh ký hiệu là G /2E 9266 - thời điểm này anh vẫn còn là sinh viên đại học nghiên cứu khoa học sinh học tại Đại học São Paulo. Nghiên cứu này là lần đầu tiên những bộ hài cốt này được mô tả chính thức trong một bài báo khoa học.
Beccari nói: "Nó đã được chuẩn bị rất gọn gàng trước khi cảnh sát tịch thu mẫu vật, vì vậy chúng tôi có thể biết ngay đây là một hóa thạch đặc biệt. Tuy nhiên chúng tôi không biết chính xác hóa thạch này được thu thập như thế nào trước khi cảnh sát phát hiện ra nó trong quá trình điều tra".
"Mẫu vật GP/2E 9266 được bảo quản trong sáu phiến đá vôi phẳng, ghép lại với nhau một cách hoàn hảo qua các vết cắt thẳng, tạo thành một bức tranh gần như hoàn chỉnh về sinh vật" Beccari và các đồng nghiệp viết.
Nhóm nghiên cứu đã tiến hành quét CT hóa thạch, cho phép họ tạo ra một mô hình 3D và phân tích tốt hơn các số liệu độc đáo của nó. Trước đây, hộp sọ và một phần bộ xương của loài thằn lằn bay Brazil này cũng từng được phát hiện, tuy nhiên hóa thạch được tìm thấy lần này có bộ xương còn nguyên vẹn tới 90%, cùng với một số mô mềm bao quanh xương.
Phân tích của họ cho thấy GP/2E 9266 là một mẫu vật đại diện cho loài Tupandactylus Navigans. Loài này được xác định thông qua các đặc điểm đặc biệt của nó, chẳng hạn như đỉnh đầu hết sức ấn tượng.
Trước khi cuộc đột kích của cảnh sát tìm ra bộ xương hóa thạch hoàn chỉnh này, các nhà nghiên cứu chỉ có thể nghiên cứu qua những mẫu hộp sọ đơn lẻ và một bộ xương không hoàn chỉnh khác, nên kiến thức của giới cổ sinh vật học về loài này vẫn còn rất hạn chế.
Beccari nói: "Mẫu vật hóa thạch này có nguồn gốc từ Hệ tầng Crato ở lưu vực Araripe - một khu vực giàu hóa thạch ở đông bắc Brazil và đây cũng là nơi nhiều kẻ trộm đã cướp phá hóa thạch trong nhiều năm".
Dựa trên hóa thạch, các nhà nghiên cứu kết luận loài Tupandactylus Navigans chỉ cao khoảng một mét, nhưng có sải cánh dài hơn 2,5m và phần mào trên đỉnh hộp sọ chiếm tới 40% tổng chiều cao của cơ thể.
Beccari nói và cho biết thêm rằng chiếc đỉnh sọ khá lớn và chiếc cổ tương đối dài có thể đã hạn chế loài vật này bay những chặng đường ngắn. Các đặc điểm khác, chẳng hạn như mỏ keratin của động vật - một cấu trúc tương tự như mỏ ở chim - cho thấy loài vật này đã ăn thực vật cứng, chẳng hạn như hạt hoặc quả hạch.
Beccari cho biết thêm: "Tỷ lệ các chi - cánh và chân - cho thấy rằng đây là một loài có lối sống trên cạn, nghĩa là loài động vật này có thể dành phần lớn thời gian trên mặt đất và kiếm thức ăn thay vì bay lượn trên bầu trời".
Hóa thạch có vẻ là một điều gì đó khá kỳ lạ đối với cảnh sát khi tìm thấy, nhưng trên thực tế, điều này lại phổ biến tại nhiều quốc gia khác trên thế giới, ví dụ như trứng khủng long ở Tây Ban Nha và Úc, hay hóa thạch cá cổ đại ở Mỹ, chúng chẳng được nhà khảo cổ học nào phát hiện ra cả, thay vào đó, chúng đều là những hiện vật được phát hiện từ những cuộc đột kích của cảnh sát. Bởi có một sự thật là thế giới ngầm rất thích buôn bán hóa thạch bởi chúng có giá trị rất lớn ở thị trường chợ đen.
Beccari cho biết: "Các hóa thạch ở Brazil được luật pháp bảo vệ, vì chúng là một phần di sản địa chất của đất nước. Việc thu thập hóa thạch cần phải có sự cho phép của chính quyền và việc buôn bán cũng như sưu tập hóa thạch tư nhân là bất hợp pháp ở Brazil".
Kể từ năm 1942, luật pháp Brazil đã phân loại hóa thạch là tài sản của nhà nước, là một phần di sản địa chất quốc gia và cấm các hoạt động buôn bán cho mục đích thương mại. Những người sưu tầm xuất khẩu bất hợp pháp các mẫu vật có thể phải đối mặt với án tù 20 năm. Chính phủ Brazil cũng đã làm việc với các quốc gia khác để đảm bảo sự an toàn của các hóa thạch buôn bán bất hợp pháp.