Hãy chú ý đến bất kỳ thay đổi nào ở con
Ngay cả khi con không kể cho bạn nghe mọi chuyện diễn ra trong ngày, bạn vẫn cần phải biết con đã trải qua điều gì. Nếu bạn cảm thấy có điều gì đó “không ổn” thì đó là dấu hiệu bạn cần chú ý con hơn.
Nhà tâm lý học nhi khoa Ann-Louise Lockhart tại Vương quốc Anh nói với HuffPost: “Bạn có thể nhận thấy sự thay đổi trong thái độ, hành vi hoặc tính cách của con mình.
Bạn cũng sẽ thấy những thay đổi trong cách con tiếp cận trường học, điểm số và mục tiêu tương lai của con. Ngoại hình hoặc sở thích của con cũng có khả năng bị ảnh hưởng. Con cũng có thể ít quan tâm đến tình bạn trước đây và hành động tiêu cực với bạn bè và gia đình".
Tất nhiên, tình bạn của con sẽ có lúc thăng lúc trầm, bạn không thể - và không nên - cố gắng kiểm soát điều đó. Con cần cơ hội học cách giải quyết xung đột và những thay đổi trong mối quan hệ với bạn bè cùng trang lứa.
Aliza Pressman, nhà tâm lý học và tác giả cuốn sách “5 nguyên tắc nuôi dạy con cái” giải thích với HuffPost: “Tình bạn rất linh hoạt và cho dù một ngày nào đó mọi thứ có vẻ khó khăn, thì ngày khác chúng lại trở nên tuyệt vời.
Nếu chúng ta quá chú ý những thay đổi hàng ngày, tình bạn sẽ không bền vững và có khả năng dao động. Tuy nhiên, nếu bạn nhận thấy tâm trạng của con bất ổn hoặc con cư xử khác với một người bạn cụ thể thì đó là điều đáng để xem xét".
Bắt đầu bằng cách lắng nghe
Để hiểu rõ hơn vấn đề của con, điều quan trọng là bạn nên lắng nghe mà không phán xét những gì con tâm sự về tình bạn. Trẻ em cần cha mẹ đóng vai trò là người lắng nghe hơn là đưa ra lời khuyên.
Pressman gợi ý: “Hầu hết, những đứa trẻ ở độ tuổi trung học cơ sở và lớn hơn không cần cha mẹ can thiệp trừ khi chúng bị bắt nạt hoặc chúng bắt nạt ai đó”.
Pressman cũng khuyên phụ huynh nên hỏi trực tiếp con, chẳng hạn: “Con có muốn mẹ giúp việc này hay con muốn tự mình giải quyết?”.
Trẻ em thường có khả năng tự tìm ra giải pháp. Vì vậy chúng không cần gì hơn ngoài việc giao tiếp bằng mắt nhẹ nhàng và một vài cái gật đầu đúng lúc của bạn hoặc một vài câu ngắn gọn để khuyến khích chúng tiếp tục, chẳng hạn như “Điều gì khiến con nói như vậy?” và “Kể cho mẹ nghe thêm xem nào".
Đặt những câu hỏi gợi ý
Pressman khuyên: “Hãy thử hỏi với sự tò mò và đưa ra quan sát với thái độ trung lập, thay vì giảng giải và phán xét”.
Một chiến lược để tạo điều kiện cho con bày tỏ suy nghĩ của mình thường bắt đầu bằng câu “Mẹ thắc mắc...” hoặc “Mẹ không biết con cảm thấy thế nào về bạn này/bạn kia. Mẹ thấy gần đây hai đứa hay cãi nhau thì phải".
Những câu hỏi được diễn đạt theo cách này cho phép trẻ suy nghĩ về cảm giác của chúng và sẵn sàng cùng người lớn đưa ra một số quan sát cũng như giải pháp.
Sau khi trò chuyện với con và bày tỏ mối lo ngại của bạn về tâm trạng hoặc hành vi đã thay đổi của chúng, điều quan trọng là bạn phải lùi lại và để con tự mình xử lý các bước tiếp theo.
Đừng chỉ trích những đứa trẻ khác hoặc cha mẹ của chúng
Việc đưa ra những phán xét về một đứa trẻ khác hoặc cha mẹ của chúng có thể cực kỳ hấp dẫn, nhưng bạn nên giữ những suy nghĩ này cho riêng mình hoặc tâm sự với người bạn đáng tin cậy.
Lockhart nói: “Bạn không bao giờ có thể biết toàn bộ câu chuyện liên quan đến bất kỳ đứa trẻ hoặc cha mẹ nào khác. Thay vì phán xét, bạn nên đồng cảm với người khác, hiểu rằng họ bị ảnh hưởng bởi nhiều hoàn cảnh sống. Bạn cũng nên tập trung vào con mình và hỗ trợ chúng khi chúng cần bạn để giải quyết tình huống".
Đừng ngần ngại hành động khi cần thiết
Nếu bạn nghi ngờ con mình đang bị bắt nạt hoặc bắt nạt người khác thì bạn nhất định phải can thiệp.
Pressman nói: “Nếu ai đó liên tục cư xử tàn ác và cố ý lôi kéo người khác thì đã đến lúc phải can thiệp. Điều này có thể liên quan đến việc liên hệ với cha mẹ của một đứa trẻ khác hoặc liên hệ với giáo viên để được trợ giúp giải quyết tình huống.”
Cũng giống như cách bạn biết khi nào có điều gì đó không ổn xảy ra với con mình, bạn cũng sẽ biết mọi thứ đã trở nên tồi tệ. Trong trường hợp như vậy, hãy thể hiện hành động của bạn như một cách để bảo vệ con hơn là ngăn cấm tình bạn của chúng.