Cầu thủ U22 “cài số lùi” thời gian thi đấu: Vì áp lực thành tích hay năng lực bản thân?

HỮU THÀNH |

Một trong những nét mới ở V-League 2023-2024 quy định 14 CLB phải đăng ký tối thiểu 3 cầu thủ có độ tuổi từ 16 đến 22. Đây là cách để Ban tổ chức mở ra cơ hội cho các tài năng trẻ được “thử lửa” với sân chơi nhà nghề, đồng thời khuyến khích đội bóng chú trọng hơn đến công tác đào tạo trẻ. Song đã 5 vòng đấu trôi qua, ngoại trừ SLNA và HA.GL vốn có truyền thông ưu tiên “cây nhà lá vườn”, thì không nhiều CLB sử dụng quá 3 cầu thủ U22 trong đội hình xuất phát lẫn tung vào sân từ băng ghế dự bị.

Cầu thủ U22 “cài số lùi” thời gian thi đấu: Vì áp lực thành tích hay năng lực bản thân? - Ảnh 1.

SLNA là đội bóng duy nhất ở V-League sử dụng đủ các cầu thủ U22

Thành tích tỷ lệ nghịch với lượng cầu thủ trẻ

SLNA đăng ký đến 18 cầu thủ có năm sinh từ 2001 đến 2005. Là đội bóng có nhiều cầu thủ U22 nhất, nên cũng dễ hiểu khi họ sở hữu đội hình có tuổi trung bình thấp nhất giải: 22,2 tuổi. HLV Phan Như Thuật sử dụng tất cả cầu thủ U22 trong 5 vòng đấu đã qua. Tổng hợp các dữ liệu, tiền vệ Trần Mạnh Quỳnh (22 tuổi, 400 phút), thủ môn Nguyễn Văn Việt (21 tuổi, 360 phút), hậu vệ Vương Văn Huy (22 tuổi, 316 phút), tiền vệ Trần Nam Hải (19 tuổi, 302 phút) và Phan Bá Quyền (21 tuổi, 277 phút) là tốp 5 cầu thủ U22 có số phút thi đấu nhiều nhất (chơi 4-5 trận).

Tạo cơ hội cho các cầu thủ U22, nhưng SLNA lại đang vật lộn ở nhóm cuối bảng xếp hạng, khi vẫn chưa có chiến thắng nào sau 5 vòng đấu. Một mình ngoại binh Michael Olaha với 3 bàn thắng không đủ để khỏa lấp điểm khuyết về kinh nghiệm của các tài năng xứ Nghệ. Và cũng vì HLV Phạm Như Thuật liên tục xoay tua đội hình như vậy khiến người hâm mộ địa phương đặt ra câu hỏi: Liệu SLNA đã định hình được lối chơi lẫn nhân sự?

SLNA tích lũy được 3 điểm, cũng chỉ nhiều hơn đội cuối bảng HA.GL đúng 1 điểm. Điều này mang đến sự thất vọng cho người hâm mộ phố Núi. Bởi kể cả bầu Đức đã không còn “chăm chút” cho các cầu thủ trẻ vì khó khăn kinh tế, thì lò đào tạo cầu thủ của HA.GL vẫn được đánh giá cao nhờ có nền móng được xây dựng vững chắc.

Cầu thủ U22 “cài số lùi” thời gian thi đấu: Vì áp lực thành tích hay năng lực bản thân? - Ảnh 2.

Nguyễn Quốc Việt thi đấu đầy nỗ lực, nhưng vẫn chưa thể giúp HA.GL có chiến thắng đầu tiên ở V-League 2023-24. ẢNH: ANH TRẦN

Thậm chí, những gương mặt U22 của HA.GL như Nguyễn Quốc Việt, Nguyễn Văn Triệu, Nguyễn Đức Việt hay Lê Hữu Phước đã trải qua 1-2 mùa giải thi đấu ở V-League, thậm chí có người từng được "thử lửa" ở AFC Champions League 2023. Khi các cầu thủ trẻ chưa trưởng thành, còn các “anh lớn” như Tuấn Anh, Minh Vương... đang cho thấy sự bế tắc thì đoàn quân của HLV Kiatisak đang trải qua chuỗi giai đoạn khởi đầu tệ nhất trong lịch sử CLB.

Từ câu chuyện của SLNA và HA.GL để thấy rằng, một trong những nguyên nhân khiến các CLB ít sử dụng cầu thủ U22 bởi áp lực thành tích từ ban lãnh đạo, nhà tài trợ, bên cạnh sự đòi hỏi khắt khe của người hâm mộ. Tất nhiên, năng lực của chính các cầu thủ trẻ vẫn chưa thể chiếm trọn niềm tin với ban huấn luyện. Tuổi 22, sau thời gian dài được sàng lọc lẫn "mài dũa" tại các giải đấu trẻ, thì đối diện với họ chính là sự cạnh tranh vị trí đầy khốc liệt ở môi trường bóng đá đỉnh cao. Ở đó còn có những đàn anh đi trước, hay đồng môn hoặc các cầu thủ trẻ khác có sự bứt phá về chuyên môn.

Sự khắc nghiệt của cuộc đua vô địch V-League, nhất là khi đang khởi đầu không thuận lợi buộc Hà Nội FC không đăng ký cầu thủ U22 nào ở đội hình xuất phát trong hai trận gần nhất. Một hình ảnh trái ngược với những gì mà đội bóng bầu Hiển từng trao cơ hội cho Đỗ Duy Mạnh, Nguyễn Quang Hải, Đoàn Văn Hậu... ở tuổi 20-21 ra sân đá chính.

Ngược lại, những đội bóng sử dụng gương mặt "gạo cội" ở V-League thì đang bay cao. Nam Định đứng đầu bảng xếp hạng nhờ đội hình xuất phát có độ tuổi trung bình là 28. Thậm chí, Hải Phòng - đội đang đứng thứ 4 trên bảng xếp hạng, còn không sử dụng cầu thủ U22 nào trong 5 trận đã qua. Tuyển thủ Hoàng Văn Toản (316 phút thi đấu ở 5 trận) là gương mặt trẻ duy nhất đủ sức chen chân vào dàn sao của đương kim vô địch CAHN. Nguyễn Thái Sơn (430 phút) là “sao mai” nổi bật nhất ở Thanh Hóa, đội bóng tạm thời xếp thứ 2.

Cầu thủ U22 “cài số lùi” thời gian thi đấu: Vì áp lực thành tích hay năng lực bản thân? - Ảnh 3.

B.Bình Dương có sự hài hòa giữa cầu thủ trẻ lẫn kinh nghiệm. ẢNH: ANH TRẦN

Điểm sáng hiếm hoi của B.Bình Dương

Trong tốp 5 đội bóng dẫn đầu sau vòng 5 V-League 2023-24, B.Bình Dương gây ấn tượng nhờ chiến lược “cài răng lược”, tức kết hợp giữa cầu thủ dạn dày kinh nghiệm lẫn tài năng trẻ. Cụ thể, hậu vệ trái Võ Minh Trọng và tiền đạo Võ Hoàng Minh Khoa chơi đủ 5 trận cho đội bóng đất Thủ, tiếp đến chân sút Bùi Vĩ Hào có 4 trận ra sân và ghi một bàn thắng. Nếu thêm tiền đạo Nguyễn Trần Việt Cường, sinh ngày 27-12-2000, tức vẫn chưa chạm ngưỡng tuổi 23, thì đã thi đấu 5 trận và có một pha lập công.

Sức trẻ, lòng nhiệt lòng cùng tinh thần khát khao được cống hiến từ các tài năng trẻ đã giúp HLV Lê Huỳnh Đức đa dạng hóa cho mặt trận tấn công, từ đó mang về thành tích tốt ở chặng khởi đầu mùa giải.

Suy ngẫm!

Viettel FC, một trong những CLB có trung tâm đào tạo bóng đá trẻ hàng đầu ở Việt Nam, cũng chỉ sử dụng trung vệ 22 tuổi Phan Tuấn Tài (thi đấu 381 phút) và tiền vệ vừa bước sang tuổi 19 Khuất Văn Khang (184 phút) trong 5 trận vừa qua.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại