John Bolton, cố vấn an ninh quốc gia của Tổng thống Donald Trump đã có mặt ở Israel để thảo luận về việc rút Lực lượng đặc biệt Mỹ khỏi Syria . Đồng thời, các sự kiện ở Iraq đang chỉ ra rằng, sự hiện diện của lính Mỹ ở nước này không thể được coi là điều hiển nhiên nữa, tờ Arutz Sheva nhận định.
Mỹ đang muốn "câu giờ" ở Syria?
Trong các tuyên bố gần đây, Mỹ đã lên tiếng cảnh báo chính quyền Tổng thống Bashar al-Assad về việc "không được sử dụng vũ khí hóa học một lần nữa" trong hoặc sau khi rút quân đội Mỹ khỏi Syria – điều mà từ trước đến nay Damascus và Nga liên tục phủ nhận.
"Không có sự thay đổi nào trong lập trường của Mỹ chống lại việc sử dụng vũ khí hóa học của chính quyền Syria và hoàn toàn không có thay đổi nào trong quan điểm của chúng tôi về việc sử dụng vũ khí hóa học sẽ phải đón nhận phản ứng rất mạnh mẽ như chúng tôi đã làm hai lần trước đây", ông Bolton nói với các phóng viên ngay trước khi máy bay hạ cánh xuống sân bay Ben Gurion ở Israel.
Sau đó, ông nói rằng việc rút quân phụ thuộc vào việc kết liễu tàn quân IS ở quốc gia Trung Đông và lời hứa của Thổ Nhĩ Kỳ sẽ không đuổi theo người Kurd sau khi Mỹ rút khỏi Syria.
Cả ông Trump và ông Bolton đều khẳng định hôm 6/1 về việc không có mốc thời gian cụ thể nào trong kế hoạch quân đội Mỹ rời khỏi Syria, đồng thời cảnh báo Iran về những "động thái gây hấn mới" chống lại Israel.
Cố vấn Bolton nói Iran nên nghĩ lại một lần nữa về các hoạt động "hiếu chiến" chống lại nhà nước Do Thái và nhấn mạnh Mỹ có thể duy trì sự hiện diện quân sự ở biên giới Syria với Iraq, nơi người Mỹ có căn cứ gần biên giới Al-Tanf.
Cố vấn John Bolton đang có mặt ở Israel để thảo luận về kế hoạch rút quân khỏi Syria.
Theo Arutz Sheva, bình luận của ông Bolton mâu thuẫn với tuyên bố trước đó của Tổng thống Trump, nói rằng Iran có thể làm bất cứ điều gì họ muốn ở Syria vì đất nước này chỉ có "cát với sự chết chóc".
"Thẳng thắn mà nói, họ có thể làm những gì họ muốn ở đó", Tổng thống Mỹ nói trong một cuộc họp nội các đặc biệt ngay sau ngày lễ mừng Năm mới.
Hôm 7/1, ông Trump đã đảo ngược tuyên bố trước đó của mình về việc rút quân đội Mỹ ngay lập tức khỏi Syria bằng dòng tweet trên Twitter: "Chúng tôi đang dần dần đưa quân đội trở về gia đình của họ, đồng thời tiếp tục chiến đấu với tàn dư IS".
Một số chuyên gia nhận định, quan điểm của Mỹ là muốn quá trình rút quân khỏi Syria sẽ diễn ra càng lâu càng tốt.
"Giữ các lực lượng Mỹ ở lại cho đến khi Thổ Nhĩ Kỳ cam kết không tấn công người Kurd không khác gì ở lại mãi mãi", cây bút Daniel Danielison bình luận trên American Conservative.
Trên thực tế, Tổng thống Recep Tayyip Erdogan đã nói rõ về điều kiện rút quân của ông Bolton là không hợp lý và tố cáo Mỹ đứng về phía người Kurd – lực lượng mà nước này coi là khủng bố.
"Không còn nghi ngờ gì nữa, một nhóm khủng bố không thể là đồng minh của Mỹ", Ibrahim Kalin - người phát ngôn của Tổng thống Erdogan nói trên truyền thông.
Iraq muốn "hất cẳng" lực lượng Mỹ?
Một vấn đề khác nằm trong dự định rời khỏi Syria của Mỹ là ý tưởng của Tổng thống Trump về việc quân đội có thể thực hiện các nhiệm vụ ở Syria từ đất Iraq, nơi sẽ đóng vai trò là lực lượng mới chống lại sự cố thủ của Iran ở cả Syria và Iraq.
Theo truyền thông Iraq, Mỹ đang trong quá trình chuyển quân và thiết bị từ Syria sang căn cứ Ein al-Assad ở miền Tây Iraq.
Một số máy bay quân sự của Mỹ, mang theo vũ khí và thiết bị quân sự, đã đến căn cứ không quân Ein al-Assad ở vùng al-Baghdadi, một quan chức Iraq giấu tên nói với hãng tin al-Wa ' e.
Một nguồn tin khác đã chứng kiến sự xuất hiện của một số lượng lớn xe quân sự của Mỹ tại Ein al-Assad trong những ngày trước khi máy bay chở hàng đến.
Tuy nhiên, sự hiện diện liên tục của Lực lượng đặc biệt Mỹ tại Iraq không còn "vừa mắt" đối với nhiều người.
Theo tờ Arutz Sheva, các chính trị gia có ảnh hưởng ở Iraq và tổ chức Hashd al-Shaabi do Iran hậu thuẫn các dân quân Shiite ở Iraq đang lên kế hoạch hất cẳng quân đội Mỹ ra khỏi đất nước họ.
Liên minh của giáo sĩ Shiite Muqtada al-Sadr, người chiến thắng trong cuộc bầu cử ở Iraq vào tháng 5/2018, nhắc lại rằng họ sẽ không còn chấp nhận sự hiện diện của quân đội Mỹ ở Iraq.
"Lập trường của chúng tôi vẫn như vậy, chúng tôi bác bỏ các chính sách của Mỹ về việc không tôn trọng chủ quyền các quốc gia, sự toàn vẹn lãnh thổ và phẩm giá của các dân tộc", ông Ham Hamallall Rikabi, người phát ngôn của liên minh đưa ra cảnh báo hôm 6/1.
Hadi al-Amiri, lãnh đạo của liên minh Fatah do Iran hậu thuẫn, lên tiếng đồng tình rằng, sự tồn tại của quân đội Mỹ trên đất Iraq đang thiếu đi bất cứ sự biện minh pháp lý nào.
Trong khi al-Amiri muốn giải quyết vấn đề thông qua quốc hội Iraq, một nhà lãnh đạo của Hashd al-Shaabi có những ý tưởng khác về cách chấm dứt sự hiện diện kéo dài của quân đội Mỹ ở Iraq.
Jawad Talibawi, người phát ngôn của lực lượng dân quân Asaib Ahl al-Haq thuộc Hashd al-Shaabi đe dọa sẽ sử dụng vũ lực nếu quốc hội Iraq không hành động nhanh chóng chống lại sự hiện diện của Mỹ ở Iraq.
Talibawi gọi sự hiện diện của lính Mỹ trên đường phố Baghdad là vi phạm chủ quyền của Iraq.
Trong khi đó, Iran được cho là đang cố gắng tuyển mộ thêm các bộ lạc Ả Rập Sunni cho một trận chiến sắp tới chống lại Lực lượng đặc biệt Mỹ ở Iraq - Atheel al-Nujaifi, cựu thống đốc tỉnh Nineveh ở tây bắc Iraq nói với các phóng viên tuần trước.
Hiện tại, Mỹ có khoảng 5.000 binh sĩ đang đóng quân ở Iraq.