Minh họa/INT
Trong bối cảnh cả khu vực Trung Đông đang nóng như một chảo lửa với tâm điểm là cuộc chiến Israel - Hamas và các tấn công tàu thuyền trên Biển Đỏ, Iran và Pakistan đã chìa cành ô liu hòa bình ra với nhau sau các vụ phóng tên lửa vào lãnh thổ lẫn nhau.
Đỉnh điểm của dấu hiệu hòa giải căng thẳng giữa Iran - Pakistan là việc ngoại trưởng hai nước hôm 30/1 cùng ra thông báo tích cực sau cuộc hội đàm tại Islamabad (Pakistan). Theo đó, quyền ngoại trưởng Pakistan Jalil Abbas Jilani và người đồng cấp Iran Hossein Amir Abdollahian khẳng định hai bên đã tìm được tiếng nói chung trong căng thẳng ở khu vực biên giới hồi giữa tháng.
Quan chức Iran và Pakistan cũng cho biết, hai nước đã thiết lập được các kênh liên lạc đáng tin cậy để trao đổi, đề phòng căng thẳng tái diễn như thời gian vừa qua. Đặc biệt, hai quốc gia láng giềng này còn cùng tuyên bố tôn trọng chủ quyền và sự toàn vẹn lãnh thổ của nhau và thậm chí còn tính đến việc mở rộng hợp tác an ninh song phương.
Tổng thống Iran Ebrahim Raisi cũng đang lên kế hoạch sớm thăm Pakistan để khẳng định việc bình thường hóa quan hệ song phương. Iran và Pakistan từng trải qua một lịch sử quan hệ có nhiều căng thẳng, trong đó mới nhất là các vụ nã tên lửa vào lãnh thổ của nhau liên tục trong các ngày 16, 17 và 18/1.
Khi đó, Pakistan khẳng định họ chỉ bắn tên lửa vào các căn cứ của nhóm vũ trang Mặt trận Giải phóng Baloch ly khai đóng trên đất Iran, còn Iran đáp trả bằng cách bắn tên lửa vào những vị trí của nhóm chiến binh Jaish al Adl đóng trên đất Pakistan. Các vụ tấn công bằng tên lửa qua lại biên giới này đã khiến ít nhất 11 người hai bên thiệt mạng và hàng chục người khác bị thương.
Vụ nã tên lửa vào lãnh thổ của nhau này là diễn biến nghiêm trọng nhất trong quan hệ Iran - Pakistan trong suốt nhiều năm qua, gây ra lo ngại có thể dẫn đến một cuộc xung đột mới, qua đó làm trầm trọng hơn tình hình căng thẳng hiện nay tại khu vực Trung Đông. Quan hệ hai nước đã xấu đi nhanh chóng sau vụ việc, nhưng may mắn căng thẳng đã sớm hạ nhiệt nhanh hơn dự đoán.
Diễn biến Iran và Pakistan cùng chủ động chìa cành ô liu hòa bình ra với nhau mà chưa cần sự can thiệp của cộng đồng quốc tế đã khiến giới quan sát thở phào, bởi nếu hai quốc gia cùng được cho là sở hữu vũ khí hạt nhân không chính thức này gia tăng căng thẳng, họ sẽ thổi bùng ngọn lửa xung đột lan khắp Trung Đông.
Kể từ sau khi Israel và lực lượng Hamas lâm vào một cuộc chiến tranh khốc liệt kéo dài từ ngày 7/10/2023 đến nay, khu vực Trung Đông đang được coi như một “chảo lửa địa chính trị” của thế giới. Mầm mống xung đột từ Dải Gaza đã lan rộng ra nhiều nơi, trong đó nghiêm trọng nhất là khu vực biên giới Nam Li Băng với Israel và dọc Biển Đỏ.
Bạo lực tại biên giới phía Nam Li Băng là do lực lượng Hezbollah pháo kích vào đất Israel để ủng hộ lực lượng Hamas. Tương tự, lực lượng Houthi ở Yemen cũng tấn công cả các tàu chiến và tàu chở hàng qua lại trên Biển Đỏ để hậu thuẫn cho Hamas, buộc liên quan Anh - Mỹ phải phát động một chiến dịch quân sự quy mô lớn để trấn áp.
Dù căng thẳng Iran – Pakistan không trực tiếp liên quan đến cuộc chiến trên Dải Gaza nhưng cũng đủ khiến thế giới lo ngại hơn do tình hình bất ổn ở Trung Đông hiện nay. Do vậy, tín hiệu hòa giải giữa hai nước sau những vụ bắn tên lửa được coi như một làn gió mát giữa bầu không khí ngột ngạt trong khu vực những ngày đầu năm 2024 này.