Tại Diễn đàn Kinh tế quốc tế St. Petersburg (SPIEF) hôm 17-6, Tổng thống Nga Vladimir Putin khẳng định Moscow sẵn sàng khôi phục quan hệ với Liên minh châu Âu (EU) miễn là phương Tây chịu hợp tác.
Có qua có lại
Trong động thái thể hiện thành ý, ông Putin nói Moscow có thể dỡ bỏ các lệnh trừng phạt áp đặt lên EU trước. Tuy nhiên, trước khi có sự nhượng bộ như thế, Nga muốn chắc rằng các đối tác phương Tây cũng có bước đi tương tự và không “lừa gạt” Moscow thêm lần nữa.
“Những cuộc họp gần đây với các doanh nghiệp Đức và Pháp cho thấy các công ty châu Âu mong muốn và sẵn sàng hợp tác với quốc gia chúng tôi” - nhà lãnh đạo Nga cho biết.
Do đó, ông Putin kêu gọi khôi phục lòng tin vào quan hệ Nga - châu Âu cũng như mức độ hợp tác giữa hai bên. Theo ông, Moscow không phải là bên gây ra sự đổ vỡ trong quan hệ này.
Bất chấp các lệnh trừng phạt Nga chưa được dỡ bỏ, không ít nhà đầu tư phương Tây đang cạnh tranh giành lại chỗ đứng trong thị trường tiềm năng này, nhất là khi kinh tế châu Âu đang tăng trưởng chậm lại.
Phát biểu tại SPIEF, ông Patrick Pouyanne, Giám đốc điều hành Tập đoàn Dầu khí Total (Pháp), cho biết Pháp vẫn duy trì mức đầu tư cao nhất trong số các nước phương Tây trong thời gian Moscow bị trừng phạt.
Trong khi đó, ông Sergei Chemezov, người đứng đầu Tập đoàn công nghệ Rostec (Nga), tỏ ra lạc quan: “Ngoài châu Âu, có rất nhiều nhà đầu tư Mỹ đang ở đây. Họ hiểu rằng Nga là một thị trường rất lớn. Bất kỳ ai đến đây lần đầu đều thu được lợi nhuận”.
Không bỏ qua cơ hội này, Bộ trưởng Phát triển Kinh tế Ý Carlo Calenda nói nước này muốn thay châu Âu làm cầu nối với Nga.
Tổng thống Nga Vladimir Putin khẳng định Moscow sẵn sàng khôi phục quan hệ với Liên minh châu Âu Ảnh: Tass
EU vẫn cứng rắn
Lời đề nghị của ông Putin được đưa ra giữa lúc EU dự kiến bàn về việc có gia hạn trừng phạt Nga hay không vào tuần tới.
Đã xuất hiện nhiều bất đồng trong nội bộ EU về vấn đề này. Các quốc gia vùng Baltic muốn duy trì biện pháp trừng phạt cứng rắn nhằm vào Moscow - dự kiến hết hạn vào cuối tháng 7 tới - do hành vi sáp nhập bán đảo Crimea năm 2014 và can dự vào tình hình miền Đông Ukraine. Trái lại, một số quốc gia thân Nga - như Hy Lạp, Hungary, Ý… - muốn nới lỏng chúng.
Việc gia hạn trừng phạt Nga cần có sự đồng thuận của 28 quốc gia thuộc EU.
Nếu đại diện tất cả thành viên EU nhất trí gia hạn trừng phạt Nga thêm 6 tháng, tức đến cuối năm 2016, trong cuộc họp ở thủ đô Brussels - Bỉ ngày 21-6 thì vấn đề này sẽ không được đưa ra tranh luận thêm tại cuộc họp của các bộ trưởng EU diễn ra 3 ngày sau đó.
Tuy nhiên, theo trang EU Observer, kế hoạch này có thể thay đổi vào giờ chót do tính nhạy cảm và phức tạp của nó.
Trước đó, phát biểu trong cuộc gặp Tổng thống Putin tại SPIEF hôm 16-6, Chủ tịch Ủy ban châu Âu (EC) Jean-Claude Juncker nhấn mạnh lệnh trừng phạt chỉ được dỡ bỏ khi Nga tuân thủ thỏa thuận Minsk về tiến trình hòa bình ở Ukraine.
Đáp lại, ông Putin cho rằng EU không nên đổ hết trách nhiệm lên Nga, đặc biệt là những vấn đề vượt ngoài khả năng của Moscow. Theo ông Putin, phương Tây nên làm việc với đồng minh Ukraine cũng như thúc đẩy đối thoại trực tiếp giữa các bên liên quan.
Trong khi chưa rõ Nga có tiếp tục bị EU trừng phạt hay không thì liên minh này hôm 17-6 đã gia hạn lệnh cấm giao dịch thương mại với Crimea thêm một năm.
Lệnh trừng phạt kéo dài đến ngày 23-6-2017 này cấm nhập khẩu các sản phẩm từ Crimea, hoạt động đầu tư và hợp tác du lịch với Crimea. Ngoài ra, EU còn cấm xuất khẩu một số hàng hóa, dịch vụ đến bán đảo này.