Cảnh báo u ám về kinh tế Trung Quốc

Hoàng Phương |

Bắc Kinh có thể tiếp tục trả đũa Washington bằng cách cắt giảm mạnh lượng dầu thô nhập khẩu từ Mỹ trong những tuần tới.

Cuộc thương chiến đang kéo dài với Mỹ được cho là đang giáng đòn mạnh vào kinh tế Trung Quốc giữa lúc có những dấu hiệu cho thấy hai bên còn lâu mới đạt được thỏa thuận chấm dứt nó. Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) hôm 9-8 đánh giá kinh tế Trung Quốc đang tăng trưởng chậm lại trong bối cảnh xung đột thương mại với Mỹ.

Tuy nhiên, nếu Washington tiếp tục tăng cường áp thuế lên hàng nhập khẩu Trung Quốc, tăng trưởng của nền kinh tế thứ 2 thế giới có thể còn giảm mạnh hơn nữa.

Báo cáo mới của IMF đã hạ dự báo tăng trưởng của Trung Quốc xuống còn 6,2% trong năm nay, với giả định là sẽ không có thêm đòn thuế mới từ Mỹ. Tuy nhiên, ông James Daniel, trưởng đại diện IMF tại Trung Quốc, nhận định mức thuế 10% nhằm vào 300 tỉ USD hàng hóa Trung Quốc mà Tổng thống Mỹ Donald Trump công bố gần đây có thể khiến tăng trưởng kinh tế Trung Quốc giảm 0,3 điểm phần trăm trong năm 2020.

Ngoài ra, nếu Mỹ quyết định áp thuế đến 25% đối với những mặt hàng Trung Quốc chưa bị áp, Bắc Kinh sẽ chứng kiến kinh tế tăng trưởng chậm hơn nữa trong năm tới (giảm 0,8 điểm phần trăm). Kinh tế Trung Quốc trong quý II/2019 tăng trưởng 6,2%, mức thấp nhất trong gần 30 năm qua.

Theo IMF, sự leo thang căng thẳng thương mại với Mỹ có thể đe dọa đến sự ổn định về tài chính và kinh tế của Trung Quốc, khiến Bắc Kinh có thể cần thêm các biện pháp kích thích tài chính. Nguy cơ thương chiến Mỹ - Trung kéo dài không phải không có cơ sở khi Tổng thống Donald Trump hôm 9-8 tuyên bố hai bên vẫn đang đàm phán nhưng Washington chưa sẵn sàng ký thỏa thuận với Bắc Kinh.

Nhà lãnh đạo này thậm chí nói đến khả năng hủy vòng đàm phán mới dự kiến diễn ra tại thủ đô Washington trong tháng 9 dù cố vấn thương mại Nhà Trắng Peter Navarro sau đó nói công việc chuẩn bị cho cuộc gặp này vẫn đang diễn ra.

Đáng chú ý, theo báo South China Morning Post, báo cáo mới của IMF không đứng về phía Washington trong cáo buộc Trung Quốc thao túng tiền tệ. Cụ thể, IMF không thấy có bằng chứng về việc Ngân hàng Trung ương Trung Quốc (PBOC) cố tình giảm giá trị đồng nội tệ - một động thái có thể giúp nhà xuất khẩu nước này có lợi thế cạnh tranh về giá so với các đối thủ nước ngoài.

Dù vậy, ông Daniel nói thêm với Reuters rằng IMF khuyến khích Trung Quốc theo đuổi một tỉ giá hối đoái linh hoạt hơn và ít có sự can thiệp hơn.

Vấn đề là Mỹ không chấp nhận đánh giá trên của IMF. Ông chủ Nhà Trắng vẫn giữ nguyên cáo buộc Trung Quốc thao túng đồng nội tệ để bù đắp phần nào những thiệt hại từ biện pháp thuế quan của Mỹ.

Đi xa hơn, ông Navarro cảnh báo Mỹ sẽ hành động mạnh mẽ nếu Bắc Kinh có bước đi này nhằm vô hiệu hóa đòn thuế của Washington. "Trung Quốc sẽ phải chịu gần như toàn bộ thiệt hại vì thao túng tiền tệ và giảm giá đồng tiền" - ông Navarro nhận định với đài CNBC hôm 9-8.

Ở chiều ngược lại, một số cựu lãnh đạo PBOC hôm 10-8 cảnh báo về nguy cơ nổ ra chiến tranh tiền tệ sau khi căng thẳng thương mại với Mỹ leo thang đột ngột trong tuần này. Ông Chen Yuan, cựu Phó Thống đốc PBOC, cho rằng việc Mỹ gán mác thao túng tiền tệ cho Trung Quốc báo hiệu thương chiến đang trên đường trở thành chiến tranh tài chính và tiền tệ, đồng thời thúc giục các nhà hoạch định chính sách ở Bắc Kinh phải chuẩn bị cho các cuộc xung đột dài hơi.

Trong khi đó, ông Zhou Xiaochuan, cựu Thống đốc PBOC, cho rằng xung đột Trung - Mỹ có thể lan từ thương mại sang những mặt trận khác, như chính trị, quân sự, công nghệ…

Bộ Thương mại Trung Quốc trong tuần này thông báo ngưng mua nông sản Mỹ để đáp trả động thái thuế quan mới nhất của ông Trump. Theo một số nhà phân tích năng lượng, Bắc Kinh thậm chí có thể tiếp tục trả đũa bằng cách cắt giảm mạnh lượng dầu thô nhập khẩu từ Mỹ.

Theo thống kê, số lượng dầu thô Mỹ xuất sang Trung Quốc tăng lên đến 247.000 thùng/ngày hồi tháng 5 nhưng chuyên gia Stephen Brennock của Công ty PVM Oil Associates (Anh) dự báo con số này có thể giảm xuống con số 0 do căng thẳng thương mại đe dọa đảo ngược xu hướng nói trên.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại