“Đặc điểm chiến lược của quan hệ Trung-Đức là tầm quan trọng gia tăng đều đặn”, hãng tin Bloomberg dẫn lời ông Tập viết trong một bài báo đăng trên tờ Die Welt của Đức ngày 4/7. Bài viết dẫn số liệu cho thấy Trung Quốc đã trở thành đối tác thương mại quan trọng nhất của Đức trong năm 2016.
“Chúng tôi hy vọng rằng G20 sẽ tiếp tục giữ vững mục tiêu về một nền kinh tế thế giới cởi mở”, nhà lãnh đạo Trung Quốc viết.
Theo ông Tập, Đức và Trung Quốc “cần tăng cường hợp tác trong việc thực thi sáng kiến con đường tơ lụa mới của Trung Quốc và cùng nhau đóng góp vào an ninh, ổn định và thịnh vượng của các quốc gia láng giềng”.
Bài viết được đăng 3 ngày trước khi bà Merkel tiếp ông Tập, Tổng thống Mỹ Donald Trump và Tổng thống Nga Vladimir Putin, cùng các nhà lãnh đạo khác trong khối 20 nền kinh tế phát triển và mới nổi lớn nhất thế giới (G20) tại Hamburg, Đức. Bà Merkel đã nói rằng, hội nghị kéo dài 2 ngày này sẽ là một sự kiện đầy căng thẳng.
Trong bối cảnh ông Trump đưa Mỹ rút lui khỏi vai trò lãnh đạo trong các vấn đề toàn cầu mà Washington đã nắm giữ từ sau năm 1945, Trung Quốc và Đức, hai quốc gia xuất khẩu lớn nhất và lớn thứ ba thế giới, đang có cơ hội để lấp đầy chỗ trống.
Trong một loạt cuộc gặp kể từ đầu năm đến nay, Trung Quốc và Đức đã thể hiện lập trường phản đối chủ trương bảo hộ của chính quyền Trump, đồng thời khẳng định cam kết với thỏa thuận Paris về chống biến đổi khí hậu - một thỏa thuận quan trọng mà ông Trump mới đây đã tuyên bố ngừng tham gia.
Trong bài viết đăng trên tờ báo Đức, ông Tập nói rằng việc G20 “tiếp tục là một diễn đàn quan trọng cho hợp tác quốc tế” sẽ mang lại lợi ích cho tất cả các nước thành viên. Nhà lãnh đạo Trung Quốc cũng nói Đức và Trung Quốc nên tạo ra “điều kiện đầu tư cởi mở theo cả hai hướng, dựa trên cạnh tranh bình đẳng”.
Việc Trung Quốc và Đức xích lại gần nhau tại G20 lần này diễn ra trong bối cảnh cả hai nước cùng căng thẳng với Mỹ trong nhiều vấn đề quan trọng. Trong khi Mỹ và Trung Quốc gia tăng bất đồng về Triều Tiên và thương mại, thì Mỹ và Đức mâu thuẫn về thương mại và ngân sách quốc phòng trong Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO).
“Quan hệ giữa Đức và Trung Quốc đang ở giai đoạn tốt nhất trong lịch sử”, đại sứ Đức tại Bắc Kinh Michael Clauss phát biểu. “Từ góc nhìn của nước Đức, động lực kinh tế và chính trị đang dịch chuyển về phía Đông”.