Trong cuốn sách được xuất bản gần đây, "Kiệt sức: bí quyết thoát khỏi chu kỳ căng thẳng" của cặp chị em nhà Tiến sĩ Ameila và Emily Nagoski, các tác giả tiết lộ rằng, con người có thể tự phá vỡ vòng luẩn quẩn của stress bằng cách hoàn thành chính chu kỳ phản ứng stress đó, hay nói cách khác, kích hoạt một áp lực khác có chủ đích.
Để giải thích cho khẳng định trên, họ cho biết, giống như bất kỳ quá trình sinh học nào, chu kỳ phản ứng căng thẳng cũng có giai đoạn khởi đầu, giữa và kết thúc.
Hay đúng hơn, bước cuối cùng cần được thực hiện, nhưng thật không may, tất cả chúng ta đều không biết, hoặc không hoàn thành chu trình sinh học này. Thay vào đó, chúng ta đã đi đường tắt.
Các tác nhân gây căng thẳng như lời chỉ trích gay gắt bạn nhân được từ sếp nơi công sở, sẽ kích hoạt loạt phản ứng sinh lý tương tự như tình huống bạn gặp phải một con sư tử trong tự nhiên.
Lúc đó, con người có thể rơi vào hai trạng thái, hoặc chiến đấu, hoặc buông xuôi vì quá sợ hãi. Nhịp tim tăng nhanh, hơi thở gấp gáp, cơ bắp bị stress, đó là khi các hormone căng thẳng được tiết ra!
Trong tự nhiên (giả sử không bị sư tử ăn thịt), chúng ta sẽ ra sức chạy trốn, tìm một nơi an toàn và cuối cùng là nghỉ ngơi.
Nhờ những hoạt động bùng nổ diễn ra trước đó, khi cơ thể và trí não được nghỉ ngơi chính là lúc chu kỳ stress sẽ được hoàn thành, đưa nó vào trạng thái "đóng", cho phép thể chất và tinh thần con người được phục hồi.
Tuy nhiên, trong cuộc sống hiện đại, những tác nhân gây căng thẳng này được ví như hình ảnh của những trái bóng bàn, hết trái này đến trái khác, từ bên này qua bên kia không ngừng nghỉ.
Những vòng lặp không hoàn chỉnh này lâu dần tích tụ lại, trở thành nguyên nhân khiến bạn cảm thấy khó ngủ và ảnh hưởng đến khả năng quản lý mọi áp lực trong cuộc sống. Và điều đương nhiên, sức khỏe của chúng ta sẽ bị ảnh hưởng.
Chị em Tiến sĩ Nagoski đã đề xuất ba bước giúp bạn có thể đóng lại chu trình stress này bằng cách tham gia các hoạt động dựa trên bản năng nguyên thuỷ của con người trong tự nhiên:
1. Chạy ngay đi!
Nghĩa đen có nghĩa là chạy bộ, hay bất kỳ hoạt động thể chất nào bạn yêu thích, có thể là các môn thể thao như đá bóng, đánh cầu, nhảy dây, bơi lội hay thậm chí là một điệu nhảy.
Tập thể dục được chứng minh có hiệu quả trong việc giải toả căng thẳng.
Nếu bạn không thể làm được điều này, hãy thử các động tác căng cơ đơn giản, giữ tư thế đó trong vòng 10 giây, sau đó thả lỏng và thư giãn.
2. Tìm kiếm sự an toàn
Đừng chần chừ, mà hãy kiếm tìm sự thoải mái từ một người bạn đáng tin cậy hoặc những người thân yêu, giống như cảm giác được ở trong chiếc hang ấm áp sau khi chạy trốn một con sư tử hung dữ.
Hai nữ tác giả gợi ý về những cái ôm 20 giây, điều này sẽ kích hoạt giải phóng oxytocin, hay còn được gọi là "hormone âu yếm". Nhịp tim của bạn sẽ chậm lại và bạn sẽ có cảm giác dễ chịu hơn.
3. Nghỉ ngơi
Một giấc ngủ đêm tròn trịa là yếu tố cần thiết nhất giúp đẩy mạnh quá trình phục hồi. Và sau khi đã mệt nhoài với bước 1, phấn chấn hơn nhờ bước 2, hy vọng bạn có thể ngủ ngon giấc.
Tuy nhiên, nếu bạn bị khó ngủ mãn tính, các chuyên gia khuyên rằng, bạn không nên trằn trọc trên giường với hang ngàn suy nghĩ chạy đua trong tâm trí, hãy ra khỏi đó.
Điều này giúp rèn luyện suy nghĩ, đưa vào tiềm thức của bạn ý niệm rằng giường là nơi để ngủ, chứ không phải nơi để bạn dành cả đêm thao thức là lo lắng, hãy làm việc đó ở chỗ khác.
Các giấc ngủ ngắn ở các thời điểm khác nhau trong ngày cũng là một ý tưởng tuyệt vời.
Thực tế, thực hiện một trong ba hành động trên đều có thể giúp bạn có thể hoàn thành chu kỳ phản ứng căng thẳng, nhưng nếu được, hãy thử cả ba.