Cận cảnh hình hài Di tích Hải Vân quan sau 1 năm trùng tu, phục dựng

CHÂU THƯ |

Hải Vân quan từng bị “bỏ quên” suốt thời gian dài hiện đang dần được phục dựng, tái hiện lại “Thiên hạ đệ nhất hùng quan” dựa trên nền gốc tích thời nhà Nguyễn.

Cận cảnh hình hài Di tích Hải Vân quan sau 1 năm trùng tu, phục dựng - Ảnh 1.

Di tích lịch sử quốc gia Hải Vân quan đã dần thành hình khi được trùng tu, phục dựng về gần với nguyên trạng thành lũy phòng thủ thời Nguyễn. Di tích Hải Vân quan nằm trên đỉnh đèo Hải Vân, ranh giới giữa tỉnh Thừa Thiên Huế và TP Đà Nẵng, được Trung tâm Bảo tồn di tích cố đô Huế phối hợp Sở Văn hóa và Thể thao TP Đà Nẵng khởi công trùng tu, phục hồi bắt đầu từ 19/12/2021.

Cận cảnh hình hài Di tích Hải Vân quan sau 1 năm trùng tu, phục dựng - Ảnh 2.

Hải Vân quan, còn được ví là "thiên hạ đệ nhất hùng quan", được xây dựng ở độ cao 490 m so với mực nước biển, vào năm Minh Mạng thứ 7 (1826). Đây là công trình cửa ngõ trên con đường thiên lý Bắc Nam để kiểm soát tàu bè ra vào vịnh Đà Nẵng và là cụm phòng thủ quân sự quan trọng với hệ thống thành lũy, pháo đài thần công, được mệnh danh là “yết hầu” của kinh đô Huế.

Cận cảnh hình hài Di tích Hải Vân quan sau 1 năm trùng tu, phục dựng - Ảnh 3.

Di tích này từng bị "bỏ rơi" suốt 20 năm vì nằm trong vùng chồng lấn địa giới và hai địa phương không thống nhất được việc làm hồ sơ xin công nhận di tích lịch sử cấp quốc gia. Tháng 4/2017, lãnh đạo ngành văn hóa Đà Nẵng và Huế đã bắt tay nhau trùng tu, khi Hải Vân quan được công nhận là di tích cấp quốc gia.

Cận cảnh hình hài Di tích Hải Vân quan sau 1 năm trùng tu, phục dựng - Ảnh 4.

Di tích Hải Vân quan được trùng tu, tu bổ với tổng diện tích 6.500 m2, thời gian triển khai trùng tu 2 năm. Dự án có tổng kinh phí hơn 42 tỷ đồng, trong đó ngân sách tỉnh Thừa Thiên-Huế 50% và TP Đà Nẵng 50% trên tổng mức đầu tư.

Cận cảnh hình hài Di tích Hải Vân quan sau 1 năm trùng tu, phục dựng - Ảnh 5.

Theo phương án xây dựng, tại 2 hạng mục chính của di tích là Hải Vân quan và Thiên hạ đệ nhất hùng quan sẽ được tháo dỡ toàn bộ các lô cốt trên nền gốc tích thời nhà Nguyễn. Di tích sẽ tu bổ 2 công trình này theo các dấu tích nguyên gốc, phục hồi, thay thế nền cổng lát đá, hệ thống cổng đá, tường xây gạch vồ…

Cận cảnh hình hài Di tích Hải Vân quan sau 1 năm trùng tu, phục dựng - Ảnh 6.

Hệ thống tường thành nhà Nguyễn sẽ được phục hồi bằng đá núi theo dấu vết khảo cổ học và dấu vết trên tường bên hông Hải Vân quan và Thiên hạ đệ nhất hùng quan. Đồng thời phục hồi nhà trú sở, nhà vũ khố 3 gian theo dấu tích khảo cổ và ảnh tư liệu.

Cận cảnh hình hài Di tích Hải Vân quan sau 1 năm trùng tu, phục dựng - Ảnh 7.

Dự án phục hồi tuyến bậc cấp từ Hải vân quan xuống phía TP Đà Nẵng theo dấu vết khảo cổ bằng đá. Phục hồi tuyến đường thiên lý từ Thiên hạ đệ nhất hùng quan đi tỉnh Thừa Thiên-Huế bằng đá xếp truyền thống.

Cận cảnh hình hài Di tích Hải Vân quan sau 1 năm trùng tu, phục dựng - Ảnh 8.

Sau 1 năm được trùng tu, phục hồi, hình hài di tích Hải Vân quan và "Thiên hạ đệ nhất hùng quan" dần hình thành.

Cận cảnh hình hài Di tích Hải Vân quan sau 1 năm trùng tu, phục dựng - Ảnh 9.

Dự án dự kiến sẽ hoàn thành trong năm 2023 và sẽ trở thành điểm tham quan, du lịch hấp dẫn đối với người dân, du khách thập phương.


Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Tags
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại