Tử vong chỉ vì cúm
Giáo sư Nguyễn Gia Bình – nguyên trưởng khoa Hồi sức tích cực Bệnh viện Bạch Mai chia sẻ vào những ngày đầu năm, lễ hội, nơi tụ tập đông người tưởng là vui nhưng đó lại là nơi niềm ẩn quá nhiều nguy hiểm đặc biệt là các loại vi rút cúm.
Trường hợp chị N.T.V (31 tuổi, ở Thanh Hóa) là một trường hợp đáng tiếc. Chị V. mang thai ở tuần 26 và bị dính vi rút cúm. Dù đã được các y bác sĩ nỗ lực bằng mọi cách cấp cứu nhưng vì chị V. đã bị suy đa phủ tạng, chạy máy ECMO mà không cải thiện, hi vọng sống chỉ còn 5%. Gia đình đã xin chị V. về trước Tết .
Giáo sư Nguyễn Gia Bình cho biết đây là trường hợp hết sức đáng tiếc, bệnh nhân đến viện khi đã suy đa phủ tạng nên dù đã sử dụng đến giải pháp dùng ECMO hỗ trợ hô hấp tuần hoàn ngoài cơ thể, cũng không cứu được.
Theo BS. Trịnh Thế Anh, Khoa Hồi sức cấp cứu, Bệnh viện Bạch Mai: Trường hợp của chị V rất đáng tiếc.
Chị V. bị cảm cúm nhưng đang mang bầu nên cố chịu. Đến khi có dấu hiệu khó thở, mệt mỏi chị mới đến bệnh viện. Lúc đến viện thì diễn tiến bệnh nặng, suy hô hấp. Bệnh nhân nhập viện trong tình trạng bệnh rất nặng. Thai nhi không cứu được,bác sĩ hi vọng có thể cứu được mẹ cháu bé nhưng sau 2 tuần ròng rã, mọi người đành buông tay.
Vi rút cúm độc tính cao
Giáo sư Nguyễn Gia Bình cho biết nhiều trường hợp bị bệnh cúm, khi vào viện chỉ có dấu hiệu cảm cúm vài ngày trước đó, người mệt mệt nhưng chỉ hai ba ngày diễn tiến nặng dẫn đến hôn mê, suy đa tạng nhanh chóng.
Bác sĩ Trịnh Thế Anh cảnh báo nhiều người lầm tưởng vi rút cúm chỉ gây đau họng, ho, viêm phế quản nên rất chủ quan.
Thực tế, khi lưu hành trong cơ thể, chúng có thể tấn công lên tim gây bệnh viêm cơ tim, tấn công vào phổi gây viêm phổi. Có những bệnh nhân vào viện chụp X quang phổi đã trắng xóa do vi rút tấn công, có bệnh nhân phổi nhũn như "bùn" chỉ bắt đầu từ những triệu chứng cảm cúm, nhiễm siêu vi thông thường.
Tránh xa chốn đông người
Tại khoa Hồi sức tích cực, các bác sĩ luôn làm việc căng như dây đàn để cứu những bệnh nhân bị suy đa tạng do bị cúm.
Nhiều bệnh nhân khi vào khoa, người nhà cho biết ban đầu chỉ là bị cúm gây ho khan, sổ mũi, nhức đầu, đau mình mẩy, nhưng chỉ 2-3 ngày sau, bệnh nhân sốt và khó thở. Có bệnh nhân chưa kịp đến viện đã bị sốc nhiễm khuẩn, sốc tim và khi vào viện chi phí điều trị khó khăn, tốn kém, thậm chí tử vong.
Giáo sư Nguyễn Gia Bình – nguyên trưởng khoa Hồi sức tích cực Bệnh viện Bạch Mai
GS Bình cho biết trong cuộc đời mỗi con người hầu như ai cũng mắc bệnh cúm, ví dụ từ các triệu chứng rất đơn giản như sốt, sổ mũi, nhức đầu, ho… Các triệu chứng này có thể tự khỏi, tuy nhiên gần đây có một tỉ lệ nhất định liên quan đến sự biến đổi về gen của các loại virus cúm mới xuất hiện, đặc biệt có tính độc lực rất cao. Chính vì thế, nhiều bệnh nhân nặng, song tỉ lệ tử vong lại rất cao.
Khi gặp các triệu chứng lâm sàng của cúm như sốt, đau đầu, sổ mũi, ho khan… Đến ngày thứ 2-3 bệnh nhân thấy mệt hơn hoặc khó thở thì hãy đến các cơ sở y tế gần nhất. Bệnh nhân cần khám, xét nghiệm máu, bệnh có tiến triển nặng, cần nhập viện để được điều trị nhanh nhất. Đây là cách giảm thiểu biến chứng do cúm – GS Bình nhấn mạnh.
Giáo sư Bình tỏ ra lo lắng nhất là vào dịp Tết, mùa lễ hội những trốn đông người luôn tiềm ẩn các nguy cơ mắc cúm. Đặc biệt, bệnh cúm này cũng không thể phòng được ngoài cách là hạn chế tối đa nơi đông người, đeo khẩu trang y tế.
Trong dịp Tết Bệnh viện Bạch Mai cũng tiếp nhận hai ca bệnh viêm phổi nghi do nhiễm cúm gia cầm. Cả 2 trường hợp viêm phổi nặng do vi rút đến từ Hà Nội (Bệnh nhân nam, khởi phát 30/1/2019, vào viện 01/2/2019) và Quảng Ninh (Bệnh nhân nam, khởi phát 1/2/2019, vào viện 04/2/2019), điều trị tại Bệnh viện Bạch Mai.
Kết quả xét nghiệm của Viện Vệ sinh dịch tễ Trung ương đối với hai bệnh nhân viêm phổi nghi nhiễm cúm gia cầm điều trị tại Bệnh viện Bạch Mai cho thấy cả hai trường hợp đều đồng nhiễm cúm A(H1N1) và cúm B. Đây là các chủng cúm mùa thông thường, hiện các trường hợp này vẫn đang tiếp tục được cách ly và điều trị tại Bệnh viện.