Bệnh nhân nghèo còn mắc lao siêu kháng thuốc
Các Bác sĩ (BS) ở Bệnh viện (BV) Lao phổi Trung Ương chắc ít ai không biết đến trường hợp bệnh nhân đặc biệt T.T.L (50 tuổi) người từng mắc và điều trị bệnh lao trong thời gian dài.
Với gương mặt gầy sạm vì mưu sinh và bệnh tật, anh mệt mỏi khi nhắc đến những tháng ngày chống chọi với căn bệnh truyền nhiễm này. Công việc xe ôm để kiếm tiền chữa bệnh và chăm sóc người mẹ già hơn 80 tuổi bại liệt và cô em gái mắc bệnh tâm thần nhiều lúc đã làm anh muốn buông bỏ cuộc sống.
"Năm 2014, tôi điều trị bệnh phổi ở BV Phổi Hà Nội nhưng do là lao kháng thuốc nên điều trị khá khó khăn và mất thời gian dài. Không có điều kiện để ra ngoài lao động kiếm tiền, hoàn cảnh gia đình nghèo nên không có kinh tế để chi trả cho việc phẫu thuật, tôi đã sống chung với bệnh một thời gian khá dài", anh L. nói.
BSCK II Lê Minh Hòa – Trưởng khoa nội 2 – BV Phổi Hà Nội nói: "Bệnh nhân T.T.L có thể coi là bệnh nhân đặc biệt, điều trị rất lâu ở BV, khi có chương trình hỗ trợ thuốc chúng tôi đưa bệnh nhân vào danh sách các bệnh nhân điều trị kháng đa thuốc, mất 24 tháng điều trị nhưng vẫn thất bại.
Mãi về sau có chương trình sàng lọc, bệnh nhân được kháng đồ thì phát hiện ra đây là trường hợp siêu kháng thuốc".
Không đầu hàng số phận, bệnh nhân L. đã tìm đến các BS BV Phổi Trung ương. Tại đây, để có phương pháp tốt nhất điều trị cho bệnh nhân, đòi hỏi sự hợp tác của các chuyên gia hàng đầu tới từ các khoa như khoa phẫu thuật lồng ngực, hồi sức tích cực để nôi soi chẩn đoán và can thiệp.
Cái nghèo không đủ điều kiện để họ có khả năng chữa bệnh hoàn toàn
PGS.TS Nguyễn Viết Nhung, Giám đốc Bệnh viện Phổi Trung ương cho biết: "Đối với bệnh nhân T.T.L chúng tôi có một phác đồ điều trị mới và có kết quả tốt, với trường hợp siêu kháng thuốc và điều trị âm hóa rất nhanh. Tuy nhiên, bệnh nhân lại xảy ra một biến chứng khá hiếm đó là ho ra máu, rất nặng, nếu không can thiệp kịp thời, bệnh nhân có khả năng tử vong".
TS. BS Đinh Văn Lượng – Trưởng khoa Phẫu thuật lồng ngực – BV Phổi TW cho hay: "Đây là một trường hợp mắc lao rất nặng, gặp nhiều khó khăn trong quá trình điều trị, có mấy yếu tố tác động đó là, bệnh nhân rất nghèo, hoàn cảnh kinh tế không đủ điều kiện để chi trả cho quá trình điều trị, nhưng nếu chỉ định mổ áp dụng kỹ thuật cao đòi hỏi, chi phí khá tốn kém".
Kinh tế khó khăn là yếu tố khiến nhiều người mắc lao
PGS.TS Nguyễn Viết Nhung chia sẻ, trường hợp bệnh nhân T.T.L chỉ là một trong số nhiều những hoàn cảnh khó khăn đến với BV, còn rất nhiều những ca bệnh đặc biệt cần đến sự hỗ trợ của cộng đồng. Yếu tố kinh tế khó khăn và kỳ thị là một trong những nguyên nhân khiến nhiều người mắc lao.
Lao phổi là một trong những nguyên nhân gây đứng hàng thứ hai gây tử vong trong các bệnh nhiễm trùng. Vì thế, việc khám định kỳ và sớm phát hiện là việc làm cần làm càng sớm càng tốt, tránh để biến chứng và bệnh phát triển, gây khó khăn cho quá trình trị liệu.
PGS.TS Nguyễn Viết Nhung, Giám đốc Bệnh viện Phổi Trung ương
So với năm 2000, nước ta mặc dù đã cắt giảm được 50% số mắc và số chết do lao, nhưng Việt Nam vẫn là nước có gánh nặng bệnh lao cao nhất trên thế giới. Năm 2016 ước tính có 126.000 người mắc lao mới, chương trình chống lao đã phát hiện 100.000 người mắc lao, còn 30.000 người chưa được phát hiện tại cộng đồng.
Cái nghèo không đủ điều kiện để họ có khả năng chữa bệnh hoàn toàn, so với các bệnh khác thì điều trị bệnh lao cần thời gian dài, ít nhất là 6 tháng, thậm chí đến 2 năm nếu bệnh được phát hiện muộn, và là lao kháng thuốc.
Nhiều bệnh nhân không kiên trì điều trị hoặc không tuân thủ chỉ định nên bệnh dễ tái phát, do vậy nguy cơ lây bệnh sang người khác rất cao. Bệnh nhân mắc lao nếu không được điều trị có khả năng lây bệnh cho 10 – 15 người/năm.
Hiện nay chưa có cơ chế hỗ trợ cho người bệnh lao, nhất là người bệnh chưa có thẻ bảo hiểm y tế. Theo ước tính có khoảng 20 ngàn người mắc lao chưa có thẻ BHYT, đây là một khó khăn lớn đối với người mang bệnh.
Bệnh lao không loại trừ ai, ở nơi đâu cũng cần sự chung tay của cả cộng đồng nhằm chấm dứt bệnh lao. Đây là bệnh truyền nhiễm có khả năng chữa khỏi hoàn toàn và không lây lan ra cộng đồng nếu như người bệnh được phát hiện sớm và biết điều trị đúng cách.