Lý Huyền Trân, 21 tuổi, sinh viên năm 4, ngành Y Đa khoa, trường Đại học Y Dược Cần Thơ. Cô tham gia chống dịch từ ngày 8/8 đến nay, công việc lấy mẫu cho người dân, ghi thông tin và nhỏ test lấy kết quả tại xã Nhơn Nghĩa, huyện Phong Điền, TP Cần Thơ.
Nữ sinh 21 tuổi viết bức thư gửi cha mẹ khiến nhiều người cảm động và rơi nước mắt: "Từ ngày con rời quê mình (Đồng Tháp) lên Cần Thơ học tập, một năm về nhà đôi ba lần nhưng cũng chỉ vỏn vẹn vài ngày. Con đã thấy tóc ba thêm nhiều sợi bạc, con càng xót xa khi thấy mẹ thêm nhiều nếp nhăn. Đôi bàn tay chai sần quý giá của ba mẹ là từng ấy tháng năm nhọc nhằn nuôi con khôn lớn. Tự bao giờ những bữa cơm canh đủ đầy chẳng còn một tay con bưng rót, mái tóc bạc của ba nhiều thêm nhưng không có con kề bên để ba kêu nhổ tóc rồi con lại sẽ trả giá kì kèo 100-200 đồng một cọng. Có những ngày mẹ bật khóc vì thương nhớ con. Có những đêm ba trọc trằn vì lo con nơi xa cô quạnh.
Ngày con đi, con chỉ gọi nói một câu: “Thưa ba mẹ, con đi”. Con xin lỗi vì chưa nhận được sự đồng ý của đấng sinh thành đã “lao thân vào đạn lửa” như mẹ từng nói. Nhưng mẹ ơi, con chỉ là hạt cát bé xíu, việc con làm chẳng xá gì với anh chị bác sĩ đang đấu tranh điều trị tiêu tan tên giặc COVID-19 hoành hành.
Con của ba mẹ tuổi 21 chẳng sợ hãi điều gì, con phải làm, con làm bằng tất cả những gì con có. Khát vọng tiêu trừ cơn đại dịch luôn hiện hữu trong con đến mức xé toạc lớp vỏ bao bọc an toàn mà tình thân đã bảo vệ con suốt hơn 20 năm qua. Con phải đi, vì một ngày sớm nhất con được về thăm ba mẹ. Con đi, là để vượt qua chính bản thân mình.
Con xin lỗi vì xa quê khiến mọi người nhớ mong, lo lắng cho đứa con nhỏ này. Nhưng ba mẹ ơi, con của người đang trưởng thành từng ngày. Con sẽ tự đứng vững trên đôi chân của mình. Những kiến thức chuyên môn vững chãi được nhà trường trang bị, con tin rằng bản thân và đồng đội của con sẽ luôn khoẻ mạnh, luôn vững tin hoàn thành tốt công tác được giao.
Công việc lấy mẫu test vất vả, nhọc nhằn giữa cái nắng hè gắt gỏng không tránh khỏi mệt mỏi. Có những lần đuối sức đến rơi nước mắt, con lại ước trở về bên vòng tay mẹ hay nằm yên vị trên cái võng à ơi của bà ngoại ngày xưa. Nhưng con phải học cách kiên cường, phải vững chãi như bàn thạch, phải một lòng nắm tay cùng đồng đội, vì trái tim của bọn con chung một chí hướng - diệt trừ đại dịch, đem lại màu xanh cho Tổ quốc ta".
Lý Huyền Trân quê ở TP Cao Lãnh, tỉnh Đồng Tháp. Cha làm nghề xây dựng, còn mẹ là giáo viên Trường Tiểu học Mỹ Ngãi (TP Cao Lãnh). Vì xa quê đi học, lại thêm tính chất dịch bệnh căng thẳng nên đã hơn 6 tháng cô chưa về thăm gia đình.
Huyền Trân kể, lúc trường thông báo tuyển tình nguyện viên tham gia lấy mẫu và truy vết COVID-19 tại tỉnh Đồng Tháp, cô đã đăng ký nhưng không có tên trong danh sách đi nên hơi tiếc vì đó là quê nhà của mình. Lần này trường tiếp tục tuyển tình nguyện viên, cô lại đăng ký và được chọn.
Mỗi sáng Trân dậy lúc 5 giờ sau đó vệ sinh cá nhân, ăn sáng và làm việc đến hơn 11 giờ nghỉ trưa. Chiều bắt đầu lúc 13 giờ 30 phút và kết thúc vào khoảng 17 giờ. Công việc cứ thế xuyên suốt, liên tục trong bộ đồ bảo hộ nóng bức, ngột ngạt. Cô cho biết, những ngày đầu thật sự khó chịu vì làm việc với cường độ cao với bộ đồ bảo hộ kín mít trong khi thời tiết oi bức nhưng dần rồi quen, bây giờ mọi việc bình thường.
Trân cho biết, trước tình hình diễn biến phức tạp của đại dịch COVID-19, là sinh viên ngành Y, em hiểu được tính chất nguy hiểm của căn bệnh này và được nhà trường tập huấn về phương pháp phòng chống dịch, luôn trong tư thế sẵn sàng cho công tác hỗ trợ phòng chống đại dịch.
"Chỉ mong một ngày gần nhất sẽ không còn dịch bệnh hoành hành, sẽ lại được hoà mình vào đường xe tấp nập mỗi chiều tan tầm và gặp lại hình ảnh các ông bà tập thể dục ở công viên Lưu Hữu Phước, để các bạn xa quê được về thăm ông bà cha mẹ, để bọn trẻ lại được cắp sách đến trường. Một ngày không còn xa, em sẽ được thấy Cần Thơ vươn mình đón nắng", nữ sinh đất Sen Hồng bộc bạch.
Theo lời Trân, những ngày đầu Cần Thơ còn chưa thực hiện giãn cách, em có ngỏ lời xin ý kiến được ra quân dù là bất cứ nơi nào, ba mẹ còn hơi e dè lo sợ con gái không đủ sức khoẻ. Nhưng đến khi em gọi xin phép được đi, ba mẹ đồng lòng ủng hộ tinh thần và luôn nhắc nhở em giữ sức khoẻ thiệt tốt để đủ sức vượt qua hiểm nguy.
"Được nhà trường tập huấn rất kỹ và sâu những kiến thức về bệnh nên công việc này em bắt nhịp không quá khó khăn. Hơn nữa, nắm được tính chất nguy hiểm của virus, nhưng với tinh thần không ngại khó, sức khoẻ của một người trẻ chỉ mới ngoài 20, em chẳng sợ hãi điều gì. Mình chỉ cần làm đúng quy trình, một ngày sớm nhất ắt sẽ mang về toàn thắng", Trân tự tin nói.