Phó Thủ tướng Italy Luigi Di Maio cho biết các thỏa thuận được ký có giá trị ban đầu là 2,5 tỷ euro và có thể sẽ tăng lên tới 20 tỷ euro sau đó.
Chuyến thăm của ông Tập Cận Bình lần này được đánh giá là càng thắt chặt hơn nữa quan hệ hai nước, nhất là khi hai bên ký 10 thỏa thuận liên quan đến các lĩnh vực kinh tế chủ chốt như giao thông vận tải, năng lượng, thép, tài chính và đóng tàu. Italy và Trung Quốc thiết lập Quan hệ đối tác chiến lược toàn diện vào năm 2004. Kim ngạch thương mại song phương hai nước hiện đã vượt mức 50 tỷ USD.
Đặc biệt, việc Italy trở thành nước thành viên Nhóm các nước công nghiệp hàng đầu thế giới (G-7) đầu tiên tham gia BRI của Trung Quốc, được Tổng thống Italy Sergio Mattarella đánh giá sẽ tạo "điều kiện tuyệt vời" để mối quan hệ hai nước phát triển. Italy, đang trong giai đoạn khó khăn về kinh tế khi đã rơi vào tình trạng “suy thoái kỹ thuật”, kỳ vọng sẽ có được những cơ hội đầu tư và thương mại to lớn từ dự án này.
Về phần Trung Quốc, việc thu hút được Italy, nền kinh tế lớn thứ ba Khu vực đồng tiền chung châu Âu (Eurozone) tham gia BRI, có thể coi là một thành công, qua đó mở cánh cửa để Bắc Kinh tiến sâu vào châu Âu.
Tuy nhiên, cái bắt tay giữa lãnh đạo hai nước đang khiến một số nước Liên minh châu Âu (EU) quan ngại, cho rằng thỏa thuận giữa Italy và Trung Quốc có thể làm gia tăng sự chia rẽ giữa các nước thành viên EU bởi lâu nay EU vẫn chỉ trích BRI chủ yếu chỉ mang lại lợi ích cho các công ty của Trung Quốc và có khả năng tạo nên các “bẫy nợ” ở những nước nghèo.
Có ý kiến nhận định Italy có thể trở thành “Con ngựa thành Troy” của Trung Quốc do đầu tư của Bắc Kinh sẽ khiến Rome phải tìm cách xoa dịu “lập trường không khoan nhượng” của những cường quốc châu Âu khác đối với nền kinh tế lớn nhất châu Á. Mỹ cũng tỏ ý phản đối Italy tham gia BRI, đồng thời cảnh báo việc này có thể làm giảm uy tín của Italy trên trường quốc tế.
Việc tham gia BRI cũng có khả năng làm gia tăng những căng thẳng giữa hai đảng trong liên minh cầm quyền ở Italy. Đảng dân túy “Phong trào 5 Sao” của Thủ tướng Italy Giuseppe Conte và Phó Thủ tướng Di Maio ủng hộ việc thúc đẩy quan hệ với Trung Quốc, trong khi đảng cực hữu Liên đoàn của Phó Thủ tướng Matteo Salvini lại đang muốn tìm cách duy trì mối quan hệ tốt với Mỹ, vốn đang bị cuốn vào cuộc chiến thương mại với Bắc Kinh.
Tuy nhiên, Thủ tướng Conte khẳng định bản MoU giữa Italy và Trung Quốc sẽ không gây bất kỳ mối nguy cơ nào cho lợi ích quốc gia của Italy và “hoàn toàn phù hợp với chiến lược của EU”. Theo ông Conte, bản ghi nhớ này không ràng buộc về mặt pháp lý và cũng không ảnh hưởng đến vị thế địa chính trị của Italy.
Với việc tham gia BRI, Italy có thể thúc đẩy xuất khẩu sang Trung Quốc, một thị trường khổng lồ và đầy tiềm năng. Phó Thủ tướng Di Maio thì nhấn mạnh Italy vẫn duy trì quan hệ liên minh chặt chẽ với Mỹ, trong Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO) cũng như với các đối tác châu Âu khác, song cũng phải xem xét các lợi ích kinh tế của riêng mình. Chính phủ Italy đang cùng lúc đối mặt nhiều khó khăn cả về kinh tế lẫn đối ngoại.
Quan hệ giữa Italy với EU thời gian qua luôn căng thẳng do một loạt mâu thuẫn gia tăng liên quan đến nhiều vấn đề, từ chính sách nhập cư tới vấn đề ngân sách, đến mức người ta đã nhắc tới kịch bản Italy “nối gót” Anh rời EU. Trong khi đó, Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF) hồi tháng 2 đã cảnh báo Italy có nguy cơ sẽ trải qua giai đoạn sụt giảm tài chính đáng kể, khiến nền kinh tế rơi vào suy thoái.
Nếu vấn đề trên không sớm được giải quyết, những hệ lụy xã hội sẽ xảy ra, và chính trường Italy sẽ quay trở lại thời kỳ bất ổn. Vụ ký BRI lần này được cho có thể tạo ra nhiều rủi ro, song xét cho cùng trong hoàn cảnh hiện nay, không khó để lý giải việc Rome chấp nhận mọi thỏa thuận với Trung Quốc, miễn là nó đảm bảo được lợi ích của Italy.
Tuy vậy, việc Italy ký MoU với Trung Quốc có thể chỉ khiến Italy phần nào ngả về không gian ảnh hưởng đang mở rộng của Bắc Kinh, chứ không phải là dấu hiệu cho thấy “sự quay ngoắt 180 độ về mặt chiến lược” của Rome đối với phương Tây.
Thỏa thuận BRI của Italy với Trung Quốc chắn chắn bao gồm một chương trình nghị sự. Nhưng giới phân tích đánh giá tầm quan trọng thực sự của nó không phải là về các khoản đầu tư, việc xây dựng các cảng biển, hay tìm kiếm thị trường mới cho hàng hóa của Trung Quốc.
Thay vào đó, mục tiêu cao nhất của Bắc Kinh có lẽ là nhằm tạo dựng ảnh hưởng đối với EU thông qua Italy. Trước khi BRI được công bố năm 2013, đầu tư của Trung Quốc vào Italy, hoặc các nước châu Âu khác, vẫn không hề bị cản trở. Trong 15 năm qua, Anh đã thu hút khoảng 90 tỷ euro đầu tư trực tiếp nước ngoài từ Trung Quốc. Đức đã thu hút khoảng 45 tỷ euro và Italy 22 tỷ euro.
Các nhà đầu tư Trung Quốc hiện sở hữu tập đoàn Pirelli của Italy, một trong những nhà sản xuất lốp ô tô hàng đầu thế giới, và nắm giữ một lượng cổ phần lớn trong ngân hàng Deutsche Bank của Đức. Gần đây, các doanh nhân Trung Quốc cũng đã sở hữu các đội bóng Aston Villa của Anh và AC Milan của Italy.
Ngoài ra, Trung Quốc cũng đã đầu tư vào nhiều cảng biển ở châu Âu, trong đó có một số cảng nằm ở những nước mà có lẽ sẽ không bao giờ tham gia BRI, như Pháp và Hà Lan. Khoản đầu tư cảng biển lớn nhất của Trung Quốc ở châu Âu là thương vụ mua lại cổ phần kiểm soát cảng Piraeus của Hy Lạp vào năm 2016, hai năm trước khi Hy Lạp ký thỏa thuận tham gia BRI.
Cũng có ý kiến đánh giá BRI là không rõ ràng - trái ngược với các thỏa thuận thương mại song phương chính thức vốn luôn ấn định rõ các hạng mục thuế quan và cơ chế giải quyết tranh chấp. Trong trường hợp của Italy với Trung Quốc, bản MoU không hề ép buộc bên nào phải “ký séc” cho bất cứ điều gì vì nó không mang tính ràng buộc. Tuy vậy, các lễ ký kết thỏa thuận liên quan đến BRI thường khiến người ta liên tưởng đến những khoản đầu tư lớn của Trung Quốc.
Mặc dù vậy, BRI có ý nghĩa mang tính biểu tượng khá lớn, đặc biệt trong trường hợp của Italy. Italy là thành viên sáng lập EU, nhà sản xuất các sản phẩm công nghiệp lớn thứ hai châu Âu (sau Đức), thành viên G7 đồng thời cũng là một trụ cột trong NATO.
Đây là điều quan trọng trong bối cảnh EU đang tái đánh giá lại quan hệ với Trung Quốc và đang tranh luận khả năng có nên áp dụng cách tiếp cận cứng rắn với Trung Quốc như khối này từng làm cách đây 30 năm hay không.
Uỷ ban châu Âu mới đây đã coi Trung Quốc là một “đối thủ cạnh tranh về kinh tế”. Điều này báo hiệu những hạn chế có thể được áp dụng đối với đầu tư và thương mại của Trung Quốc trừ phi Chính phủ Trung Quốc đáp ứng được các tiêu chí của Brussels về sự minh bạch, vấn đề trợ cấp, môi trường …
Italy không phải là đồng minh của Trung Quốc, nhưng một số nhà phân tích cho rằng Rome có thể sẽ ít nhiều ngả theo hướng có lợi cho chương trình nghị sự chiến lược của Bắc Kinh.
Đây lại là một vấn đề đối với EU. Lý do là EU, bất chấp Brexit, vẫn tồn tại và vẫn đang đàm phán về các thỏa thuận thương mại cùng nhiều tiêu chuẩn khác nhân danh các nước thành viên. Italy sẽ có tiếng nói quan trọng trong các cuộc bỏ phiếu của EU, vốn đòi hỏi phải có sự nhất trí của đa số hoặc nhất trí hoàn toàn.
Nếu Italy tác động nhằm xóa bỏ những khía cạnh gây bất lợi cho Trung Quốc trong bất kỳ đề xuất chính sách mới nào của EU, việc này có thể được coi là “món quà” đối với Bắc Kinh.
https://baotintuc.vn/phan-tichnhan-dinh/cai-bat-tay-nhieu-tinh-toan-20190324182744905.htm