Tính năng của UAV Tu-141
Trước đó vào ngày 8/12/2022, một số phương tiện không người lái chưa xác định đã nhắm mục tiêu vào 2 căn cứ không quân của Nga. Giới chức Nga xác nhận loại vũ khí này là máy bay không người lái (UAV) Tupolev Tu-141 .
Một UAV Tu-141 được kích hoạt từ bệ phóng mặt đất. Ảnh: Getty Images
Tu-141 Strizh ra đời từ những năm 1970, là phiên bản hiện đại hóa của Tu-123. Máy bay này được đưa vào hoạt động lần cuối vào những năm 1980, chủ yếu thực hiện nhiệm vụ trinh sát trong lực lượng không quân Liên Xô.
Tu-141 Strizh, do Cục thiết kế Tupolev của Liên Xô phát triển, thực hiện chuyến bay đầu tiên vào năm 1974. Liên Xô bắt đầu sản xuất hàng loạt UAV này vào năm 1979 tại nhà máy không quân Kharkov. Tính đến năm 1989, Liên Xô đã sản xuất tổng công 152 chiếc UAV này. Nó được thiết kế để đảm nhận các nhiệm vụ trinh sát ở khu vực cách tiền tuyến vài trăm km. Việc hạ cánh được thực hiện thông qua hệ thống dù ở phần đuôi.
Cách thiết kế của UAV Tu-141 Strizh tập trung vào sự kết hợp giữa kỹ thuật và vận hành. Tu-141 có hình tam giác, chiều dài 14,3m, cao 2,4m, sải cánh 4m, trọng lượng cất cánh tối đa khoảng 5 tấn, được trang bị máy ảnh phim, máy ảnh hồng ngoại kèm radar mô phỏng địa hình. Góc quét ở phần phía trước là 58 độ.
UAV Tu-141 sử dụng động cơ tuốc bin phản lực KR-17A, tạo ra lực đẩy 2.000 kg và cho phép máy bay đạt tốc độ tối đa 1.110 km/h, tầm bay 1.000 km và trần bay 6.000 m. Chiếc máy bay này thể hiện sự linh hoạt trong việc thích ứng với các tình huống trinh sát đa dạng. Đáng chú ý, nó có thể nhanh chóng điều hướng trên các địa hình khác nhau.
Cơ chế phóng của Tu-141 Strizh được hỗ trợ nhờ một hệ thống tăng áp sử dụng nhiên liệu rắn nằm phía dưới thân máy bay. Khi kết thúc nhiệm vụ trinh sát, UAV sử dụng dù hãm được bố trí ở thân sau phía trên vòi động cơ phản lực để đảm bảo an toàn khi hạ cánh.
Để triển khai và vận hành Tu-141 Strizh cần một loạt thiết bị phóng và xử lý trên mặt đất như SPU-141, TZM141, MT-141, KPK-141 và POD-3. Các thiết bị di động này giúp đảm bảo chức năng và hiệu quả của UAV trong việc trinh sát và tái định vị.
Ukraine biến Tu-141 thành tên lửa như thế nào?
Để biến Tu-141 Strizh thành tên lửa, Ukraine đã thực hiện một loạt sửa đổi cần thiết, do sự khác biệt đáng kể giữa thiết kế ban đầu của UAV và thiết kế của tên lửa.
Theo các nhà phân tích, việc sửa đổi chính liên quan đến hệ thống đẩy. Động cơ phản lực ban đầu, được thiết kế dành cho nhiệm vụ trinh sát không phù hợp với gia tốc và tốc độ cao của tên lửa. Do đó, việc tích hợp hệ thống đẩy dành cho tên lửa, sử dụng nhiêu liệu rắn hoặc nhiên liệu lỏng là điều cần thiết để đáp ứng các yêu cầu về hiệu suất tên lửa.
Một thay đổi khác là việc tích hợp đầu đạn. UAV Tu-141 cần phải điều chỉnh lại để tích hợp đầu đạn và các thành phần liên quan vào trong khoang máy bay. Việc gia cố toàn bộ cấu trúc cũng rất cần thiết để giúp UAV chống chịu áp lực trong quá trình phóng và bay lên. Khung máy bay đã được tăng cường để duy trì sự ổn định trong các điều kiện tăng tốc nhanh.
Ngoài ra, Ukraine cũng điều chỉnh lại các hệ thống hướng dẫn và kiểm soát của Tu-141. Nếu như UAV sử dụng cơ chế dẫn đường đơn giản thì tên lửa hành trình yêu cầu hệ thống dẫn đường phức tạp, có khả năng nhắm chính xác mục tiêu. Vì thế, việc tích hợp hệ thống dẫn đường GPS hay dẫn đường quán tính đóng vai trò rất quan trọng để định vị chính xác mục tiêu.
Bên cạnh đó, các hệ thống điều khiến chuyến bay và hệ thống thông tin liên lạc của Tu-141 cũng được thiết kế lại để tương thích với quỹ đạo bay của tên lửa. Không giống UAV, tên lửa hành trình hoạt động tương đối độc lập với người vận hành, nên việc sửa đổi hệ thống thông tin liên lạc sẽ giúp Tu-141 có quỹ đạo bay một chiều và tự chủ hơn. Khả năng tương thích với các nền tảng phóng cũng là một yếu tố cần thiết, giúp máy bay có thể được triển khai thành công từ các bệ phóng khác nhau.
Cuối cùng, UAV sẽ được nâng cấp về khả năng tàng hình để giảm nguy cơ bị radar đối phương phát hiện. Mặc dù đây là công việc tương đối khó khăn, nhưng các kỹ sư Ukraine đang tính đến việc giảm đáng kể tiết diện phản xạ và sử dụng các vật liệu hấp thụ sóng radar.