Sử dụng lốp xe bảo vệ máy bay chiến lược
Sau khi Nga sử dụng lốp xe để bảo vệ máy bay ném bom chiến lược như Tu-95MS và Tu-160, tới lượt máy bay tiêm kích/ném bom Su-34 cũng được áp dụng biện pháp phòng vệ này. Bức ảnh lan truyền trên mạng xã hội mới đây cho thấy, chiếc tiêm kích bom này được che phủ bằng một lớp lốp ô tô dày.
Tiêm kích Su-34 được phủ một lớp lốp ô tô. Ảnh: Mạng xã hội X (Twitter)
Có rất nhiều giả thuyết xung quanh chiến lược phòng thủ này, đặc biệt là khi nó đang được áp dụng đối với nhiều máy bay của lực lượng Hàng không Vũ trụ Nga.
Theo các chuyên gia, phủ lốp ô tô không những tạo thêm lớp bảo vệ cho máy bay ném bom của Nga mà còn khiến chúng khó bị máy bay không người lái (UAV) phát hiện, đặc biệt vào ban đêm.
Việc phủ lốp ô tô lên máy bay được thực hiện sau khi các cuộc tấn công bằng máy bay không người lái (UAV) nhằm vào các căn cứ không quân của Nga, làm hư hại một số máy bay ném bom và máy bay vận tải của Moscow.
Bức ảnh về chiếc Su-34 được phủ lốp xe bắt đầu được lan truyền từ hôm 8/9, mặc dù hiện chưa rõ nó được chụp ở đâu và khi nào. Có vẻ như ban đầu bức ảnh được đăng trên trang mạng xã hội VK của kênh Telegram FighterBomber và sau đó được lan truyền trên X (trước đây là Twitter).
Trước đó, các ảnh chụp vệ tinh của công ty Maxar cũng cho thấy máy bay ném bom chiến lược Tu-95 và Tu-160 bên trong căn cứ không quân Engels của Nga được phủ bằng lốp ô tô ở phần cánh và thân.
Mặc dù vẫn chưa rõ lý do Nga phủ lốp ô tô lên máy bay Tu-95 và Tu-160, nhưng The War Zone cho rằng, lốp ô tô có khả năng phá vỡ tín hiệu hồng ngoại của máy bay và điều này sẽ gây nhầm lẫn cho các tên lửa Ukraine đang phóng tới, chẳng hạn như tên lửa hành trình chống hạm R-360 Neptune mà Ukraine đã sửa đổi để tấn công các mục tiêu trên bộ.
Ảnh vệ tinh cho thấy máy bay Tu-95 của Nga được phủ một lớp lốp ô tô.
Các giả thuyết khác cho rằng lốp xe có thể được sử dụng để che chắn. Lốp xe khó có thể cung cấp đủ lực đệm trước một cuộc tấn công bằng tên lửa hoặc UAV, nhưng chúng có thể gây nhầm lẫn cho vũ khí đang lao tới tùy thuộc vào phương pháp nhắm mục tiêu. Trong trường hợp như vậy, đó có thể là một giải pháp đơn giản và tạm thời mà Nga đang tìm kiếm sau các cuộc tấn công gần đây vào các căn cứ của nước này.
Một số chuyên gia cũng tỏ ra hoài nghi về hiệu quả của phương pháp bảo vệ này, đặc biệt khi lốp ô tô vốn là vật liệu dễ cháy và khó dập.
Vào cuối tháng 8, một cuộc tấn công bằng UAV vào máy bay ném bom siêu thanh Tupolev Tu-22M3 Backfire ở các xa tiền tuyến cho thấy những lỗ hổng trong việc bảo vệ lực lượng của Nga. Theo tình báo phương Tây, đây là cuộc tấn công thành công thứ ba vào các sân bay của lực lượng hàng không tầm xa (LRA) Nga và một lần nữa đặt ra câu hỏi về khả năng của Nga trong việc bảo vệ các địa điểm chiến lược sâu trong lãnh thổ nước này.
Tuần trước, căn cứ không quân Pskov của Nga cũng bị máy bay không người lái tấn công, khiến một số máy bay vận tải hàng không thời Liên Xô Ilyushin Il-76 bị hư hỏng và phá hủy.
Cuộc tấn công cách biên giới Nga - Ukraine hơn 640km. Trong một cuộc phỏng vấn độc quyền với The War Zone, Người đứng đầu Tổng cục Tình báo Ukraine nói rằng cuộc tấn công xuất phát từ bên trong lãnh thổ Nga, cho thấy những lỗ hổng trong an ninh nội địa của Nga.
Tầm quan trọng của tiêm kích Su-34
Mặc dù mốc thời gian chính xác về thời điểm Nga bắt đầu phủ lốp xe lên các máy bay không rõ ràng nhưng nó trùng khớp với các cuộc tấn công của Ukraine.
Su-34 là loại máy bay tiêm kích bom duy nhất của Không quân Nga có khả năng bay tới 4.000 km mà không cần tiếp nhiên liệu. Su-34 được áp dụng rất nhiều công nghệ điện tử hàng không tiên tiến. Radar của Su-34 có khả năng phát hiện mục tiêu ở cự ly 250 km, lập bản đồ mặt đất ở cự ly tới 150 km.
Hệ thống điện tử hiện đại, hỏa lực mạnh, xe tăng bay Su-34 được dự định sẽ trở thành sức mạnh tấn công không đối đất mới của Không quân Nga. Phía NATO không có loại máy bay nào có khả năng tương tự như loại "xe tăng bay" độc đáo này. Hiện Nga đang biên chế khoảng 100 chiếc tiêm kích bom này.
Su-34 đã được sử dụng để phóng bom thông minh ở Ukraine. Giới chức quân sự Ukraine từng thừa nhận hệ thống phòng thủ nước này không thể đối phó với bom thông minh của Nga và Kiev muốn tìm mọi cách để hạ gục những chiếc Su-34 mang loại bom này.
Gần đây, truyền thông Nga cho hay, quân đội nước này đã sử dụng tiêm kích đa năng Su-34 phóng tên lửa siêu thanh Kinzhal trong chiến dịch quân sự đặc biệt ở Ukraine thay vì MiG-31K.
Kinzhal thường được triển khai trên máy bay chiến đấu đánh chặn MiG-31K. Theo các chuyên gia quân sự, máy bay ném bom Tu-22M3 là phương tiện duy nhất ngoài MiG-31K có thể mang tên lửa Kinzhal. Một số người khác nhận định máy bay ném bom chiến lược Tu-160 cũng sắp được trang bị tên lửa siêu thanh này. Việc sử dụng Su-34 làm bệ phóng Kinzhal là một động thái bất ngờ và đáng chú ý của VKS.