Cách mạng màu ở Armenia: Quốc gia nhỏ trong cuộc "xâu xé" giữa các ông lớn

Đại sứ Trần Đức Mậu |

Armenia là nước nhỏ nhưng có vị trí địa chiến lược rất quan trọng nên mọi chính biến ở đây đều động chạm trực tiếp đến lợi ích chiến lược lâu dài của những đối tác lớn bên ngoài.

Armenia, không đầy một tuần sau khi tuyên thệ nhậm chức, Thủ tướng Serzh Sargsyan đã tuyên bố từ chức. Đối với bên ngoài, việc này có thể gây bất ngờ nhưng đối với Armenia thì lại không hẳn như vậy bởi trên thực tế ông Sargsyan đã bị buộc phải từ chức trước áp lực của những người biểu tình trên đường phố. Họ nhằm không chỉ vào cá nhân ông Sargsyan mà còn cả vào đảng Cộng hoà của người này hiện đang kiểm soát quốc hội.

Vì thế, sự từ chức của ông Sargsyan chưa làm làn sóng biểu tình phản đối bởi những người biểu tình biết rằng nếu không lật đổ được quyền lực của đảng cầm quyền thì việc ông Sargsyan từ chức và đảng cầm quyền đề cử người thay thế thì chỉ là trò người mới với đường lối chính sách cũ.

Cũng vì thế mà làn sóng biểu tình phản đối chính phủ và sự từ chức của ông Sargsyan chỉ là sự khởi đầu của biến động chính trị quyền lực và xã hội ở đất nước này. Sự khởi đầu ấy rất giống sự khởi đầu của cái gọi là những "cuộc cách mạng màu" đã từng xảy ra ở Grudia năm 2003, ở Ukraine năm 2004 và 2014 cũng như ở Kyrgyzstan năm 2005.

Nhưng rồi đây ở Armenia có đến kết cục như ở những nơi kia hay không thì thực sự hiện chưa ai có thể dám chắc. Câu hỏi được đặt ra ở đây là ở Armenia hiện đang diễn ra cuộc cách mạng màu gì.

Cuộc cách mạng màu gì?

Cách mạng màu ở Armenia: Quốc gia nhỏ trong cuộc xâu xé giữa các ông lớn - Ảnh 1.

Thủ tướng Armenia Serzh Sargsyan từ chức sau các cuộc biểu tình chống chính phủ.

Với không đầy 2,9 triệu dân, Armenia chỉ là quốc gia nhỏ nhưng lại có vị trí địa chiến lược rất quan trọng nên mọi chính biến ở đất nước này động chạm trực tiếp đến lợi ích chiến lược lâu dài của những đối tác lớn bên ngoài, đặc biệt của Nga, EU, NATO và Thổ Nhĩ Kỳ. Ở Armenia có căn cứ quân sự của Nga. Giữa Armenia với Thổ Nhĩ Kỳ có mắc mớ gốc rễ từ quá khứ lịch sử nan giải và nhạy cảm đến mức hai nước không thông thương biên giới.

Giữa Armenia và Azerbaijan dai dẳng cuộc tranh chấp chủ quyền đối với vùng Nagorny Karabakh mà Thổ Nhĩ Kỳ ủng hộ Azerbaijan trong khi Nga đứng về phía Armenia. Armenia tham gia Liên minh Âu - Á do Nga chủ xướng nhưng đồng thời cũng được EU và Hội đồng châu Âu ràng buộc về phía họ bằng một số hiệp định hợp tác.

Nga muốn có Armenia trong vành đai an ninh và khu vực ảnh hưởng ở vùng láng giềng xung quanh như thế nào thì EU và NATO cũng như Phương Tây nói chung muốn lôi kéo Armenia như thế về phía họ như họ đã làm với Grudia và Ukraine.

Hiện tại, cái khác biệt lớn nhất giữa diễn biến, hay cách mạng, ở Armenia với những gì đã diễn ra trong quá khứ ở mấy nước kia là nhân tố Nga gần như không đóng vai trò gì. Ông Sargsyan và đảng Cộng hoà ở đây bị mất uy tín và thất thế không phải vì chính sách thân với Nga mà vì 2 nguyên nhân chính khác.

Thứ nhất là cầm quyền thời gian dài mà không đưa lại chuyển biến tích cực về kinh tế và xã hội cho đất nước. Đất nước vẫn nghèo nàn và tỷ lệ thất nghiệp cao. Đất nước là quả bóng chơi trong cuộc chơi ảnh hưởng của các đối tác bên ngoài trong khi lẽ ra có thể tận lợi được nhiều từ vị thế đặc biệt trong chiên lược của các đối tác bên ngoài.

Thứ hai là tham quyền cố vị. Ông Sargsyan có được 2 nhiệm kỳ Tổng thống từ 2008 đến 2018 và năm 2015 đã cho sửa đổi hiến pháp để có thể tiếp tục nắm thực quyền trên cương vị Thủ tướng chính phủ. Tất cả đã được ông Sargsyan sắp đặt chu toàn. Cho nên sự phản đối của dân chúng là điều bất ngờ đối với không chỉ có người này mà còn cả đối với Nga và Phương Tây.

Cách mạng màu ở Armenia: Quốc gia nhỏ trong cuộc xâu xé giữa các ông lớn - Ảnh 2.

Cuộc cách mạng ở nơi đây có màu sắc gì là câu hỏi chỉ có thể được trả lời ở bản chất của mối quan hệ giữa Armenia với Nga trong thời kỳ mới sắp đến. Phương Tây rất muốn Armenia rồi sẽ như Grudia hay Ukraine trong khi Nga rất thận trọng bởi kịch bản ấy có thể chứ không hẳn nhất thiết sẽ xảy ra. Đối với cả Nga lẫn Phương Tây, những bài học mà họ rút ra được từ chuyện đã xảy ra ở Grudia và Ucraine đều rất đắt giá và vẫn có giá trị thời sự. Một bên hy vọng còn một phía lo ngại.

Cuộc cách mạng này diễn tiến như thế nào hiện phụ thuộc vào hai tác nhân. Thứ nhất là giữa phe cầm quyền và phe phản đối có đối thoại xây dựng được với nhau hay không để đạt được sự nhất trí về chính phủ quá độ hay tổng tuyển cử mới. Thứ hai là bên ngoài can thiệp vào diễn tiến ấy như thế nào và đến mức nào.

Điều hiện có thể chắc chắn được là chuyện đang diễn ra ở nước nhỏ này có thể đưa lại chuyển biến rất lớn đối với cục diện tình hình chính trị an ninh ở khu vực và cuộc chơi địa chiến lược của nhiều đối tác bên ngoài ở khu vực này.

Tiêu đề do tòa soạn đặt lại.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại