Cách giải thích lạ của Mỹ về nạn F-35 tự thiêu

Chúc Sơn |

Dù tình trạng tiêm kích F-35 tự bốc cháy đã xảy ra nhiều lần nhưng chưa có dấu hiệu nào cho thấy tai nạn này sẽ không lặp lại.

Không thể khắc phục

Hãng Sputnik dẫn nguồn tin từ Không quân Mỹ cho biết, cuối tháng 10/2016, trong khi thực hiện bay huấn luyện một chiếc tiêm kích F-35B đã bất ngờ phát hỏa trên không buộc phi công phải hạ cánh khẩn cấp.

"Chiếc máy bay phát lửa ở khu vực lắp đặt vũ khí trong chuyến bay huấn luyện ở Beaufort, Nam Carolina. Máy bay sau đó hạ cánh an toàn và không có ai bị thương. Chúng tôi đang điều tra nguyên nhân và sẽ cập nhật thông tin trong thời gian sớm nhất", một đại diện cấp cao của quân đội Mỹ, John Roberts cho biết.

Mức độ thiệt hại của vụ cháy gây ra không được Lầu Năm Góc tiết lộ nhưng nó được xếp vào tai nạn loại A, tức là thiệt hại lớn hơn 2 triệu USD. Đây là lần đầu tiên F-35B bị dính tai nạn loại A và là lần thứ ba F-35 bốc cháy.

 Cách giải thích lạ của Mỹ về nạn F-35 tự thiêu  - Ảnh 1.

Chiếc F-35A bị cháy hồi năm 2014

Hồi tháng 9/2016, một tai nạn loại A cũng được ghi nhận đối với phiên bản F-35A khi nó phát lửa ở động cơ khi phi công đang cố khởi động chiếc máy bay đỗ dưới mặt đất.

Theo cách giải thích của Mỹ do gió mạnh thổi từ phía sau là thủ phạm khiến chiếc F-35A bốc cháy. Tuy nhiên đám cháy được dập tắt nhanh chóng.

Căn cứ vào kết quả điều tra cho thấy, ống xả của máy bay đã bắt lửa khi động cơ khởi động do bị gió thổi tạt mạnh từ đằng sau với vận tốc 70 km/h. Nhà sản xuất cho biết, nhiều khả năng cặn nhiên liệu chưa cháy hết bám trong ống xả đã bốc cháy, khi ngọn lửa do động cơ phản lực phụt ra bị gió thổi ngược trở lại.

Việc Không quân Mỹ công bố nguyên nhân khiến chiếc F-35A cháy khiến nhiều người bất ngờ bởi trước đó, ngay sau khi xảy ra sự cố, hàng loạt giả thiết về nguyên nhân gây cháy đã được đặt ra, trong đó có nguyên nhân về lỗi động cơ và lỗi thùng chứa nhiên liệu.

Trước khi xảy ra những vụ cháy tai tiếng này, ngày 23/6/2014, một chiếc F-35A thuộc Đội Tiêm kích số 58 cũng bất ngờ phát lửa và thiêu rụi phần đuôi trước khi vụ việc được dập tắt hoàn toàn khi chiếc máy bay này chuẩn bị cất cánh.

Viên phi công đã ngưng được chiếc máy bay và rời khỏi hiện trường. Đội cứu nạn khẩn cấp đã có mặt và dập tắt đám cháy. Ngay sau đó, toàn bộ tiêm kích F-35A khác đã bị "đắp chiếu" vì lý do an toàn.

Thậm chí phát ngôn viên của Không quân Mỹ còn đề nghị chỉ huy các căn cứ Patuxent, Maryland và Eglin cho "trùm mền" F-35C nếu cần thiết.

Sau khi hoàn tất điều tra, nguyên nhân của vụ cháy được tiết lộ. Theo bản báo cáo của Hội đồng Điều tra Tai nạn thuộc Trung tâm Huấn luyện và Đào tạo Hàng không (AETC) của Mỹ, một cánh tay tích hợp nằm trong rotor quay đã bị nứt và gãy ra trong khi chiếc F-35A cất cánh.

Mảnh vỡ này đã cắt xuyên qua lồng cánh quạt trong động cơ, khoang động cơ cũng như bình nhiên liệu nằm trong thân máy bay và hệ thống thuỷ lực. Sau cùng nó văng ra ngoài ở vị trí phần trên thân máy bay. Vết cắt mà nó tạo ra đã tạo điều kiện của cho nhiên liệu rò rỉ, dẫn tới bắt lửa và làm cháy xém 2/3 chiếc máy bay đắt đỏ này.

Sai lầm của Mỹ

Các chuyên gia Mỹ từng cho rằng, những sự cố là điều không thể tránh khỏi đối với bất cứ dự án phát triển chiến đấu cơ thế hệ mới nào, đặc biệt là đối với siêu tiêm kích F-35 thì càng dễ hiểu, bởi nó được tích hợp nhiều công nghệ tiên tiến và phức tạp hàng đầu thế giới.

Theo nguồn tin, các siêu tiêm kích của Mỹ đã xuất hiện vấn đề nghiêm trọng với thùng chứa nhiên liệu, hay nói đúng hơn, các lớp vật liệu cách nhiệt trong hệ thống làm mát của khoang nhiên liệu máy bay không thể sử dụng bình thường được.

Điều hiển nhiên là tất cả mọi thứ liên quan với hệ thống nhiên liệu đều rất nghiêm trọng. Trong khi đó, chương trình chế tạo F-35 đã tiêu tốn khoảng 1,5 nghìn tỷ USD (kể cả lạm phát), để trở thành chương trình sản xuất vũ khí đắt đỏ nhất trên toàn thế giới.

Những nhà thiết kế chế tạo máy bay đang phải đối mặt với nhiều khó khăn trên tất cả các bộ phận kết cấu thân máy bay và các hệ thống vận hành của nó. Máy bay đã bị chậm đưa vào biên chế ít nhất là 7 năm so với dự tính. Vậy mà, các vấn đề vẫn liên tục phát sinh.

Nhà bình luận quân sự Nga Viktor Baranesh nhận xét tình hình máy bay của Mỹ trên Sputnik rằng, một trong những vấn đề hàng không quan trọng nhất liên quan đến độ bền vững của các thùng nhiên liệu. Thường là chúng phải được chế tạo bằng các loại vật liệu siêu bền, ví dụ như Titan.

Người Mỹ muốn thể hiện mình có trình độ cao đến nỗi có thể bỏ qua các định luật vật lý nên đã làm thùng chứa xăng bằng vật liệu tổng hợp, nhưng loại vật liệu này có một nhược điểm lớn là không bền, khi quá tải nghiêm trọng, chúng bắt đầu vỡ vụn ra từng mảnh.

Được biết, chiếc máy bay bị cháy hồi 9/2016 nằm trong số 7 chiếc F-35A vừa được triển khai đến căn cứ Mountain Home để thực hiện bài huấn luyện đất đối không từ ngày 10/9 đến 24/9. Số tiêm kích này đang bị cấm bay để tiếp tục phục vụ điều tra.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại