Theo Bệnh viện Đại học Y Dược TP.HCM cơ sở 3, trong y học cổ truyền, các thầy thuốc cho rằng chảy mũi khi trời lạnh là do sự rối loạn chức năng của tạng phủ (phế, tỳ, thận) cộng thêm yếu tố gây bệnh bên ngoài như phong hàn tà... hay nói cách khác là do chính khí của cơ thể bị suy giảm, tà khí bên ngoài lợi dụng cơ hội để xâm nhập vào cơ thể.
Do đó, trong điều trị bệnh, ngoài việc điều trị triệu chứng, nguyên nhân, các thầy thuốc y học cổ truyền còn chú trọng đến vấn đề nâng cao sức đề kháng.
Điều trị y học cổ truyền bằng cách sử dụng các loại thảo dược vị cay, tính ấm, có tinh dầu như: tía tô, gừng, bạc hà, bạch chỉ, tân di, quế...
Dạng trà:
- Trà Tân di: Thành phần gồm tân di 3g, bạc hà 3g, bạch chỉ 3g.
Cách dùng: Ủ tân di trong một túi trà riêng.Cho tất cả các nguyên liệu vào cốc và đổ nước sôi lên trên. Ngâm khoảng 5 phút trước khi dùng.
- Trà gừng: Thành phần gồm 10g gừng, 10 - 15g đường nâu.
Cách dùng: Cắt gừng thành từng lát và bỏ vào nước sôi, để nhỏ lửa đậy nắp lại từ 5 đến 10 phút. Thêm đường nâu vào sau. Uống khi còn nóng.
Ngoài ra, các bài tập xoa mũi, bấm huyệt, châm cứu giúp khí huyết lưu thông vùng mũi, tập cho cơ thể thích nghi với sự thay đổi nhiệt độ đột ngột, luyện tập thể dục, dưỡng sinh nâng cao sức đề kháng góp phần làm giảm tình trạng chảy nước mũi, hắt xì khi gặp lạnh.