UAV do Iran chế tạo. Ảnh : Sputnik
Theo đài Sputnik (Nga), Iran bắt đầu quan tâm đến máy bay không người lái (UAV), còn gọi là drone, từ những năm 1980 trong Chiến tranh Iran - Iraq (1980-1988). Dòng UAV đầu tiên của Iran là Ababil, có cơ chế hoạt động đơn giản, được mệnh danh là "bom bay". Cùng với các dòng UAV trinh sát phát triển sau này, chúng đều đã được Iran sử dụng hiệu quả trên các mặt trận.
Trong thời kỳ hậu chiến, Tehran quyết định tập trung toàn lực vào chế tạo và phát triển các hệ thống máy bay không người lái. Ngành hàng không Iran gồm một số tổ chức khoa học và kỹ thuật, nhà máy chế tạo và sửa chữa máy bay, cũng như nhiều doanh nghiệp liên quan sản xuất các bộ phận khác nhau của UAV. Hầu hết doanh nghiệp trong lĩnh vực này - do Lực lượng Vệ binh Cách mạng Hồi giáo Iran (IRGC) giám sát - đều tham gia trực tiếp hoặc gián tiếp vào chế tạo và phát triển UAV.
Iran sau đó bắt đầu sản xuất hàng loạt UAV để bù đắp năng lực hạn chế của lực lượng Không quân.
Giờ đây, Iran đã đạt được tiến bộ vượt bậc trong phát triển và chế tạo các loại UAV thuộc tất cả lớp, từ các phương tiện trinh sát chiến thuật hạng nhẹ đến hệ thống trinh sát và tấn công hạng nặng – có thể mang theo bom dẫn đường, tên lửa tầm ngắn và các loại vũ khí sát thương khác, cùng với dòng máy bay không người lái cảm tử (kamikaze).
Những tiến bộ đó dựa trên một số nguyên tắc cơ bản, như hợp tác khoa học và kỹ thuật, chủ yếu với Trung Quốc. Iran cũng sử dụng các công nghệ và linh kiện do nước này tự chế tạo, thu thập các mẫu UAV thực tế của Mỹ và Israel để nghiên cứu sâu và thiết kế ngược.
Cho đến nay, Iran đã sản xuất khoảng 40 mẫu máy bay không người lái khác nhau. Các dòng UAV của Iran gồm Ababil, Kaman, Kian, Mohajer và Shahed. Theo các chuyên gia, các máy bay không người lái hiệu quả và mạnh nhất của Iran là dòng Shahed, Mohajer, Kaman và Kian.
Shahed 129
Shahed 129 được coi là một trong những loại UAV mạnh nhất trong kho vũ khí của Iran. Loại drone này có hình dạng rất giống với RQ-1/MQ-1 Predator - "sát thủ" không người lái đầu tiên của Mỹ. Shahed 129 thực hiện chuyến bay đầu tiên vào mùa xuân năm 2012.
Shahed 129 có khả năng trinh sát và tấn công các mục tiêu trên không. Thời gian bay tối đa khoảng 24 giờ và có phạm vi bay lên tới 1.700 km. Nó cũng có thể mang theo 4 quả đạn dẫn đường chính xác Sadid-345, với trọng tải 400 kg
Shahed 129 có 16 cánh và là bản sao của UAV Elbit Hermes 450 của Israel đã bị rơi ở Iran. Theo một số báo cáo khác, đây là bản sao của UAV Wing Loong II của Trung Quốc.
Shahed 136
Đây là dòng máy bay không người lái cảm tử hiệu quả nhất của Iran, ra mắt lần đầu vào năm 2020.
Loại UAV này có khả năng tấn công các mục tiêu mặt đất từ trên không với tốc độ khoảng 180km/h. Theo nhà sản xuất, Shahed 136 có thời gian bay trong khoảng 10 đến 12 giờ với phạm vi 2.000 km. Tuy nhiên, theo các chuyên gia Mỹ, phạm vi bay của nó chỉ ở khoảng vài trăm km. Shahed 136 cũng có thể mang theo 40-50 kg thuốc nổ.
Shahed 149 Gaza
Shahed 149 Gaza thực hiện chuyến bay đầu tiên vào tháng 4/2022. Loại UAV này có sải cánh rộng 21m và được trang bị động cơ phản lực cánh quạt. Nó cũng có khả năng trinh sát và không kích vào các mục tiêu mặt đất.
Vận tốc của Shahed 149 Gaza đạt khoảng 350km/h. Thời gian bay khoảng 35 giờ và phạm vi bay 2.000 km. Shahed 149 Gaza có thể mang theo 13 quả bom và 500 kg thiết bị điện tử.
Shahed 171 Simorgh
Shahed 171 Simorgh được trang bị công nghệ tàng hình hiện đại và được trang bị động cơ phản lực. Đây là bản sao của máy bay không người lái RQ-170 của Mỹ. Nó có khả năng tấn công các mục tiêu mặt đất từ trên không với vận tốc khoảng 460 km/h. Shahed 171 có thể hoạt động tối đa trong vòng 10 giờ trong phạm vi 2.000 km
Shahed 191 Saegheh-2
Mẫu UAV này đã được sử dụng tích cực ở Syria. Đây là bản sao nhỏ hơn của UAV RQ-170 của Mỹ. Shahed 191 đã được thử nghiệm vào tháng 10/2016. Nó có khả năng trinh sát, giám sát và tấn công các mục tiêu mặt đất từ trên không, mang các loại đạn có độ chính xác cao. Đặc biệt, mẫu UAV này có thể mang hai tên lửa Sadid-1 với trọng tải 50kg. Shahed 191 có thời gian bay tối đa 4,5 giờ với phạm vi 450km.
Kaman 22
Đây là mẫu bay không người lái thân rộng đầu tiên ở Iran, đã được đưa vào thử nghiệm ngày 24/2/2021. Kaman 22 có thể bay tối đa 24 giờ trong phạm vi 3.000 km. Nó có thể mang theo 300 kg thuốc nổ, bất kỳ loại đạn nào và các thiết bị đặc biệt.
Kaman 22 được lắp ráp theo công nghệ Mỹ. Loại UAV này được mô phỏng theo máy bay không người lái MQ-1 Predator của Mỹ, và trang bị các tính năng từ MQ-9 Reaper tiên tiến hơn. Một số chuyên gia nhận định UAV Kaman 22 trông giống máy bay không người lái CH-5 của Trung Quốc.
Kian 2 hay Arash 2
Kian 2 thuộc dòng máy bay không người lái hạng nặng cảm tử, được thiết kế để tấn công cơ sở hạ tầng đô thị quan trọng trong các cuộc tấn công chiến lược. Loại UAV này có phạm vi bay khoảng 1.000-2.000 km.
Qods Mohajer-6
Đây là loại UAV tổng hợp có thân hình chữ nhật và một cánh quạt 3 cánh. Mohajer-6 có thể mang theo tên lửa dẫn đường Almas hoặc bom không đối đất Qaem để trinh sát và tấn công các mục tiêu mặt đất từ trên không.
Thời gian bay tối đa của loại UAV này là 12 giờ. Giới chuyên gia nhận định Mohajer-6 đóng vai trò là UAV phương tiện hỗ trợ tuyệt vời cho dòng Shahed 129 lớn hơn.
Có thể thấy Iran đã đạt được tiến bộ đáng kể ở lĩnh vực chế tạo máy bay không người lái trong những thập kỷ gần đây.
Tận dụng những con đường và cơ hội khác nhau, quốc gia này đã xây dựng được ngành công nghiệp UAV tiên tiến, thường xuyên phát triển các mẫu mới và đưa vào sản xuất hàng loạt. Theo giới quan sát, bất chấp mọi trở ngại, xu hướng này sẽ tiếp diễn trong tương lai.