Các cường quốc cân nhắc đi nước cờ quyết liệt hơn trên chiến trường Ukraine

Kiệt Linh |

Sau khi quyết định đưa xe tăng thiện chiến vào chiến trường Ukraine, các cường quốc phương Tây như Mỹ, Pháp, Đức tiếp tục cân nhắc bước đi quyết liệt hơn là gửi các máy bay chiến đấu đến cho đồng minh Kiev. Một bước đi này thêm nữa chắc chắn sẽ khiến cuộc chiến Nga-Ukraine leo thang nghiêm trọng.

Các cường quốc cân nhắc đi nước cờ quyết liệt hơn trên chiến trường Ukraine - Ảnh 1.

Tổng thống Biden

Mỹ sẽ không gửi máy bay chiến đấu F-16 đến cho Ukraine, Tổng thống Joe Biden hôm qua (30/1) đã khẳng định như vậy khi bình luận về các thông tin cho rằng Lầu Năm Góc đang cân nhắc khả năng này.

Trước đó, ông Biden từng tuyên bố việc cung cấp xe tăng cho Ukraine sẽ đồng nghĩa là Thế chiến thứ ba nhưng ông đã thay đổi lập trường vào tuần trước. “Không,” ông Biden đã trả lời như vậy với các phóng viên bên ngoài Nhà Trắng khi được hỏi về khả năng Mỹ cung cấp những chiếc chiến đấu cơ F-16 cho đồng minh Kiev.

Tuy nhiên, theo tờ Politico, một số quan chức quân sự Mỹ đang "âm thầm thúc đẩy Lầu Năm Góc thông qua" việc gửi các máy bay chiến đấu tới chiến trường Ukraine. Tờ Politico dẫn lời một quan chức Bộ Quốc phòng Mỹ và “hai người khác tham gia” vào các cuộc thảo luận để cung cấp thông tin nói trên.

“Tôi không nghĩ chúng tôi phản đối việc đó,” vị quan chức giấu tên của Bộ Quốc phòng Mỹ đã nói như vậy với Politico nhưng đồng thời nói thêm rằng chưa có quyết định cuối cùng nào được đưa ra về vấn đề này. Khi được hỏi về việc cung cấp F-16 cho Kiev, Nhà Trắng đã nhắc đến Phó Cố vấn an ninh quốc gia Jon Finer. Ông này đã nói với MSNBC hồi tuần trước rằng Mỹ sẽ thảo luận về việc cung cấp máy bay chiến đấu cho Ukraine một cách “thận trọng” và rằng Washington cùng các đồng minh “không loại trừ hoặc loại trừ bất kỳ hệ thống vũ khí cụ thể nào".

Tổng thống Biden đã đề cập đến vấn đề cung cấp chiến đấu cơ F-16 cho Ukraine khi nói về khả năng ông này sẽ thực hiện một chuyến công du đến Ba Lan trong tương lai gần.

Mặc dù ông Biden khẳng định không cung cấp F-16 cho Ukraine nhưng ông này từng thay đổi quyết định trong vấn đề cung cấp xe tăng cho đồng minh Kiev. Tổng thống Mỹ từng phát biểu trước các đảng viên Đảng Dân chủ Hạ viện tập trung tại Philadelphia vào tháng 3 năm 2022 rằng: “Ý tưởng rằng chúng tôi sẽ gửi đi các thiết bị tấn công và điều máy bay, xe tăng, xe lửa đi cùng với các phi công Mỹ và phi hành đoàn Mỹ - hãy hiểu rằng, đừng tự huyễn hoặc bản thân, cho dù bạn có nói gì đi nữa, đó được gọi là Chiến tranh thế giới III”.

Tuy nhiên, chỉ mới đây, vào tuần trước, ông Biden đã tuyên bố giao 31 xe tăng Abrams cho chính phủ ở Kiev - đúng vài ngày sau khi Politico dẫn các nguồn thạo tin ở Lầu Năm Góc cho biết điều này sẽ không xảy ra. Các thông tin được tiết lộ ra bên ngoài cho hay, Mỹ hứa hẹn cung cấp xe tăng Abrams cho Ukraine là để mở đường cho Đức phê duyệt việc cung cấp xe tăng Leopard 2 cho Kiev.

Pháp không loại trừ khả năng cung cấp chiến đấu cơ cho Ukraine

Tổng thống Pháp Emmanuel Macron cho biết ông này không loại trừ khả năng cung cấp máy bay chiến đấu cho Ukraine trong bối cảnh chính quyền Kiev đang tăng cường chiến dịch gây sức ép buộc phương Tây tài trợ máy bay chiến đấu cho quân đội nước này.

Khi được hỏi về khả năng chuyển giao máy bay chiến đấu cho quân đội Kiev, ông Macron đã nói với các phóng viên rằng “về nguyên tắc không có khả năng nào bị loại trừ”. Tuy nhiên, Tổng thống Pháp nói thêm rằng Kiev sẽ bị cấm sử dụng máy bay chiến đấu của Pháp để tấn công lãnh thổ Nga.

Những phát biểu trên được Tổng thống Macron đưa ra sau cuộc gặp với Thủ tướng Hà Lan Mark Rutte. Ông Rutte cũng nói với các phóng viên rằng chính phủ của ông thấy “không có gì cấm kỵ” trong vấn đề gửi máy bay chiến đấu F-16 do Mỹ sản xuất tới cho Ukraine nhưng thừa nhận đó sẽ là một “bước tiến lớn”.

Trong gần một năm qua, ý tưởng gửi bất kỳ máy bay chiến đấu nào - chứ đừng nói đến những chiếc chiến đấu cơ do phương Tây sản xuất - đến Ukraine đều bị các cường quốc NATO coi là động thái quá leo thang. Tuy nhiên, chỉ trong vài ngày gần đây, ý tưởng này hiện đã chuyển từ một giả thuyết “rủi ro cao” - theo cách nói của Lầu Năm Góc vào tháng 3 năm ngoái - thành một đề xuất đang được xem xét nghiêm túc.

Theo nhiều nguồn tin khác nhau, Vương quốc Anh đã bác bỏ ý tưởng chuyển giao máy bay chiến đấu Typhoon của mình cho đồng minh Ukraine vì coi hành động này là bước đi “quá leo thang”, trong khi Mỹ đang thảo luận về ý tưởng này “một cách rất cẩn thận” với phần còn lại của khối NATO trước áp lực từ tổ hợp công nghiệp quân sự nước này cũng như các đối tác trong Lầu Năm Góc. Ba Lan sẵn sàng chuyển giao những chiếc F-16 của mình nếu các thành viên NATO khác làm theo, trong khi Đức hiện tại tuyên bố bác bỏ đòi hỏi của Ukraine về việc được cung cấp các máy bay chiến đấu Tornado.

Nga đã nhiều lần cảnh báo phương Tây về việc cung cấp vũ khí cho Ukraine, cho rằng điều đó sẽ chỉ kéo dài cuộc xung đột. Thư ký báo chí Điện Kremlin Dmitry Peskov tuần trước cho biết việc phương Tây tiếp tục cung cấp vũ khí cho Ukraine là bằng chứng nữa cho thấy các nước này đã tham gia trực tiếp vào cuộc chiến.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại