Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Lloyd J. Austin và Bộ trưởng Quốc phòng Nga Sergei Shoigu. Ảnh: Getty
Cuộc trao đổi giữa hai Bộ trưởng Quốc phòng Nga và Mỹ cũng được cho là nhằm làm rõ việc tại sao Tổng thống Vladimir Putin gia tăng cảnh báo tấn công hạt nhân vào Ukraine, hai quan chức Mỹ cho hay. Tổng thống Putin đã khẳng định, các khu vực ở Ukraine mà Nga mới sáp nhập là một phần lãnh thổ của Nga, đồng thời cho biết, bất kỳ cuộc tấn công nào do Mỹ hỗ trợ vào các khu vực này đều sẽ được coi là một cuộc tấn công vào lãnh thổ Nga.
Bộ trưởng Quốc phòng Nga Sergei Shoigu cũng xác nhận về cuộc trao đổi này. Ngày 21/10, ông Austin và ông Shoigu cũng đã có cuộc trao đổi theo đề xuất của Lầu Năm Góc. Trước đó, 2 Bộ trưởng Quốc phòng Nga và Mỹ từng trao đổi với nhau hồi tháng 5/2022.
Cuộc trao đổi với Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ là một trong hàng loạt cuộc trao đổi giữa Bộ trưởng Quốc phòng Nga với các quan chức quốc phòng phương Tây ngày 23/10. Trong cuộc trao đổi với những người đồng cấp Anh, Pháp và Thổ Nhĩ Kỳ, ông Shoigu nêu ra mối lo ngại về việc Ukraine sử dụng "bom bẩn". Moscow không đưa rằng bằng chứng cho nhận định này và cáo buộc trên đã nhanh chóng dẫn đến phản ứng từ các quan chức Ukraine và phương Tây.
Ngoại trưởng Ukraine Dmytro Kuleba gọi cáo buộc của Nga là "những lời nói dối" và khẳng định: "Chúng tôi không có bom bẩn và cũng không có kế hoạch sở hữu chúng".
Nhà Trắng cũng gọi những cáo buộc trên là "sai lệch" trong khi Lầu Năm Góc cho biết ông Austin đã "bác bỏ bất kỳ động thái viện cớ nào để leo thang căng thẳng từ phía Nga".
Bộ Quốc phòng Anh cũng bác bỏ những cáo buộc của Nga.
Tổng thống Mỹ Joe Biden cho đến nay vẫn nỗ lực để tránh leo thang căng thẳng với Nga và tuyên bố rõ rằng ông không có kế hoạch đưa quân Mỹ can thiệp trực tiếp vào cuộc xung đột ở Ukraine hay sử dụng vũ khí hạt nhân trong cuộc chiến với Nga.
Trong khi đó, Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky kêu gọi sự hỗ trợ nhiều hơn từ phương Tây trước những cảnh báo hạt nhân của Nga./.