Hơn 13 giờ chiều 10/8, buổi đấu giá kết thúc. Kết quả là nhiều ô đất "đội" giá gần chục tỷ đồng so với giá khởi điểm.
Đơn cử như ô LK01-4, diện tích 85m2, có giá khởi điểm 11,247 triệu đồng/m2, tổng giá trị khởi điểm ô đất là 955,955 triệu đồng. Kết thúc đấu giá, lô đất này được trả giá 84,747 triệu đồng/m2, thành tiền tổng lô đất là 7,2 tỷ đồng (đội giá hơn 6 tỷ/lô).
Liên hệ với môi giới Thanh - tham gia buổi đấu giá cho biết: “Phiên đấu giá có gần 5.000 hồ sơ, gần 2.000 người tham gia đấu giá, xếp hàng 200m, đợi 1 tiếng mới đến lượt điểm danh. Lô đất có giá trúng cao nhất 101 triệu đồng/m2, lô thường có giá trúng 63-80 triệu đồng/m2. So với giá khởi điểm, giá lô thường cao gấp 5 - 6,4 lần; lô góc cao gấp 8 lần”.
Ngay khi phiên đấu giá kết thúc, nhiều môi giới chia sẻ giá trúng của các lô đất, ai có nhu cầu sẽ “sang tay” với giá chênh từ 250-550 triệu đồng/lô với các lô mặt ngoài.
Trong tháng 8, các huyện như Sóc Sơn, Thanh Oai, Hoài Đức, Quốc Oai đều có kế hoạch đấu giá đất với tổng số hơn trăm lô.
Ông Nguyễn Văn Đính, Chủ tịch Hội Môi giới bất động sản Việt Nam (VARS) cho biết đất đấu giá có nhiều ưu điểm như pháp lý đảm bảo, hạ tầng kỹ thuật hoàn thiện, nằm ở khu vực có vị trí thuận lợi. Điều này giúp phân khúc đất nền dễ thanh khoản, được nhiều nhà đầu tư quan tâm. Tuy nhiên, chuyên gia cảnh báo hiện tượng "quân xanh - quân đỏ", "cò lái" chuyên nghiệp tham gia để lướt cọc, nên rủi ro thuộc về người mua sau cùng khi phải trả chênh hàng trăm triệu đồng.
Ông Nguyễn Thọ Tuyển, Chủ tịch HĐQT Công ty Cổ phần bất động sản BHS (BHS Group) chia sẻ, sản phẩm đấu giá đất tại các tỉnh cũng sẽ rất tốt do tọa lạc ở vị trí trung tâm, sạch pháp lý. Đặc biệt là 2 năm vừa qua các tỉnh gần như không đấu giá thành công và theo nguyên tắc các phiên đấu giá lần sau, giá sẽ giảm.
“Chính vì thế, tôi nghĩ rằng, sau sự sốt nóng của bất động sản Hà Nội thì trước sau gì cũng lan sang các tỉnh khác. Đó có thể là các sản phẩm đất đấu giá hoặc các sản phẩm nằm ở trung tâm các tỉnh”, ông Tuyển cho hay.