Bước tiến mới trong việc tìm kiếm sự sống ngoài Trái Đất

Hoàng Dung |

Trong quá trình tìm kiếm sự sống ngoài Trái Đất, các nhà nghiên cứu chủ yếu tìm kiếm các hành tinh có kích thước, khối lượng, nhiệt độ và thành phần khí quyển tương tự Trái Đất.

Tuy nhiên, nghiên cứu mới của các nhà khoa học thuộc Đại học Cambridge, Anh cho biết việc thay đổi suy nghĩ trong tìm kiếm các hành tinh có thể sinh sống được sẽ làm tăng cơ hội phát hiện nơi tiềm tàng.

Theo các nhà khoa học, lớp ngoại hành tinh có tên là Hycean, sẽ trở thành ứng cử viên mới hứa hẹn hơn và trong dải ngân hà có rất nhiều Hycean.

Lớp ngoại hành tinh Hycean là những thế giới nóng, nhưng được bao phủ bởi đại dương nước lỏng khổng lồ bên dưới bầu khí quyển giàu hydro. Chúng dễ quan sát hơn những hành tinh giống Trái Đất vì nhiệt độ bề mặt của Hycean giúp các nhà khoa học dễ dàng phát hiện bằng kính viễn vọng.

Theo các nhà khoa học, việc phát hiện dấu hiệu sự sống ngoài Hệ Mặt trời có thể diễn ra trong vòng hai hoặc ba năm tới.

Tiến sĩ Nikku Madhusudhan, Viện Thiên văn học của Cambridge, người đứng đầu cuộc nghiên cứu, cho biết họ mở ra một con đường hoàn toàn mới để tìm kiếm sự sống ngoài Trái Đất.

Nikku Madhusudhan nói: "Về cơ bản, khi chúng tôi tìm kiếm các dấu hiệu phân tử khác nhau, chúng tôi đã tập trung vào các hành tinh tương tự như Trái Đất, đó là một sự lựa chọn hợp lý để bắt đầu. Tuy nhiên, những hành tinh Hycean mở ra một con đường hoàn toàn mới, mang lại cơ hội tốt hơn trong việc tìm kiếm sự sống ở nơi khác".

Hycean có các đặc điểm sở hữu đại dương lớn, hỗ trợ sự sống của vi sinh vật tương tự nhưng những gì tìm thấy trong môi trường nước khắc nghiệt nhất trên Trái Đất.

Những Hycean có kích thước lớn gấp 2,6 lần Trái Đất và có nhiệt độ khí quyển lên tới gần 200 độ C. Các hành tinh này cũng tạo ra khu vực có thể sinh sống rộng hơn nhiều so với các hành tinh giống Trái Đất.

Kể từ khi ngoại hành tinh được phát hiện lần đầu tiên cách đây 30 năm, các nhà nghiên cứu đã phát hiện thêm hàng ngàn hành tinh ở ngoài Hệ Mặt trời. Những hành tinh đó có cấu tạo chủ yếu là đá, băng khổng lồ với bầu khí quyển giàu hydro và có kích thước tương tự các siêu Trái Đất và tiểu sao Hải Vương.

Để xác định một hành tinh có phải là Hycean hay không, các nhà khoa học không chỉ dựa vào kích thước mà còn xem xét các khía cạnh khác như khối lượng, nhiệt độ và các đặc tính khí quyển.

Anjali Piette, Viện Thiên văn học của Cambridge, đồng tác giả nghiên cứu cho biết: "Thật thú vị khi những điều kiện sinh sống có thể tồn tại trên những hành tinh rất khác so với Trái Đất".

Dự kiến các nhà khoa học sẽ sử dụng Kính viễn vọng không gian James Webb sẽ đuọc phóng vào cuối năm nay để theo dõi tìm kiếm thế giới Hycean tiềm năng. Tất cả các hành tinh này đều quay quanh các ngôi sao lùn đỏ cách chúng ta 35-150 năm ánh sáng.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Tags
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại