Bước ngoặt Trung Đông: Nga đắt khách khi bán vũ khí bằng "chữ tín", Mỹ thất thu khi dọa khách hàng bằng trừng phạt?

Mạnh Kiên |

Dù nhiều quốc gia Trung Đông phản đối sự ủng hộ của Nga đối với chính quyền Tổng thống Bashar al-Assad ở Syria, họ phải thừa nhận rằng Nga đã thể hiện mình là một đồng minh đáng tin cậy, sẵn sàng sử dụng các biện pháp chính trị, tài chính và quân sự để ủng hộ cho đối tác.

Ngày 13/11 là một ngày bận rộn đối với lĩnh vực ngoại giao quốc phòng của Mỹ. Ngoại trưởng Mike Pompeo đã viết thư gửi cho Bộ trưởng Quốc phòng Ai Cập, cảnh báo đồng minh thân cận nhất rằng, họ có thể phải đối mặt với các lệnh trừng phạt nếu tiến hành mua máy bay chiến đấu Nga.

Cùng ngày, Tổng thống Donald Trump đã gặp Tổng thống Recep Tayyip Erdogan tại Nhà Trắng, nơi nhà lãnh đạo Mỹ một lần nữa kêu gọi người đồng cấp Thổ Nhĩ Kỳ từ bỏ hệ thống phòng thủ tên lửa S-400 nếu không muốn tổn thương vì các lệnh trừng phạt.

Lời đe dọa trừng phạt của Mỹ hiện giống như sợi dây thòng lọng đang treo trên đầu hai đồng minh - và tất cả chỉ vì vũ khí do Nga sản xuất.

Đau đầu vì vũ khí Nga

Những lời đe dọa công khai như vậy là một dấu hiệu cho thấy Mỹ đang có những động thái nghiêm túc trong việc bảo vệ lợi ích của mình ở nước ngoài cũng như với ngành công nghiệp vũ khí.

Về cơ bản, cả Thổ Nhĩ Kỳ và Ai Cập đều có mối quan hệ sâu sắc với Washington. Mặc dù gần đây có sự sụp đổ trong quan hệ với châu Âu, Thổ Nhĩ Kỳ vẫn là một đồng minh của NATO, trong khi Ai Cập là quốc gia nhận các khoản viện trợ quân sự khổng lồ. Cả hai đều bị khóa vào quỹ đạo an ninh của Mỹ.

Nhưng Mỹ phải đối mặt với một nhiệm vụ cân bằng khó khăn trong thời điểm hiện tại khi họ phải cố gắng ngăn chặn các đối thủ toàn cầu tập trung vào thị trường vũ khí Trung Đông, nơi vốn nằm dưới sự thống trị của các công ty Mỹ và châu Âu, đồng thời duy trì các lợi ích chính trị trong khu vực, theo Asia Times.

Trong khu vực, Mỹ và các đối tác Trung Đông đang xảy ra bất hòa. Với định hướng chính sách không tốt hiện tại của Mỹ, dòng chảy vũ khí đến từ các quốc gia "không phải phương Tây" đổ tới đây được coi là điều không thể ngăn chặn.

Khi bán vũ khí trong khu vực, Mỹ luôn đính kèm một "món ăn phụ" cho các đối tác. Một trong những quy tắc bất biến đối với Mỹ khi bán vũ khí là luôn đảm bảo Israel duy trì lợi thế quân sự nhiều hơn so với các nước láng giềng Ả Rập.

Hiện tại, lợi thế kỹ thuật đó được thể hiện ở thương vụ F-35, máy bay chiến đấu tàng hình tiên tiến nhất do Mỹ sản xuất. Mặc dù đã bán vũ khí này cho Israel, nhưng Mỹ đã từ chối bán nó cho các quốc gia khác ở Trung Đông.

Chính vì vậy mà khi F-35 trình diễn tại triển lãm Dubai Airshow tuần này ở UAE, Mỹ vẫn để ngỏ khả năng bán máy bay cho đối tác Ả Rập.

Nhưng chính chính sách bảo thủ của Mỹ mới là nguyên do khiến các đối tác bị trừng phạt. Trên thực tế, chính vì từ chối bán F-35 mà Ai Cập mới phải tìm kiếm máy bay ở các nguồn khác như Nga.

Ai Cập đang tìm cách đa dạng hóa sức mạnh trên không và muốn mua Su-35 do Nga sản xuất, đối thủ cạnh tranh trực tiếp với F-35.

Lúc này, Ai Cập rơi vào tình huống tiến thoái lưỡng nan. Mua Su-35 có thể gây nguy hiểm cho các khoản viện trợ quân sự từ Mỹ, điều mà Ai Cập rất cần, nhưng nếu không mở rộng phạm vi các nhà cung cấp quân sự thì họ sẽ vô cùng bất lợi về năng lực quốc phòng.

Ai Cập cũng không đơn độc trong tình huống khó xử này. Tuần này, Tổng thống Erdogan cũng tiếp tục khẳng định rằng, ông sẽ không từ bỏ hệ thống phòng thủ tên lửa S-400, thậm chí còn cảnh báo tổng thống Mỹ rằng nếu Mỹ tiếp tục chặn việc bán F-35, thì Ankara sẽ tìm nơi khác để mua máy bay chiến đấu.

Và nơi khác, gần như chắc chắn có nghĩa là Nga và Su-35.

Mở cửa

Bước ngoặt Trung Đông: Nga đắt khách khi bán vũ khí bằng chữ tín, Mỹ thất thu khi dọa khách hàng bằng trừng phạt? - Ảnh 3.

F-35 bay trên bầu trời UAE nhưng chưa biết bao giờ mới thuộc về quốc gia này.

Đối với Mỹ, duy trì ưu thế quân sự của Israel không phải là vấn đề duy nhất; Washington cũng quyết tâm duy trì lợi thế cho chính mình.

Nước này lo ngại S-400 có khả năng trở thành công cụ gián điệp đối với F-35 mà Mỹ triển khai tại căn cứ không quân Incirlik ở Thổ Nhĩ Kỳ.

Bán vũ khí và chính trị luôn song hành ở Trung Đông. Khi Mỹ rút khỏi một thỏa thuận thì chắc chắn những điều kiện đi kèm khác cũng không còn nữa.

Bất cứ quốc gia nào mua số lượng lớn vũ khí từ Mỹ đều biết rằng điều này đồng nghĩa với việc Mỹ phải cam kết bảo đảm an ninh cho quốc gia đối tác.

Nhưng bắt đầu với chính quyền của cựu Tổng thống Barack Obama, và bây giờ là với chính quyền Donald Trump, các đồng minh Trung Đông đã bắt đầu nghi ngờ về tầm nhìn và cam kết của Mỹ.

Lúc này, Nga hiện lên là một sự thay thế khá rõ ràng. Mặc dù có ít lựa chọn vũ khí hơn so với Mỹ, nhưng về cơ bản, Moscow đã thể hiện sự nhất quán.

Dù nhiều quốc gia ở Trung Đông phản đối sự ủng hộ của Nga đối với chính quyền Tổng thống Bashar al-Assad ở Syria, họ phải thừa nhận rằng Nga đã thể hiện mình là một đồng minh đáng tin cậy, sẵn sàng sử dụng các biện pháp chính trị, tài chính và quân sự để ủng hộ cho đối tác.

Nhưng Nga không thể là người thay thế hoàn toàn. Sức mạnh chính trị của Mỹ vẫn vượt xa Nga, đó là lý do tại sao các quốc gia Trung Đông đang cẩn trọng với vụ cá cược của mình thay vì ném nhiều tiền vào mua vũ khí của Moscow.

Cùng với sự rút lui của mình ra khỏi khu vực, Mỹ đã tạo ra cơ hội cho các nhà cung cấp vũ khí khác tiến vào, đặc biệt là Trung Quốc.

Sự thiếu rõ ràng trong chính sách dài hạn của Mỹ đối với Trung Đông đã mở ra một cánh cửa đóng kín từ lâu đối với các ngành công nghiệp vũ khí của các quốc gia khác trên thế giới.

Những quốc gia như Nga, Trung Quốc đang chào hàng bằng những khoản hỗ trợ tài chính lớn và các cam kết kỹ thuật dài hạn liên quan khi mua thiết bị quân sự tiên tiến.

Đó là một cánh cửa mà chính quyền Mỹ trong tương lai sẽ khó có thể đóng lại.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại