Cơ quan Nguyên tử năng quốc tế (IAEA) đã xác nhận động thái này, được Bộ trưởng Ngoại giao Iran Mohammad Javad Zarif công bố hôm 1-7. Tuy nhiên, cả ông Zarif lẫn IAEA đều không cho biết Iran hiện có bao nhiêu urani. Theo JCPOA, Iran được phép dự trữ không quá 300 kg urani được làm giàu tối đa 3,67%.
Theo hãng tin AP, hành động của Tehran gây áp lực mới lên các nước châu Âu đang nỗ lực cứu JCPOA, đồng thời khiến căng thẳng ở Trung Đông leo thang hơn nữa. Iran cũng đã dọa nâng mức làm giàu urani đến gần cấp độ vũ khí vào ngày 7-7 nếu châu Âu không thể đưa ra một thỏa thuận mới.
Thủ tướng Israel Benjamin Netanyahu lập tức gọi hành động trên là "bước đi đáng kể tiến tới chế tạo vũ khí hạt nhân", đồng thời hối thúc các nước châu Âu "thực hiện cam kết" áp đặt lệnh trừng phạt đối với Tehran nếu vi phạm thỏa thuận. Tuy nhiên, các nhà lãnh đạo châu Âu bác bỏ lời kêu gọi tái áp đặt trừng phạt Iran.
Trong khi đó, Tổng thống Mỹ Donald Trump cảnh báo Iran đang "đùa với lửa" và Ngoại trưởng Mike Pompeo kêu gọi cộng đồng quốc tế yêu cầu Iran ngưng mọi hoạt động làm giàu urani, kể cả ở mức độ được JCPOA cho phép. Nhà Trắng khẳng định sẽ tiếp tục gây sức ép tối đa lên Iran "cho đến khi các nhà lãnh đạo nước này thay đổi đường lối hành động".
Ở chiều ngược lại, Thứ trưởng Ngoại giao Nga Sergei Ryabkov nhấn mạnh rằng động thái của Tehran diễn ra sau khi Mỹ từ bỏ các cam kết đối với Iran và gây áp lực chưa từng có lên quốc gia Trung Đông này. "Iran từ lâu đã cảnh báo về điều đó" - ông Ryabkov lưu ý. Theo Đài Truyền hình nhà nước Iran Press TV, ông Ryabkov kêu gọi Tehran cư xử có trách nhiệm nhưng cho rằng cộng đồng quốc tế "không nên được kịch tính hóa tình hình".