Quán Thế Âm Bồ Tát là vị Bồ Tát hiện thân cho lòng từ bi của tất cả chư Phật. Tên nguyên bản tiếng Phạn của ngài là Avalokiteśvara, mang nghĩa “vị Bồ Tát quán sát âm thanh đau khổ của thế gian kêu cầu mà cứu độ một cách tự tại”.
Được tôn kính thờ phụng rộng rãi bậc nhất trong Phật giáo Đại thừa, tranh vẽ và tượng khắc họa ngài đã xuất hiện từ rất sớm và vô cùng phổ biến ở các quốc gia như Trung Quốc, Hàn Quốc, Nhật Bản, Việt Nam…
Tại Trung Quốc, có một tập tranh cổ niên đại từ thời nhà Thanh mang tên “Quán Thế Âm Bồ Tát từ dung ngũ thập tam hiện” (tạm dịch: Quán Thế Âm Bồ Tát 53 lần xuất hiện với dung mạo từ bi) bao gồm 53 bức tranh vẽ vị Bồ Tát ở nhiều tư thế khác nhau, cùng với đó là những bài thơ tán dương ngài.
Cả tập tranh này vốn không có gì khác thường cho đến khi người xem lật giở đến bức họa cuối cùng. Điều kỳ lạ là trong bức tranh này, Quán Thế Âm Bồ Tát lại mặc trang phục và có mái tóc kiểu phương Tây. Không chỉ mỗi phục sức, gương mặt vị Bồ Tát cũng mang nhiều đường nét của người châu Âu.
Bức họa Quán Thế Âm Bồ Tát trong trang phục phương Tây thuộc tập tranh “Quán Thế Âm Bồ Tát từ dung ngũ thập tam hiện”. Ảnh: Dong-A Ilbo
Bức tranh cổ này đã gây ra nhiều xôn xao trong giới học thuật cũng như cộng đồng mạng. Có ý kiến cho rằng nhân vật được vẽ trong tranh là Chúa Jesu. Người khác thì lại cho đây là một nhà truyền giáo phương Tây hoạt động ở Trung Hoa vào thời nhà Minh.
Tuy nhiên, sau thời gian tìm hiểu, nhà nghiên cứu Đài Loan Cao Duệ Triết đã có một phát hiện quan trọng: Bức tranh này vẽ Quán Thế Âm Bồ Tát dựa theo hình tượng vị vua Pháp Louis XIII do họa sĩ Philippe de Champaigne khắc họa vào thế kỷ 17.
Phát hiện này cũng góp phần giúp các chuyên gia xác định được tập tranh 53 bức “Quán Thế Âm Bồ Tát từ dung ngũ thập tam hiện” ra đời sớm nhất là vào đầu thời nhà Thanh (1636 - 1912) chứ không thể sớm hơn.
Bức tranh vua Louis VIII được vẽ bởi họa sĩ người Pháp Philippe de Champaigne. Ảnh: Bảo tàng Nghệ thuật Quốc gia Prado
Những bức chân dung độc đáo của Ung Chính
Không chỉ trong lĩnh vực tôn giáo, những màn hóa thân tương tự còn xuất hiện trong loạt tranh của hoàng đế Ung Chính (1722 - 1735) nhà Thanh, và lần này chúng ít nhiều mang ý nghĩa chính trị.
Ung Chính đế có cho mình những bức họa hóa thân thành chiến binh Ba Tư, hoàng tử người Thổ Nhĩ Kỳ, pháp sư Đạo giáo, nhà sư Tây Tạng hay người châu Âu với mái tóc và bộ trang phục phương Tây.
Vì lý do gì mà Quán Thế Âm Bồ Tát và hoàng đế thứ 5 của Đại Thanh lại lộ diện trong những diện mạo đáng ngạc nhiên như vậy? Và tại sao trong số đó có cả hình ảnh của người châu Âu - một vùng đất cách rất xa đất nước Trung Hoa?
Hoàng đế Ung Chính đế hóa thân thành đạo sĩ Đạo giáo. Ảnh: Wikipedia
Ung Chính đế dưới diện mạo của nhà sư Tây Tạng. Ảnh: Wikipedia
Ung Chính đội tóc giả và mặc trang phục kiểu châu Âu, chuẩn bị dùng đinh ba tấn công một con hổ. Ảnh: Wikipedia
Chuyên gia người Hàn Quốc Kim Young-min có những phần tích và lý giải cụ thể cho những câu hỏi trên. Được biết, lý do là bởi theo tư tưởng người vẽ, Quán Thế Âm Bồ Tát và vị hoàng đế nhà Thanh có 1 điểm chung: Họ phải có mặt ở khắp mọi nơi.
Trong Quán Thế Âm Bồ Tát Phổ Môn Phẩm của Diệu Pháp Liên Hoa kinh (hay còn gọi là kinh Pháp Hoa) có viết, “Thập phương chư quốc độ, vô sát bất hiện thân”. Nghĩa là chỉ chung tất cả thế giới trong hư không, không cõi nào là ngài chẳng hiện thân.
Nói cách khác, vị Bồ Tát này có mặt ở khắp mọi nơi để phổ độ chúng sinh. Tương tự, thời đó người ta cho rằng hoàng đế Mãn Thanh không chỉ coi mình là vua của một quốc gia, mà là thiên tử cai trị toàn thể thiên hạ.
Vị chuyên gia kết luận, Quán Thế Âm Bồ Tát và hoàng đế Ung Chính đã được khắc họa với nhiều dung mạo khác nhau là để phù hợp với từng nơi và từng bối cảnh mà cả hai hiện thân.
Riêng với hoàng đế nhà Thanh là còn nhằm khẳng định tính chính danh và vai trò chi phối của mình trên khắp thế giới văn minh.
Có thể nói, mỗi bức tranh kể trên đều là một sự kết hợp mới mẻ giữa hội họa với tôn giáo, hội họa với chính trị, là nơi Đông Tây gặp gỡ giao thoa, và là di sản hết sức độc đáo mà tiền nhân để lại cho hậu thế.
Theo Dong-A Ilbo
https://soha.vn/buc-tranh-quan-the-am-bo-tat-thoi-nha-thanh-gay-xon-xao-sao-bo-tat-lai-mac-do-kieu-tay-20220326162712341.htm