Trong công việc nấu ăn hàng ngày, chúng ta thường chế biến nhiều loại thịt khác nhau như thịt lợn, thịt bò, thịt gà,... Nhưng khi nấu những loại thịt này chúng ta thường thấy sẽ có rất nhiều bọt nổi lên. Vậy thực tế lớp bọt này là gì? Làm thế nào để bạn xử lý đúng cách lớp bọt này? Một số bạn cho rằng lớp bọt này là chất bẩn và cần được hớt đi, nhưng số khác lại cho rằng lớp bọt này mới là tinh chất và nên được giữ lại. Vậy đâu là quan điểm đúng? Hôm nay chúng ta cùng trao đổi về vấn đề này nhé!
1. Bọt tạo ra khi nấu thịt là gì?
Trên thực tế, lớp bọt này chủ yếu bao gồm hai phần: Một phần là huyết thừa và dịch cơ thể còn sót lại trong thịt, bị biến tính và đông đặc ở nhiệt độ cao tạo thành bọt; phần còn lại là protein trong thịt bị biến tính ở nhiệt độ cao và kết hợp với các phân tử nước tạo thành bọt. Cũng đôi khi trong quá trình chế biến thịt thành các món ăn, bạn sẽ thấy lúc thịt có nhiều bọt, khi lại rất ít. Trên thực tế, điều này có liên quan trực tiếp đến lượng huyết còn lại trong thịt. Chúng ta hãy lấy thịt lợn - loại nguyên liệu được tiêu thụ nhiều nhất, làm ví dụ để tham khảo. Phương pháp giết mổ lợn thường lấy tiết từ cổ. Phương pháp này thường chỉ có thể loại bỏ phần lớn huyết trong cơ thể lợn, một số mao mạch ở các bộ phận sẽ còn lại lượng huyết nhất định. Với mỗi loại gia súc, gia cầm thì phương pháp giết mổ sẽ khác nhau và kỹ thuật giết mổ của mỗi người thực hiện cũng khác nên thịt sẽ có nhiều hay ít bọt hơn là dễ hiểu.
2. Bạn có nên hớt bỏ bọt này không?
Loại bọt này được đánh giá là "chất bẩn" hay "tinh chất" tùy thuộc vào quan điểm cá nhân. Trong bọt quả thực có huyết và tạp chất, nhưng vẫn có một số chất dinh dưỡng nhất định, nhưng cũng có mùi tanh tương đối nồng. Điều này phần nào ảnh hưởng đến mùi vị của thịt cũng như hương vị của món ăn sau khi được chế biến. Nếu bạn thấy nó không ảnh hưởng thì cũng chẳng sao. Tất nhiên, nếu bạn thấy bọt thịt ảnh hưởng đến thành phẩm thì hãy lược bỏ chúng.
3. Xử lý bọt khi nấu thịt như thế nào?
Nhiều người khi nấu ăn cho rằng chần thịt trước khi chế biến không chỉ giúp thịt sạch hơn mà còn loại bỏ cặn bã. Tuy nhiên thực tế, ngay cả khi đã chần thịt thì khi chúng ta nấu bọt vẫn sẽ nổi lên. Những người có kinh nghiệm nấu ăn sẽ nhận thấy rằng khi chần thịt lần đầu, lượng bọt nhiều nhất, có màu sẫm và có mùi tanh nồng nặc. Nhưng ở giai đoạn sau, lượng bọt tạo ra trong quá trình nấu sẽ tương đối ít, màu sắc cũng trở nên trắng và ít tạp chất hơn. Không cần thiết phải loại bỏ lớp bọt này nữa vì tạp chất gần như đã được loại bỏ, nó chỉ còn chứa những phần thiết yếu như protein và chất béo. Nếu tiếp tục loại bỏ những cặn bã này, hương vị của thịt sẽ trở nên nhạt nhẽo và không đủ đậm đà. Vì vậy, đối với bọt sinh ra khi nấu thịt, chúng ta chỉ cần loại bỏ bọt sinh ra lần đầu, bọt sinh ra sau đó có thể được giữ lại.
Khuyến cáo bạn, sau khi mua thịt về, để loại bỏ các chất bẩn thì tốt nhất nên rửa cùng nước muối loãng, sau đó rửa lại dưới vòi nước thật sạch rồi mới chế biến.
4. Một số biện pháp để hạn chế bọt thịt trong quá trình nấu
- Muốn nấu món ăn ngon thì thịt tươi là điều kiện tiên quyết. Khi mua thịt, chúng ta phải kiểm tra kỹ xem màu sắc của thịt có màu đỏ tươi hay không, có mùi đặc biệt hay không, đồng thời cố gắng chọn thịt tươi, mới được giết mổ và tốt cho sức khỏe.
- Trước khi nấu, chúng ta có thể ngâm thịt trong nước một khoảng thời gian. Việc này có thể làm trung hòa bớt một lượng huyết dư còn bên trong thịt và làm giảm tạo bọt khi nấu.
- Khi hầm hoặc chần thịt, tốt nhất bạn nên cho nước lạnh vào nồi rồi thả thịt vào. Điều này không chỉ giúp huyết dư trong thịt thấm dần ra ngoài mà còn giúp khử mùi tanh của thịt. Quan trọng hơn, nước lạnh trong nồi có thể giữ cho thịt mềm và mịn trong quá trình đun nóng chậm, giúp món ăn thơm ngon hơn.
- Khi nấu thịt, chúng ta cũng có thể thêm vài lát gừng, hành lá và các gia vị khác. Những gia vị này có thể trung hòa mùi tanh và tăng thêm mùi thơm, vị ngon cho món ăn. Từ đó khiến cả món ăn trở nên hấp dẫn hơn.