BOT: Kinh doanh hay từ thiện?

Đoàn Quang Huy |

Trả lời chất vấn của đại biểu Quốc hội (QH) về 2 trạm thu phí BOT Cai Lậy và T2, Bộ trưởng Bộ Giao thông Vận tải (GTVT) Nguyễn Văn Thể nói rằng theo nghị định, bộ chỉ cần thông qua địa phương, tức ở đây là UBND tỉnh. Nhưng để công tâm, bộ còn thông qua HĐND và đoàn đại biểu QH địa phương.

Tuy nhiên, hơn 3 năm kể từ khi vụ việc phản đối BOT đầu tiên đến nay, khi được hỏi hầu hết những tài xế hay các doanh nghiệp vận tải chỉ biết giá vé, còn tại sao đặt trạm ở đây, tại sao phải mở rộng, kinh phí đầu tư bao nhiêu, thu trong thời gian bao lâu, giá vé tăng giảm nữa hay không... thì họ không thể biết mặc dù họ mới là người trực tiếp chi trả cho dự án.

Sự việc về BOT nóng thêm lần nữa khi Bộ GTVT lại đề xuất tăng giá thu phí với một loạt dự án BOT, lý do là nguồn thu bị hụt so với dự kiến ban đầu, hoặc do tới lộ trình tăng giá theo hợp đồng giữa bộ và chủ đầu tư.

Nếu không cho các dự án này được tăng phí theo lộ trình thì sẽ có nhiều dự án BOT bị phá vỡ phương án tài chính dẫn đến nguy cơ phá sản, hoặc trở thành nợ xấu của các ngân hàng...

Xin hỏi Bộ trưởng Bộ GTVT, các chủ đầu tư dự án BOT là các đơn vị làm từ thiện hay làm kinh doanh? Đã xác định làm kinh doanh thì phải tính đến các phương án kinh doanh, kể cả phương án xấu nhất là phá sản.

Trong kinh doanh, chỉ có các phương án lỗ vốn, huề vốn hoặc có lãi, không có phương án kinh doanh nào bảo đảm 100% chỉ có lãi.

Hơn nữa, các hợp đồng BOT đều quy định phát thầu dưới 2 hình thức kêu gọi đấu thầu và chỉ định thầu nhưng hiện nay hầu hết các dự án BOT đều là chỉ định thầu và do bộ chỉ định thầu. Có phải vì nguyên nhân này mà bộ sốt sắng trong giải pháp cứu các chủ đầu tư?

Nguồn vốn của các chủ đầu tư hiện nay có thể nói toàn là các nguồn vốn huy động từ các ngân hàng, nói theo cách dân gian là "tay không bắt giặc".

Cũng có nghĩa là các chủ đầu tư này với các quan hệ sẵn có, được ưu ái chỉ định thầu; trong khi các công ty này đã thể hiện rõ năng lực yếu kém từ khâu đầu tiên là dự báo tiềm năng thị trường, sau đó là năng lực thi công, vận hành dự án kém, nguồn vốn đối ứng thực tế thấp, dẫn tới thua lỗ nhưng lại được Bộ GTVT ra sức cứu bằng mọi cách.

Thêm một vấn đề gây bức xúc nữa trong chính trả lời về nguyên nhân dẫn tới sụt giảm nguồn thu của chủ đầu tư, đó là số lượng xe mua vé tháng, quý nhiều.

Như vậy là ngay từ đầu, chủ đầu tư đã không có dự báo về khả năng này, mà khả năng này chiếm tới trên 70% đối với các xe lưu thông cố định qua trạm thường xuyên. Hay nguyên nhân kinh tế khu vực phát triển không như dự báo.

Như vậy, mọi sai lầm của cả chủ đầu tư lẫn Bộ GTVT đều đưa người dân ra gánh chịu thông qua việc tăng phí?

Nên chăng, khi nào Bộ GTVT trả lời rõ ràng về tính minh bạch của từng dự án, lúc đó hãy bàn tới việc nâng giá thu phí theo lộ trình. Không thể mỗi lần trả lời chất vấn của đại biểu QH hay báo chí, chỉ nói chung chung rằng bộ làm đúng quy trình là xong. Điều người dân cần nhất lúc này là một bộ máy có tâm làm đúng quy trình chứ không phải là một dây chuyền bằng máy làm đúng quy trình.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại