"Bóng ma tham nhũng" bao phủ FIFA: Chuyện nhiều như... cơm bữa

Long Nguyên |

Việc đương kim chủ tịch LĐBĐ thế giới FIFA Gianni Infantino bị cáo buộc có sai phạm trong điều hành không phải chuyện lạ với tổ chức này. Trước ông Infantino, đã có không ít quan chức hàng đầu của FIFA thân bại, danh liệt vì tham nhũng.

"Bố già" Joao Havelange

Joao Havelange là một luật sư người Brazil và có thời gian ngồi ghế chủ tịch FIFA lâu thứ hai trong lịch sử tổ chức bóng đá lớn nhất hành tinh (1974-1998). Sau đó, ông Havelange còn là chủ tịch danh dự FIFA, nhưng đã phải từ chức vào năm 2013.

Lý do nào khiến ông Havelange, người đã qua đời năm 2016 ở tuổi 100, phải từ chức? Câu trả lời: Ông có quá nhiều vết nhơ liên quan đến tham nhũng, hối lộ.

Bóng ma tham nhũng bao phủ FIFA: Chuyện nhiều như... cơm bữa - Ảnh 1.

Ông Havelange dính dáng đến rất nhiều tiêu cực

Trước khi ngồi vào ghế chủ tịch FIFA 1974, ông Havelange đã di chuyển tới 86 quốc gia khác nhau để vận động cho bản thân. Tất nhiên, đi đến đâu ông cũng hứa hẹn rất nhiều. Điều đáng chú ý: Mọi lời hứa của ông Havelange đều liên quan đến tiền.

Khi đã trở thành chủ tịch FIFA, ông Havelange lập tức được biết đến như một ông vua... lạm dụng cơ chế thiếu minh bạch để tư lợi, đặc biệt trong vấn đề tài chính. Cách điều hành độc tài, khắc nghiệt của ông Havelange cũng thường xuyên được nhắc đến và mục tiêu cuối cùng luôn là kiếm được thật nhiều tiền.

Có khoảng thời gian, ông Havelange đã câu kết với con rể cũ của mình là Ricardo Teixeira, vốn là chủ tịch LĐBĐ Brazil khi ấy để nhận nhiều khoản hối lộ lớn từ đối tác của FIFA là công ty chuyên kinh doanh và tiếp thị thể thao Internal Sport and Leisure (ISL). Theo các báo cáo điều tra, ông Havelange đã sử dụng quyền lực của mình để cùng ông Teixeira nhận tiền hối lộ và ký vào các văn bản cho phép ISL khai thác nhiều hợp đồng lớn xung quanh các giải đấu do FIFA tổ chức từ tháng 8/1992 đến tháng 5/2000.

Bóng ma tham nhũng bao phủ FIFA: Chuyện nhiều như... cơm bữa - Ảnh 2.

Bộ đôi bố vợ - con rể dính dáng tham nhũng Havelange - Teixeira

Đỉnh điểm của những màn thao túng để có quyền lợi này là Havelange trao bản quyền tiếp thị của FIFA cho ISL vào tháng 12/1997. Đến tháng 5/1998, ông Havelange bán luôn cho ISL bản quyền truyền hình và truyền thanh World Cup 2002 cũng như World Cup 2006.

"Dự án" chưa thành thì đến năm 2001, ISL sụp đổ do nợ tới 300 triệu USD. Theo điều tra, ISL đã chi cho 2 "bố già" nói trên 41 triệu USD trong khoảng thời gian từ năm 1992 đến năm 2000. Mặc dù vậy, con số thực tế không được xác nhận chính thức cho rằng, ông Havelange và ngài con rể cũ quý hóa của mình đã nhận nhiều hơn gấp vài lần.

Dính dáng đến nhiều bê bối khác, ông Havelange cũng từng chi tiền để "bịt miệng" ISL nhằm giữ danh tính. Nhưng điều đó vẫn không giữ nổi uy tín cho ông khi cái kim trong bọc lâu ngày cũng lòi ra. Và ông Havelange rốt cuộc thân bại, danh liệt vì những màn tham nhũng đáng xấu hổ của mình.

"Hoàng tử bóng tối" Sepp Blatter

Vốn cũng là một "Bố già", nhưng Sepp Blatter cũng được biết đến với biệt danh "Hoàng tử bóng tối". Khi Joao Havelange rút lui, người kế nhiệm chính là Blatter. Người đàn ông Thụy Sĩ này đã hứa hẹn rất nhiều về việc tạo ra một FIFA minh bạch, trong sạch. Nhưng rốt cuộc, ông ta nói một đằng và làm một nẻo.

Thực tế, Blatter chính là "đệ tử" do Havelange dựng lên. Trước khi thay Havelange ngồi ghế chủ tịch FIFA, Blatter có đến gần 20 năm giữ chức tổng thư ký FIFA nên mọi hoạt động của tổ chức này ông ta nắm rõ như lòng bàn tay.

Bóng ma tham nhũng bao phủ FIFA: Chuyện nhiều như... cơm bữa - Ảnh 3.

Sepp Blatter chính là người kế nhiệm, cũng là "đệ tử" của Havelange

Blatter từng có thời điểm lên tiếng về Havelange như sau: "Havelange phải ra đi. Ông ấy không thể giữ vị trí chủ tịch danh dự sau các cáo buộc hối lộ". Nhưng Blatter nói là nói thế,còn việc làm của ông ta thì khiến tất cả phải ngã ngửa. Nói nhanh cho dễ hiểu, Blatter giả vờ mạnh miệng cho... vui, còn trong thực tế, ông ta chính là tấm lá chắn bảo vệ cho "đại ca" Havelange.

Trên trang điện tử của FIFA, Sepp Blatter tuyên bố các khoản hối lộ khi đó chỉ mang tính chất "hoa hồng" và không phạm pháp. "Chúng ta không nên lấy tiêu chuẩn của hiện tại để đánh giá những việc xảy ra trong quá khứ. Vì vào thời điểm Havelange nhận khoản tiền ấy, chính quyền Thụy Sĩ không xem đó là hành vi phạm luật, mà xếp chúng vào diện tiền hoa hồng. Thậm chí, chính quyền đã đánh thuế lên khoản tiền ấy do xem nó như một khoản chi phí trong kinh doanh", Blatter thản nhiên cho biết.

Bóng ma tham nhũng bao phủ FIFA: Chuyện nhiều như... cơm bữa - Ảnh 4.

Ông Blatter từng dính nghi ngờ có quan hệ với mafia

Đối xử "có tình, có nghĩa" với Havelange là thế, còn về bản thân mình, Blatter cũng chẳng từ cơ hội nào để vơ vét. Ông này có vô số cáo buộc về tham nhũng, hối lộ, điển hình là việc trao quyền đăng cai World Cup 2018 cho Nga và World Cup 2022 cho Qatar

Kết thúc "sự nghiệp" làm chủ tịch FIFA kéo dài từ năm 1998 đến năm 2015, Blatter ra đi trong tủi hổ. Ngày 31/5/2015, ông ta tái đắc cử chức chủ tịch FIFA, nhưng chỉ 2 ngày sau đã phải tuyên bố từ chức. Hiện tại, Blatter vẫn đang phải thi hành án phạt cấm tham gia các hoạt động bóng đá trong 6 năm của chính FIFA.

Jack Warner "bẻ lái" vì tiền

Không phải "đại ca cầm đầu", nhưng với vị trí phó chủ tịch FIFA khi còn đương nhiệm, Jack Warner cũng thuộc diện thấy tiền là... quên hết đạo nghĩa. Trong một phóng sự điều tra độc lập vào tháng 6/2015, hãng BBC cho biết, họ đã lần theo dấu vết khoản tiền 10 triệu USD được FIFA gửi vào các tài khoản của cựu Phó chủ tịch Jack Warner theo yêu cầu của tổng thư ký khi đó Jerome Valcke.

Bóng ma tham nhũng bao phủ FIFA: Chuyện nhiều như... cơm bữa - Ảnh 5.

Ông Warner thân bại, danh liệt vì bê bối

Theo đó, khoản tiền này không nằm trong chương trình phát triển bóng đá mà Chính phủ Nam Phi hỗ trợ cho các kiều dân châu Phi tại khu vực Caribe như lời giải thích trước đó của ông Jerome Valcke. Đáng chú ý, ông Warner lúc ấy cũng chính là chủ tịch LĐBĐ Bắc Trung Mỹ và Caribe (CONCACAF).

Trên thực tế, số tiền ông Warner nhận được chính là khoản tiền hối lộ sau khi đã bỏ phiếu giúp Nam Phi giành được quyền đăng cai World Cup 2010. Để che giấu số tiền hối lộ này, ông Jack Warner đã thực hiện các hoạt động rửa tiền. Tại ông Warner, nước Anh đã mất quyền đăng cai trong cay đắng.

Ông Blatter từng phải bỏ dở một cuộc họp báo tổ chức tại Zurich (Thụy Sĩ). Trong buổi họp ấy, diễn viên hài người Anh Simon Brodkin (Lee Nelson) đã xông vào ném một nắm USD giả vào người ông Blatter, khi đó đang là đương kim chủ tịch FIFA.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Tags

FIFA

Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại