Theo tờ Los Angeles Times, ánh sáng của ngọn đuốc được thắp lên tại Sochi (Nga) đêm 7/2 đã khởi động một cuộc đặt cược khoảng 900 triệu USD của các nhà quảng cáo Mỹ dành cho thế vận hội năm nay.
Có thể thấy, ngay trước thời điểm chính thức khai mạc khá lâu, Thế vận hội Mùa đông 2014 đã được báo giới trên toàn thế giới tốn khá nhiều giấy mực để nói về những mối đe dọa của các nhóm khủng bố, cáo buộc tham nhũng, căng thẳng quan hệ Mỹ-Nga vì bê bối nghe lén, hay những tranh cãi về luật chống người đồng tính ở Nga... Thậm chí, ngay trong đêm khai mạc hôm 7/2, sức nóng của Sochi 2014 được tạo ra bởi các sự cố hơn là tên tuổi của các vận động viên.
Tuy nhiên, các chuyên gia tiếp thị Mỹ cho rằng chính những bê bối tranh cãi này sẽ kích thích bản tính tò mò của con người, khiến họ càng phải đến tận nơi để chứng kiến những đồn đoán về “thế vận hội mùa đông đắt đỏ nhất trong lịch sử” hay ít nhất cũng phải ngồi trước màn hình xem truyền hình trực tiếp đêm khai mạc. Theo thống kê ban đầu từ ban tổ chức, lễ khai mạc Olympic Sochi đã thu hút khoảng 40.000 khán giả tới xem và hơn 3 tỷ người xem trên truyền hình khắp thế giới.
Trả lời phỏng vấn của báo giới, Dan Cohn, một chuyên gia tiếp thị Mỹ, cho biết: “Thực tế, các tranh cãi xung quanh thế vận hội đã được ghi nhận trong một thời gian dài và các nhà quảng cáo cũng nhận thức được họ sẽ thu được gì từ những tranh cãi này. Và thế vận hội sẽ vẫn là một cơ hội quảng bá thương hiệu và sản phẩm rất tốt tới hàng tỷ khán giả trong suốt 17 ngày”.
Vì vậy, không ngạc nhiên khi các nhà quảng cáo Mỹ tỏ ra rất hào hứng với sự kiện thể thao này. Thực tế cho thấy hợp đồng quảng cáo truyền hình trong thời gian phát sóng Olympic Sochi đã cán mốc kỷ lục mới trong lịch sử các thế vận hội mùa đông. Trong đó, kênh truyền hình NBC của Mỹ đã ký hợp đồng quảng cáo trị giá 800 triệu USD, phá kỷ lục thế giới trước đó tại Thế vận hội mùa đông Vancouver năm 2010. Ngoài ra, NBC và công ty mẹ của kênh truyền hình này Comcast Corp cũng đã đồng ý chi 4,38 tỷ USD để mua bản quyền phát sóng cho Olympic đến năm 2020.
Với chiến lược mở rộng tầm ảnh hưởng, hãng xe sang của Đức BMW tại Bắc Mỹ cũng không thể bỏ qua cơ hội quảng cáo tại thế vận hội. Theo Trudy Hardy - Phó Chủ tịch tiếp thị của BMW Bắc Mỹ, công ty rất lạc quan với khoản đầu tư “khủng” cho thế vận hội mùa đông năm nay ở Nga. Bên cạnh việc tăng cường hỗ trợ quảng cáo cho các nhóm đại lý địa phương, BMW cũng đã mua bản quyền phát sóng quảng cáo cho các loại xe nhập khẩu độc quyền trong khuôn khổ truyền hình trực tiếp thế vận hội của đài NBC.
Giới chuyên gia nhận định, sự tham gia vào một sự kiện lớn như thế vận hội sẽ có tác động tích cực và lâu dài cho các hãng kinh doanh. “Thế vận hội Olympic Sochi 2014 là một trong những sự kiện quan trọng hàng đầu trong làng thế thao và không có gì đáng ngạc nhiên là các công ty lớn tận dụng cơ hội này để thêm một lần nữa khẳng định mình và thiết lập quan hệ khăng khít hơn nữa với khách hàng”, nhà tiếp thị thể thao Andrei Maligin cho biết.
Theo Media Post, Olympic Sochi phổ biến nhất với nhóm người nằm trong độ tuổi từ 45 đến 55 - nhóm tiêu dùng thường đã có thu nhập ổn định, hướng đến các sản phẩm có độ sang trọng và ẩn chứa nét điềm tĩnh, chững chạc. Họ ưa thích nước hoa Ralph Lauren, thời sang Puma hay Lacoste. Khi nói đến thương hiệu xe hơi, họ cũng sẽ chú ý đến Volvo XC90, BMW M5, Toyota Highlander… hơn là Hyundai Accent, Dodge Dakota hay Nissan Maxima. Nhìn chung, 47% khán giả của Sochi nhiều khả năng đang sở hữu một chiếc xe hơi mang những thương hiệu quen thuộc đến từ Mỹ, châu Âu hay Nhật Bản hơn là một sản phẩm nội địa của những quốc gia sở hữu một nền công nghiệp xe hơi nhỏ bé.