Bởi lẽ, đang có nghi vấn về việc chủ tịch Liên đoàn bóng đá Thái Lan (FAT) phải từ chức do có sự can thiệp từ các cơ quan khác, ở đây là Ủy ban Olympic Thái Lan, đứng đầu là ông Prawit, đồng thời cũng là đương kim phó thủ tướng của quốc gia này. Prawit là một nhân vật giàu ảnh hưởng tại xứ chùa vàng. Ông từng giữ chức Tổng tham mưu trưởng của Quân đội hoàng gia Thái Lan.
Trong bài phân tích sau biến cố FAT thay lãnh đạo, các tờ báo lớn của Thái Lan đều thừa nhận nguy cơ nhận một hình phạt từ FIFA, đây là điều mà các quốc gia châu Á như Indonesia, Kuwait đã phải gánh chịu do liên đoàn bóng đá bị can thiệp.
Tờ Matichon viết: “Việc chủ tịch FAT từ chức theo lệnh của các cơ quan khác có thể dẫn đến hệ lụy là FIFA ban hành lệnh cấm với Thái Lan. Vì đây được coi là hành động can thiệp của cơ quan chính phủ vào công việc của Liên đoàn bóng đá”.
Ông Somyot (phải) đã từ chức vì chịu sức ép từ ông Prawit, người đứng đầu Ủy ban Olympic Thái Lan và là phó thủ tướng nước này
Tờ Thairath cũng dẫn điều 19 trong "Quy chế FIFA" quy định sự độc lập của Liên đoàn bóng đá và ban giám đốc. Và họ kết luận rằng rất có thể FAT đã vi phạm quy chế FIFA .
Vụ việc tại làng túc cầu Thái Lan khá giống với những gì Indonesia từng trải qua hồi 2015. Khi đó, Bộ Thanh niên và thể thao Indonesia (cơ quan có vai trò tương đương với Ủy ban Olympic Thái Lan) đã can thiệp vào công việc của LĐBĐ Indonesia. Kết cục, bóng đá xứ vạn đảo bị cấm vận gần 1 năm.
Nhìn chung, tình hình tại bóng đá Thái Lan đang khá rối ren. FAT sẽ báo cáo lên AFF, AFC, FIFA về thay đổi bất ngờ của mình. Trong khi đó theo truyền thông nước này, FAT sẽ có 90 ngày để bầu ban lãnh đạo mới.