Sự hiện diện của dàn sao ngoại binh trị giá bạc tỉ giúp nâng cao tính cạnh tranh, cải thiện đáng kể chất lượng chuyên môn Giải Vô địch quốc gia 2023 và thúc đẩy sự phát triển ở từng đội bóng chuyền.
"Xuất khẩu" cầu thủ giỏi
Theo kế hoạch, Giải Vô địch quốc gia được quy hoạch chỉ còn 8 đội bóng nam, nữ vào năm 2025. Chất lượng chuyên môn và tính cạnh tranh của giải sẽ còn được nâng cao khi lực lượng cầu thủ tại chỗ phải sẵn sàng đảm trách vai trò chính yếu bên cạnh việc tăng cường ngoại binh.
Tuy vậy, bóng chuyền Việt Nam lại trông chờ vào một xu hướng tích cực mới.
Trong thời gian chuẩn bị vòng 2 Giải Vô địch quốc gia 2023, đội nữ Binh chủng Thông tin - Trường Tươi Bình Phước đã sang Thái Lan tập huấn. Thông qua các mối quan hệ thân thiết, CLB Supreme Chonburi-E.Tech đã tạo mọi điều kiện thuận lợi cho đội bóng Việt Nam, kể cả sử dụng cơ sở vật chất hiện đại, trong suốt giai đoạn tập huấn.
Supreme Chonburi-E.Tech cũng đã bày tỏ sự quan tâm đến chủ công Hoàng Thị Kiều Trinh và chuyền hai Đoàn Thị Lâm Oanh, đồng thời đề đạt ý kiến đến lãnh đạo CLB Binh chủng Thông tin - Trường Tươi Bình Phước. Đây là 2 cầu thủ cột của đội bóng nữ quân đội đồng thời là thành viên quan trọng của đội tuyển nữ Việt Nam đang tích cực chuẩn bị tham dự Giải Vô địch bóng chuyền các CLB nữ thế giới - FIVB Women' Club Championship 2023.
"Chúng tôi đã làm việc với Supreme Chonburi-E.Tech, đội bóng có quan hệ chuyên môn tốt với bóng chuyền nữ Binh chủng Thông tin - Trường Tươi Bình Phước. Phía bạn muốn mời 2 cầu thủ Lâm Oanh và Kiều Trinh sang thi đấu tại Giải Vô địch quốc gia Thái Lan và chúng tôi đã gửi công văn đến lãnh đạo các cấp để xin ý kiến. Các cầu thủ là VĐV chuyên nghiệp và đội bóng Binh chủng Thông tin - Trường Tươi Bình Phước luôn tạo điều kiện tối đa cho các em được phát triển chuyên môn, nhất là khi có cơ hội thi đấu ở nước ngoài" - đại diện đội bóng cho biết.
Nếu không có gì thay đổi, Kiều Trinh và Lâm Oanh sẽ có mặt ở Thái Lan sau khi cùng đội tuyển Việt Nam tham dự FIVB Women' Club Championship 2023 ở Hàng Châu - Trung Quốc. Giải bóng chuyền Vô địch quốc gia Thái Lan đã khởi tranh từ tháng 11 và Kiều Trinh, Lâm Oanh sẽ khoác áo Chonburi thi đấu từ giai đoạn 2.
Những người tiên phong
Cầu thủ bóng chuyền nói riêng, VĐV thể thao Việt Nam nói chung khi ra nước ngoài thi đấu sẽ mang lại "lợi ích kép". Theo đó, bản thân VĐV được thi đấu ở đẳng cấp cao, được cọ xát để nâng cao trình độ còn cầu thủ trong nước sẽ phải nỗ lực để tiến bộ, sẵn sàng gánh vác trọng trách mà thế hệ đi trước để lại.
Không chỉ Supreme Chonburi-E.Tech nhắm đến Kiều Trinh và Lâm Oanh, phụ công Đinh Thị Trà Giang cũng nhiều khả năng quay lại khoác áo đội bóng cũ 3BB Nakhonnont. Trong khi đó, nhiều đội bóng khác tại Thái Lan cũng bày tỏ sự quan tâm đến Nguyễn Thị Trinh, Trần Tú Linh, Trần Thị Bích Thủy, Lý Thị Luyến… Chỉ cần đội bóng chủ quản của những cầu thủ này gật đầu, tất cả sẽ "đổ bộ" sang Thái Lan, tạo nên cơn sốt mới ở giải bóng chuyền xứ sở chùa vàng, hệt như thuở nào những "cô gái vàng" Wilavan Apinyapong, Pleumjit Thinkaow, Nootsara Tomkom, Onuma Sittirak… làm mưa làm gió ở bóng chuyền Việt Nam.
Trong quá khứ, một vài VĐV bóng chuyền hàng đầu của Việt Nam đã xuất ngoại và khẳng định được tài năng của mình tại Thái Lan, Đài Loan - Trung Quốc, Nhật Bản… Đó là Nguyễn Thị Ngọc Hoa, Nguyễn Thị Kim Liên, Trần Thị Thanh Thúy (Long An), Đỗ Thị Minh (Bộ Tư lệnh Thông tin), Đinh Thị Trà Giang, Trần Thị Bích Thủy (Hà Nội).
Dù vậy, những ngôi sao Việt Nam "đánh thuê" ở Thái Lan với số lượng còn rất ít, chỉ có thể đếm được trên đầu ngón tay. Tình cảnh này có thể thay đổi trong tương lai gần, khi số lượng ngôi sao bóng chuyền nữ Việt Nam tìm đến giải nhà nghề Thái Lan ngày càng đông hơn.
Xu hướng tích cực
Bóng chuyền Thái Lan từ lâu đã vươn tầm đến cấp độ thế giới. Các ngôi sao bóng chuyền nam, nữ Thái Lan ra nước ngoài thi đấu ngày càng nhiều, chủ yếu đầu quân cho các CLB ở giải nhà nghề Nhật Bản có chất lượng chuyên môn vượt trội so với Thai-League. Thực trạng này dẫn tới việc giải bóng chuyền nhà nghề Thái Lan thiếu hụt những VĐV tài năng, khiến chất lượng giải đấu sa sút, không còn thu hút đông đảo khán giả đến sân.
Một trong những giải pháp tháo gỡ của Liên đoàn Bóng chuyền Thái Lan là tiến hành… sửa đổi điều lệ, cho phép các CLB được tăng từ 2 lên 3 ngoại binh từ mùa giải 2023-2024. Trong đó, suất ngoại binh thứ 3 chỉ dành cho VĐV Đông Nam Á.
Ở Đông Nam Á hiện nay, trình độ chuyên môn của VĐV bóng chuyền nữ Việt Nam chỉ thấp hơn Thái Lan và hoàn toàn nhỉnh hơn so với cầu thủ các quốc gia khác. Vì thế, việc chiêu mộ VĐV Việt Nam hẳn là lựa chọn ưu tiên của các CLB Thái Lan trong thời gian tới.
Ngoài những lý do thúc đẩy xu hướng "xuất khẩu" cầu thủ bóng chuyền Việt, làn sóng VĐV nước ta sang Thái Lan càng trở nên dễ dàng hơn khi Giải Bóng chuyền nhà nghề Thái Lan và Giải Vô địch quốc gia Việt Nam được tổ chức không trùng thời gian. Vì thế, các VĐV Việt Nam và cả Thái Lan hoàn toàn có thể tranh thủ đi "đánh thuê", trước khi trở lại thi đấu cho CLB chủ quản.
Theo thông tin chính thức gần đây, 2 đội bóng chuyền nữ VTV Bình Điền Long An và Binh chủng Thông tin - Trường Tươi Bình Phước đã lên kế hoạch liên kết với các đội bóng nước ngoài để nâng cao chất lượng đào tạo chuyên môn cho cầu thủ. Nếu đội bóng Tây Nam Bộ quan tâm đến các đối tác tại Đài Loan - Trung Quốc và Philippines thì đội Binh chủng Thông tin - Trường Tươi Bình Phước sẽ "bắt tay" với đối tác quen thuộc Supreme Chonburi-E.Tech.
Từ năm 2024, cầu thủ của 2 đội bóng Việt Nam sẽ có cơ hội được đào tạo chuyên môn từ các HLV nước ngoài, được thi đấu giao hữu với các đội bóng đối tác. Việc liên kết này là mô hình khá mới mẻ đối với bóng chuyền Việt Nam, tạo ra một hướng đi đầy tiềm năng để nâng cao chất lượng đào tạo chuyên môn cho cầu thủ, giúp bóng chuyền Việt Nam phát triển bền vững trong tương lai.