Theo đại diện Boeing, hiện có rất nhiều đối tác của Boeing lấy nguồn linh kiện, thiết bị sản xuất tại Việt Nam, và hãng thấy hài lòng với chất lượng linh kiện do các đơn vị này sản xuất.
“Boeing cũng mong chủ động được nguồn linh kịnh từ thị trường, luôn tìm kiếm các cơ sở sản xuất đủ mạnh về công nghệ, đảm bảo chất lượng và chi phí thấp. Do đó, hãng vẫn tiếp tục tìm kiếm nguồn cung linh kiện phục vụ sản xuất may bay từ Việt Nam. Hiện đã có một số nhà cung cấp thiết bị của Việt Nam đang hợp tác cung cấp linh phụ kiện cho sản xuất máy bay Boeing 777, cụ thể là cửa máy bay”, ông Randy Tinseth cho biết.
Đại diện Boeing đánh giá, tốc độ phát triển thị trường hàng không Việt Nam trong vòng 10 năm qua rất nhanh chóng, với lưu lượng đi lại bằng đường hàng không nội địa tăng hơn 20%, đi ra nước ngoài tăng hơn 10%. Cùng đó, thị trường hàng không giá rẻ cũng phát triển mạnh.
Cụ thể, 10 năm trước, 85% khách đi lại bằng Vietnam Airlines thì hiện nay tỷ lệ khách chọn bay giữa Vietnam Airlines và Vietjet là ngang nhau (50/50).
“Các dòng máy bay thân rộng đã và đang đóng vai trò quan trọng tại thị trường hàng không Việt Nam. Đặc biệt, Vietnam Airlines đang có kế hoạch bổ sung cho đội bay tầm cỡ thế giới các phiên bản mới hơn của dòng máy bay Boeing 787 trong tương lai gần”, ông Randy Tinseth nói thêm.
Về thị trường hàng không thế giới, Boeing đưa ra dự báo, trong vòng 20 năm tới, trên toàn cầu, các hãng hàng không sẽ cần thêm 9.130 máy bay thân rộng mới, với tổng trị giá trị 2.800 tỷ Đô-la Mỹ.
Với thị trường Đông Nam Á, các đối tác của Boeing cần thêm 940 máy bay thân rộng, với tổng trị giá 280 tỷ Đô-la Mỹ. Trong đó, khoảng 65% nhu cầu là về các loại máy bay thân rộng cỡ nhỏ (như Boeing 787 Dreamliner), trong khi 35% còn lại sẽ hướng đến các dòng máy bay thân rộng cỡ trung như Boeing 787-10 và thế hệ máy bay Boeing 777.