Hợp đồng này trước đây tưởng đã lọt vào tay Airbus khi hai quốc gia Cận Đông trên quyết định mua chiến đấu cơ Eurofighter Typhoon.
Cụ thể, hồi tháng 4-2016, Boeing dù được coi là ứng cử viên chiến thắng đã bất ngờ thua Airbus ở gói thầu tìm mua máy bay chiến đấu mới tại Kuwait. Tổng giá trị gói thầu này lên tới 9,1 tỷ USD.
Đây là hậu quả của việc Washington đình chỉ hợp đồng cung cấp máy bay F/A-18 Super Hornet cho quốc gia Cận Đông này. Thay vì "ong bắp cày", Kuwait đã chọn mua 28 chiến đấu cơ Typhoon.
Tuy nhiên, mới đây, Kuwait đã bất ngờ quyết định mua thêm 32 máy bay F/A-18E và 8 chiếc F/A-18F. Tổng giá trị của hợp đồng vào khoảng 10,1 tỷ USD.
Giới thạo tin đánh giá, Cơ quan Hợp tác quốc phòng và An ninh Mỹ (DSCA) đã "vận động hành lang" thành công để Kuwait tiếp tục được mua máy bay chiến đấu Mỹ.
Chiến đấu cơ F/A-18 (ảnh trên) và F-15. Ảnh minh họa / DefenseTalk.
Cùng với Kuwait, Boeing tiếp tục nhận tin vui khác, khi DSCA đang đệ trình lên Quốc hội Mỹ gói hợp đồng cung cấp 72 chiến đấu cơ F-15QA cho Qatar với tổng giá trị cả gói lên tới 21,1 tỷ USD.
Đây có thể coi là điểm nhấn nổi bật trên thị trường vũ khí thế giới, đặc biệt là phân khúc cung cấp máy bay chiến đấu thế hệ thứ 4 vốn trầm lắng suốt thời gian qua. Với khả năng sản xuất khoảng 12 chiếc F-15 mỗi năm, hợp đồng với Qatar sẽ giúp Boeing "ăn lên, làm ra" trong vòng 6 năm tới.
Hiện tại, mức lợi nhuận trước thuế của khối máy bay quân sự Boeing mang lại lợi tức khoảng 9,8% tổng thu và giữ vị trí thứ 2 của tập đoàn. Hai gói hợp đồng lớn với Kuwait và Qatar đã bất ngờ tạo ra lợi nhuận tương đương 43% tổng thu của tập đoàn năm 2015. Ngay sau thông tin trên, giá cổ phiếu của Boeing đã tăng lên 17%.