Ảnh: AP
“Mỹ và các đồng minh của họ đang nhắm vào sự trù phú về dầu mỏ và các bồn chứa dầu của Syria không khác gì cướp biển”, ông Touma nói trên kênh Tin tức Syria. Tuyên bố này sau đó được kênh truyền hình Press TV của Iran phát lại bằng tiếng Anh.
“Những gì xảy ra trong suốt cuộc chiến ở Syria đã không xảy ra ở bất cứ nước nào, khi xét về khía cạnh chúng tôi bị ngăn chặn tiếp cận các nguồn tài nguyên của mình trong khi đó, các hàng hóa cơ bản cũng bị ngăn cản tới đất nước chúng tôi”, ông Touma cho biết thêm.
Dù trữ lượng dầu mỏ của Syria khá khiêm tốn so với các nước láng giềng, nhưng nước này vẫn có đủ khả năng đảm bảo tự cung cấp nguồn năng lượng, thậm chí đem lại cho Damascus một nguồn thu nhập tương đối từ xuất khẩu dầu mỏ.
Kể từ năm 2011, phần lớn các nguồn dầu mỏ đã bị phá hủy hoặc bị cướp phá, ban đầu là bởi các nhóm thánh chiến và sau đó là nằm trong sự kiểm soát của Mỹ và các đồng minh người Kurd.
Ông Touma ước tính thiệt hại trực tiếp và gián tiếp với lĩnh vực dầu mỏ Syria là hơn 92 tỷ USD. Ông nhấn mạnh rằng lĩnh vực này đã bị cố ý nhắm đến vì đây là nguồn thu nhập quan trọng đối với nền kinh tế Syria.
Theo ông Touma, Damacus đang tìm cách tăng cường khai thác dầu mỏ ở khu vực Địa Trung Hải thuộc lãnh hải của nước này, nhưng ông thừa nhận, đây sẽ là kế hoạch đắt đỏ, tiêu tốn nhiều thời gian và đòi hỏi “các điều kiện hậu cần bình yên và ổn định”.
Trước chiến tranh, Syria sản xuất khoảng 400.000 thùng dầu/ngày, với nguồn thu nhập khoảng 730 triệu USD/tháng, cho phép nước này có thể đáp ứng nhu cầu về năng lượng trong nước. Khoản tiền này cũng chiếm tới 20% dự trữ quốc gia.
Giai đoạn 2014-2017, tổ chức khủng bố Nhà nước Hồi giáo (IS) chiếm phần lớn các giếng dầu, cướp bóc và phá hoại các cơ sở hạ tầng, vận chuyển bất hợp pháp hàng trăm nghìn tấn “vàng đen” ra khỏi đất nước Syria.
Năm 2019, Mỹ tái bố trí binh sĩ từ biên giới Syria-Thổ Nhĩ Kỳ tới khu vực miền Bắc Syria nhiều dầu mỏ. Tổng thống Mỹ khi đó, Donald Trump cũng công khai thừa nhận rằng, mục đích chính của Mỹ là "lấy" và "giữ dầu mỏ".
Quân đội Nga ước tính, Mỹ và các đồng minh thu được ít nhất 30 triệu USD/tháng từ nguồn dầu mỏ Syria.