Bộ trưởng Mỹ nói khổ sở né chỉ trích giống lính D-Day né đạn

THIÊN ÂN |

Bộ trưởng Tư pháp Mỹ William Barr nói ông phải khổ sở né tránh các cáo buộc và chỉ trích không khác gì binh sĩ thời Chiến tranh Thế giới thứ hai tìm cách tránh đạn.

Bộ trưởng Tư pháp Mỹ Wiliam Barr mới đây lên tiếng so sánh việc ông quay trở lại lãnh đạo Bộ Tư pháp Mỹ không khác mấy sự kiện các binh sĩ phe Đồng minh đổ bộ vào vùng Normandy (Pháp) trong ngày D-Day của chiến tranh thế giới thứ hai, đài Fox News đưa tin.

Theo ông Barr, ở cương vị Bộ trưởng Tư pháp Mỹ , ông đã phải tìm cách né tránh các cáo buộc và chỉ trích không khác gì các binh sĩ thời chiến tranh thế giới thứ hai tìm cách tránh đạn.

“Khi xem đài truyền hình đưa tin về sự kiện D-Day ngày 6-6-1944, tôi có suy nghĩ rằng việc trở lại của tôi thời điểm này có chút chịu đựng, giống như là nhảy dù xuống khu vực thị trấn Sainte-Mere-Eglise (ở vùng Normandy) vào buổi sáng 5-6, cố gắng định hướng nơi nào bạn có thể hạ xuống mà không bị bắn” – ông Barr nói tại Học viện Cục Điều tra liên bang Mỹ (FBI) ngày 7-6.

Trước khi về phục vụ cho chính phủ Tổng thống Donald Trump, ông Barr từng làm Bộ trưởng Tư pháp thời chính phủ Tổng thống George W. Bush. Ông về lãnh đạo Bộ Tư pháp Mỹ lần thứ hai trong thời điểm đảng Dân chủ đang ráo riết quan sát và thúc giục cuộc điều tra khả năng Nga thông đồng với đội tranh cử của ông Trump can thiệp cuộc bầu cử tổng thống Mỹ năm 2016.

Bộ trưởng Barr đang liên tục nhận chỉ trích rằng ông đã cố tình che đậy cho ông Trump trong các cuộc điều tra, ngay từ ngày ông mới về lại Bộ Tư pháp Mỹ.

Sự chỉ trích này đặc biệt cao sau khi ông viết một biên bản nội bộ cho rằng ông Trump không đi quá giới hạn quyền lực khi sa thải Giám đốc FBI James Comey. Sau việc này cả các nghị sĩ đảng Dân chủ lẫn truyền thông Mỹ cáo buộc ông Barr cố tình bao che cho ông Trump.

Sự kiện đổ bộ Normandy ngày 6-6-1944 là một cột mốc lịch sử quan trọng của chiến tranh thế giới thứ hai, với sự tham gia của hơn 150.000 binh sĩ hàng loạt nước thuộc khối Đồng minh: Mỹ, Anh, Canada, Pháp, Tiệp Khắc, Ba Lan, Bỉ, Hà Lan, NaUy nhằm tấn công quân Đức Quốc xã.

Cuộc đổ bộ Normandy đã thắng lợi về chung cuộc, tạo một bước ngoặt cho cục diện cuộc chiến, góp phần dẫn tới sự sụp đổ của phát xít Đức và chấm dứt chiến tranh thế giới thứ hai. Tuy nhiên để có chiến thắng này quân đội Đồng minh cũng đã phải đánh đổi thiệt hại nặng nề, trong đó có một lượng lớn lính nhảy dù Mỹ đã chết khi đổ bộ xuống vùng Normandy.

Bộ trưởng Mỹ nói khổ sở né chỉ trích giống lính D-Day né đạn - Ảnh 2.

Nhà thờ của thị trấn Sainte-Mere-Eglise tái tạo lại cảnh lính nhảy dù lơ lửng từ chiếc dù trên mái nhà thờ để tưởng nhớ chiến dịch bi tráng này. Ảnh: THE PLANET WORLD

Trong sự kiện đổ bộ Normandy, một lượng lớn lính nhảy dù Mỹ đã nhảy xuống thị trấn Sainte-Mere-Eglise. Tuy nhiên giao tranh bên dưới khiến nhiều tòa nhà bốc cháy và ánh sáng từ các đám cháy này đã giúp quân phát xít Đức dễ dàng phát hiện các lính nhảy dù Mỹ.

Một số lính nhảy dù nhảy vào đám lửa, trong khi một số khác mắc kẹt trên cây và bị bắn trước khi có thể cắt dù để xuống đất. Thị trấn Sainte-Mere-Eglise có rất nhiều hoạt động để tưởng nhớ sự kiện đau thương này.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại