Japan Times đưa tin, 6 máy bay B-52 cùng với 300 quân nhân Mỹ tiếp tục được điều đến đảo Guam. Việc điều động 6 "pháo đài bay" trong bộ ba oanh tạc cơ chiến lược của Mỹ diễn ra vài ngày sau khi 3 máy bay ném bom tàng hình B-2 của không quân Mỹ được gửi đến căn cứ không quân Andersen trên đảo Guam.
Căn cứ Andersen là nơi triển khai của một số máy bay ném bom hạng nặng B-1B. Như vậy, đây là lần đầu tiên, bộ ba máy bay ném bom chiến lược của không quân Mỹ: B-52, B-1B, B-2 cùng hiện diện tại tiền đồn quan trọng của Mỹ ở Thái Bình Dương.
Trong bộ ba này, B-52 và B-2 đều có khả năng triển khai bom hạt nhân trong khi B-1B chỉ được thiết kế để triển khai bom thông thường.
Theo lực lượng không quân Mỹ ở Thái Bình Dương, việc triển khai B-52 tới Guam nhằm "hỗ trợ sứ mệnh liên tục hiện diện máy bay ném bom của Bộ Chỉ huy Thái Bình Dương (PACOM)". Trước đó, Triều Tiên từng nhiều lần đe dọa tấn công tên lửa đạn đạo gần Guam.
Máy bay B-52 được Mỹ triển khai trong khu vực lần gần đây nhất là tháng 7.2016. Khi đó, các "pháo đài bay" của Mỹ thực hiện nhiều sứ mệnh huấn luyện song phương và đa phương với hải quân Mỹ, thủy quân lục chiến Mỹ, lực lượng phòng không Mỹ, không quân Hàn Quốc và không quân Hoàng gia Australia.
Động thái mới nhất của Mỹ được xem là nhằm phô trương sức mạnh, trấn an các đồng minh Châu Á đang lo lắng về cuộc khủng hoảng hạt nhân Triều Tiên, theo Japan Times.
"Việc B-52H trở lại Thái Bình Dương sẽ mang đến cho PACOM và các đồng minh và đối tác của Mỹ trong khu vực một nền tảng sức mạnh chiến lược đáng tin cậy cũng như chia sẻ kinh nghiệm tác chiến trong nhiều năm của các máy bay", tuyên bố của không quân Thái Bình Dương của Mỹ nêu rõ.
Japan Times cho hay, không rõ bộ ba oanh tạc cơ chiến lược của Mỹ sẽ tiếp tục cùng hiện diện ở căn cứ quân sự của Mỹ cách Triều Tiên khoảng 3.400 km trong bao lâu.