Trung Quốc đặt ra kế hoạch kinh tế mới
Kế hoạch 5 năm lần thứ 14 của Trung Quốc dự kiến sẽ xoay quanh đổi mới công nghệ, tự lực kinh tế và môi trường sạch hơn. Các quan chức cũng đặt ra các mục tiêu trong 15 năm tới khi Chủ tịch Tập Cận Bình tìm cách hiện thực hóa cam kết trẻ hóa quốc gia bằng cách giành vị trí dẫn đầu toàn cầu về công nghệ và các ngành công nghiệp chiến lược khác.
Nếu nền kinh tế Trung Quốc, vốn đang phục hồi nhanh chóng sau cú sốc Covid-19, có thể bám sát quỹ đạo tăng trưởng của những năm gần đây thì nó sẽ vượt Mỹ trong vòng một thập kỷ tới. Viễn cảnh về những xích mích ngày càng sâu sắc với Mỹ là cơ sở khiến Trung Quốc đẩy nhanh các kế hoạch nhằm bảo vệ đất nước này khỏi những biến động của kinh tế toàn cầu.
"Tự lực cánh sinh là phát triển năng lực trong nước thông qua đầu tư vào Nghiên cứu và Phát triển cùng với đổi mới. Đây là việc làm cần thiết và thận trọng đối với những bất ổn bên ngoài. Tuy nhiên, điều đó không có nghĩa là Trung Quốc sẽ quay lưng lại với mở cửa", Fred Hu, nhà sáng lập quỹ đầu tư tư nhân Primavera Capital Ltd. có trụ sở tại Bắc Kinh, cho biết.
Ông Tập và các quan chức Trung Quốc gần đây khẳng định nền kinh tế nước này sẽ mở cửa hơn nữa đối với vốn nước ngoài và cạnh tranh. Trong một bài phát biểu tại Thâm Quyến tháng này, ông Tập tuyên bố sẽ thúc đẩy đổi mới công nghệ nhưng mong muốn một "hệ thống kinh tế mở mới".
Theo các nhà phân tích, Trung Quốc dường như đã giảm nhẹ từ ngữ trong kế hoạch mới của mình để ngăn nó trở thành tâm điểm trong mối quan hệ ngày càng xấu đi với Mỹ và các quốc gia khác.
Trước đó, cái gọi là "Made in 2025" của Trung Quốc đã hiếm khi được nhắc đến vì nó làm dấy lên những xu hướng chống Trung Quốc trong Chính quyền Trump và làm gia tăng bất an ở châu Âu và các nền kinh tế khác.
Chang Shu và David Qu của Bloomberg nhận định rằng: "Việc Trung Quốc nhấn mạnh vào hướng nội không báo hiệu quốc gia này đóng cửa với thế giới. Chúng tôi kỳ vọng kế hoạch của Bắc Kinh sẽ khuyến khích thương mại 2 chiều và thúc đẩy thương mại dịch vụ".
Thách thức toàn cầu với Bắc Kinh
Tuy nhiên, từ Washington tới Canberra, xu hướng hạn chế Trung Quốc tiếp cận với các công nghệ chiến lược đang ngày càng lớn. Lập trường cứng rắn của ông Trump với Trung Quốc nhận được sự ủng hộ từ cả 2 đảng.
Nếu ông Joe Biden trở thành Tổng thống Mỹ, người Trung Quốc sẽ phải lo lắng hơn nữa khi người đàn ông này tập hợp được sự ủng hộ của các đồng minh lâu năm, điều mà ông Trump chưa chú trọng trong nhiệm kỳ đầu tiên.
Chen Zhiwu, giám đốc của Viện Toàn cầu Châu Á tại Đại học Hồng Kông, cho rằng, những áp lực này sẽ khiến kế hoạch mới của Trung Quốc "ít rõ ràng và không chi tiết như trước đây".
"Made in China 2020 đã mang lại nhiều rắc rối cho Trung Quốc và làm gia tăng sự phản đối từ Mỹ. Vì vậy, tôi nghĩ rằng Trung Quốc sẽ tập trung vào các hướng dẫn thực thi và không nêu chi tiết trong kế hoạch sắp tới", Chen cho biết.
Về phần mình, phía Trung Quốc lập luận rằng những gì tốt cho họ sẽ tốt cho cả thế giới. Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Zhao Lijian dẫn số liệu trên báo chí cho biết 1/3 lợi nhuận của Mercedes Benz AG trong quý 3 đến từ Trung Quốc. Doanh thu phòng vé ở Trung Quốc cũng đạt 2 tỷ USD, lần đầu vượt Bắc Mỹ trong năm nay.
"Điều này chứng tỏ thị trường khổng lồ của Trung Quốc sẽ tạo ra động lực tăng trưởng bền vững cho kinh tế Trung Quốc và cả thế giới", Zhao cho biết trong một phát biểu hôm 21/10.
IMF đồng tình với nhận định này. Theo các tính toán của Bloomberg về những ước tính mới nhất của IMF, Trung Quốc sẽ là động lực tăng trưởng lớn nhất cho cả thế giới trong những năm tới. Kiểm soát thành công đại dịch Covid-19 khiến Trung Quốc được dự báo là nền kinh tế lớn duy nhất tăng trưởng dương trong năm nay khi virus corona hoành hành khắp thế giới.
Tuy nhiên, bức tranh không hoàn toàn chỉ có màu hồng. Số lượng các quốc gia coi các công ty công nghệ Trung Quốc là mối đe dọa với an ninh quốc gia đang tăng lên. Một số đang hợp tác để thay đổi sự phụ thuộc vào nhập khẩu Trung Quốc. Bắc Kinh cũng hứng chịu nhiều chỉ trích về các vấn đề nhạy cảm trong nước.
Trước những động thái của quốc tế, Trung Quốc tìm cách hướng nội để tăng trưởng. Cho đến nay, các biện pháp thuế quan và trừng phạt không làm Trung Quốc thay đổi cách hành động của mình. Thậm chí, nó còn khiến nhiều doanh nghiệp nước ngoài bị đưa vào danh sách có thể bị trừng phạt trả đũa. Xuất khẩu của Australia cũng đang là nạn nhân đáp trả của Trung Quốc.
Khi các quốc gia khác trở nên thận trọng, nó sẽ tác động đến dòng vốn đầu tư ra nước ngoài của Trung Quốc. Các doanh nghiệp, quỹ có hậu thuẫn của nhà nước Trung Quốc sẽ khó có cơ hội vào các thị trường như Mỹ, Anh và Australia. Tham vọng xung quanh các dự án khác, chẳng hạn như cái gọi là Sáng kiến Vành đai và Con đường, cũng có thể sẽ được điều chỉnh.
Về tăng trưởng, truyền thông Trung Quốc cho biết nước này có kế hoạch hạ thấp mục tiêu GDP để chuyển sang tăng trưởng chất lượng cao.