Phiên giao dịch giảm điểm ngày 26/4 vừa qua khiến chứng khoán Việt Nam giảm tổng cộng 11% trong cả tháng, trở thành tháng tồi tệ nhất trong suốt 7 năm qua. Sự suy giảm này đã khiến thị trường mất 15 tỷ USD tổng mức vốn hóa.
Theo chuyên gia Michel Tosto của Viet Capital Securities, một lượng lớn các nhà đầu tư nước ngoài đã bán ra trong phiên 26/4 và thị trường đang nằm trong xu thế đi xuống, qua đó gây sức ép lên một số giao dịch ký quỹ.
Cụ thể, các nhà đầu tư cần có lượng tài sản đảm bảo, ở đây là tiền, nhất định khi vay tiền chơi chứng khoán trong giao dịch ký quỹ.
Nếu giá cổ phiếu giảm và tài sản đảm bảo của khách hàng không đủ ngưỡng cố định, công ty chứng khoán sẽ yêu cầu khách hàng nộp thêm tiền hoặc buộc phải bán cổ phiếu để đảm bảo ngưỡng an toàn này.
Trước đó, chứng khoán Việt Nam đã tăng nóng 9% từ đầu năm lên mức đỉnh vào phiên 9/4 sau khi đã tăng 48% trong năm 2017. Việt Nam là nước thu hút vốn đầu tư lớn thứ 2 tại Đông Nam Á từ đầu năm đến nay nhờ hàng loạt các công ty lớn quốc doanh cổ phần hóa.
Tuy nhiên, sau đợt tăng nóng, thị trường đã có sự điều chỉnh khi giảm tới 10% so với mức đỉnh phiên 9/4 trước khi đổ sàn trong phiên 26/4.
Hiện nay, Ngân hàng Techcombank của Việt Nam đang dự kiến thu về 21 nghìn tỷ đồng (922 triệu USD) cho đợt phát hành cổ phiếu lần đầu ra công chúng (IPO) và đây được coi là đợt IPO lớn nhất tại Việt Nam, vượt qua kỷ lục trước đó thuộc về Vincom Retail JSC.