Biện pháp cứng rắn để phòng chống đại dịch
Cuộc chiến chống đại dịch viêm đường hô hấp cấp do chủng mới của virus Corona (Covid-19) gây ra trên toàn cầu đang ở trong giai đoạn cam go, khốc liệt.
Việc dịch bệnh lắng dịu ở nơi này như quốc gia tâm dịch Trung Quốc song lại bùng phát còn dữ dội hơn ở nhiều nơi khác trên thế giới cho thấy nếu không cảnh giác cao độ và dốc toàn lực ứng phó, sẽ phải trả những cái giá vô cùng đắt từ sức khỏe, sinh mạng cho tới kinh tế-xã hội nếu để dịch bệnh lây lan với tốc độ không thể kiểm soát.
Số liệu mới nhất tính tới cuối giờ chiều 26-3 cho thấy, dịch bệnh Covid-19 đã lây lan ra hầu hết hơn 190 quốc gia và vùng lãnh thổ trên thế giới, khiến hơn 487 nghìn người mắc bệnh, trong đó hơn 22 nghìn người đã tử vong và hàng chục nghìn người khác trong tình trạng nguy kịch.
Điều đáng nói là đại dịch Covid-19 đang tiếp tục lây lan ở các quốc gia châu Âu và Mỹ với tốc độ lên tới thêm hàng chục ca mắc bệnh và hàng nghìn ca tử vong mỗi ngày.
Kìm hãm tốc độ lây lan, tiến tới khống chế, giảm thiểu những tổn thất về sinh mạng và vật chất ở mức thấp nhất có thể đang là mục đích cao nhất trong cuộc chiến chống đại dịch trên toàn cầu cũng như tại mỗi quốc gia.
Nhiều quốc gia trên thế giới đã triển khai các biện pháp mạnh mẽ để ngăn ngừa sự lây lan của dịch bệnh Covid-19.
Tại châu Âu, Thụy Sĩ trong biện pháp lần đầu tiên sử dụng kể từ Chiến tranh Thế giới thứ 2 tới nay đã huy động hàng nghìn quân dự bị tham gia phòng chống dịch.
Quốc gia này đã đóng cửa các trường học, cấm tụ tập từ 5 người trở lên và những ai không giữ khoảng cách đủ 2 mét so với người khác có thể sẽ bị phạt.
Thủ tướng Anh Boris Johnson trong sự thay đổi quan điểm mang tính bước ngoặt tại nước này đã công bố lệnh phong tỏa toàn quốc trong 3 tuần kể từ tối 23-3.
Lệnh phong tỏa bắt buộc mọi người dân Anh phải ở trong nhà, chỉ đi ra ngoài khi đi mua thực phẩm cần thiết, đến hiệu thuốc, đến cơ quan làm những việc không thể làm được tại nhà.
Nga là một trong những quốc gia đưa ra những biện pháp mạnh mẽ bậc nhất nhằm hạn chế tới mức thấp nhất sự lây lan của dịch Covid-19. Một trong những biện pháp đó là việc gấp rút soạn thảo một đạo luật cho phép phạt nặng đối với những người vi phạm quy định cách ly phòng chống dịch Covid-19.
Nếu được Duma Quốc gia (Hạ viện) xem xét thông qua vào ngày 31-3 tới, những người vi phạm có thể bị phạt từ 500.000 rubble (6.400 USD) tới 2 triệu rubble (25.700 USD); nếu người vi phạm khiến 1 người tử vong hay cố ý lây nhiễm sang nhiều người có thể phải đối mặt với 5 năm tù giam, thậm chí lên 7 năm tù giam nếu khiến hơn 2 người tử vong.
Là quốc gia bị ảnh hưởng nghiêm trọng nhất thế giới về số ca mắc với hơn 74 nghìn bệnh nhân và số người tử vong nhiều nhất với hơn 7.500 người (tính tới cuối ngày 26-3), Italia đã áp đặt lệnh hạn chế đi lại đối với rất nhiều thành phố, những người muốn ra vào phải xin giấy phép đặc biệt.
Các đối tượng nhiễm và nghi nhiễm Covid-19 bị buộc phải cách ly, nếu cố tình vi phạm sẽ phải đối mặt với mức phạt tiền rất nặng và có thể đối mặt với mức án 3 tháng tù giam.
Cần phải xử lý nghiêm khắc thích đáng mọi đối tượng tìm cách trốn cách ly phòng chống dịch Covid-19
Lập phòng tuyến vững chắc
Phòng chống, ngăn chặn đại dịch Covid-19 lây lan cũng là nhiệm vụ quan trọng bậc nhất tại nước ta lúc này.
Chúng ta đã sớm vào cuộc quyết liệt và rất mạnh mẽ theo tinh thần và phương châm xuyên suốt “chống dịch như chống giặc” được người đứng đầu Chính phủ - Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đặt ra ngay từ đầu.
Chúng ta cũng đã áp dụng mọi biện pháp có thể, ở mức rất cao để ngăn chặn dịch Covid-19, trong đó chấp nhận hy sinh lợi ích kinh tế.
Từ việc sớm đóng cửa các trường học trên toàn quốc, tạm dừng không cho người nước ngoài nhập cảnh, tới tạm dừng các hoạt động kinh doanh dịch vụ không thiết yếu cho tới hạn chế tụ tập từ 20 người trở lên, buộc tất cả những người trở về từ vùng dịch phải cách ly tập trung; cách ly mọi trường hợp nhiễm bệnh và tiếp xúc gần với người nhiễm bệnhh.
Có thể nói cả hệ thống chính trị nước ta, mọi người dân đã vào cuộc với quyết tâm, nỗ lực cao nhất để thiết lập một trận tuyến chống “giặc” Covid-19. Trận tuyến này nếu kết thành một khối vững chắc, không có kẽ hở, chúng ta nhất định sẽ chiến thắng đại dịch này.
Cả đất nước, mỗi người chúng ta đều nỗ lực, chung sức đồng lòng xây dựng trận tuyến vững chắc chiến đấu với đại dịch Covid-19.
Tuy nhiên, trong cuộc chiến cam go và phức tạp này có những dấu hiệu, hành vi, động thái mà có thể nếu không kịp thời xử lý có thể tạo thành những vết nứt, lỗ hổng trên phòng tuyến chống dịch.
Đó là những thông tin sai lệch, thất thiệt, thậm chí bịa đặt về dịch bệnh Covid-19 gây hoang mang, lo lắng làm ảnh hưởng, phân tán sức mạnh thống nhất.
Đó là những lời lẽ, hành vi không đúng mực, chỉ vì cá nhân ích kỷ làm phiền lòng cả hệ thống, nhất là lực lượng trên tuyến đầu chống dịch đang phải đương đầu với những khó khăn, vật vả và cả hiểm nguy.
Công sức của cả đất nước, muôn triệu người dân xây đắp trận tuyến vững chắc chống đại dịch Covid-19 rất có thể bị ảnh hưởng không nhỏ chỉ bởi một số ít cá nhân vô ý thức, thiếu trách nhiệm, chỉ bo bo lợi ích cá nhân.
Những trường hợp cố tình trốn tránh việc cách ly như trường hợp bệnh nhân số 17, 34, cố tình khai báo gian dối; cô gái ở Hà Nội trốn cách ly leo lên máy bay để sang Anh; hay đặc biệt lo ngại là những người biết mình mắc bệnh đang phải cách ly vẫn cố tình đi gặp gỡ, tiếp xúc ngoài cộng đồng... có thể là những con virus tai hại tạo ra những lổ hổng trong trận chiến chống đại dịch Covid-19.
Muốn cuộc chiến chống đại dịch Covid-19 đi tới thắng lợi cuối cùng, chúng ta không được phép để hình thành bất kỳ lỗ hổng hay vết nứt nào trong phòng tuyến của cả đất nước.
Xử lý nghiêm minh, thích đáng mọi hành vi, đối tượng cản trở hay gây nguy hại cho cuộc chống dịch Covid-19 là việc rất cần thiết, phải làm ngay với sự cứng rắn nhất.