BÌNH LUẬN: Barcelona - Nghệ sĩ trên ‘sân khấu hài’

Phi Phong |

Nếu thị trường chuyển nhượng là một sàn diễn, Barcelona được ví như “nghệ sĩ hài” xuất sắc…

Antoine Griezmann rốt cuộc cũng phải rời Barcelona nhưng theo cách gây sốc hơn

Antoine Griezmann rốt cuộc cũng phải rời Barcelona nhưng theo cách gây sốc hơn

Trong những diễn biến cuối cùng của mùa chuyển nhượng Hè 2021, Barcelona là một trong những đóng góp tích cực nhất. Thế nhưng, những hoạt động của họ lại chỉ được nhìn nhận ở một góc độ… khó hiểu, ngay cả khi nếu theo tính toán, việc mua bán của họ là có lãi (tiêu 14,5 triệu euro, thu 53,8 triệu euro – số liệu theo Transfermarkt).

Đây là mùa Hè Lionel Messi chính thức chia tay Barca, nhưng chuyện này sẽ trở lại ở phần dưới. Hành động được bàn luận nhiều nhất của Barca là quyết định để Antoine Griezmann trở lại Atletico Madrid theo dạng cho mượn.

Trong hợp đồng, 2 đội có điều khoản cho phép đội bóng Thủ đô Madrid “phải mua lại” tiền đạo người Pháp vào mùa Hè năm sau với mức phí 40 triệu euro (hợp đồng mượn mùa này là 10 triệu euro).

Nếu nhìn vào thống kê của Grizi qua 3 trận đấu tại Liga mùa này – 0 bàn thắng, 0 kiến tạo, 0 sút trúng đích, cùng mức lương 21 triệu euro/năm thì việc đẩy anh đi khỏi sân Camp Nou là một nước cờ đúng đắn. Nhưng giới chuyên môn và mạng xã hội thì lại nghĩ khác.

Ở đây, nếu thị trường chuyển nhượng là một sàn diễn, Barca được ví như “nghệ sĩ hài” xuất sắc bậc nhất và đã thể hiện từ vài năm qua chứ không phải lúc này. Từ năm 2018, Barca đã thèm khát Griezmann nhưng chỉ có thể giành được anh vào năm 2019 khi kích hoạt điều khoản giải phóng 120 triệu euro.

2 năm của Griezmann ở xứ Catalunya có gì thì tất cả đã biết, để bây giờ, tân Chủ tịch Joan Laporta lại “tống khứ” anh đi theo cách lòng vòng như vậy. Cựu tiền đạo Real Sociedad chỉ là phần tiếp theo của câu chuyện hài ở Barca sau cách xử lý vấn đề với Philippe Coutinho và Luis Suarez dưới thời cựu Chủ tịch Josep Maria Bartomeu.

Năm 2018, thúc giục Coutinho nổi loạn để rời Liverpool, nhưng tới sân Camp Nou, cầu thủ người Brazil chỉ là cái bóng mờ với những ảnh hưởng bởi chấn thương và mất phong độ. Mùa giải 2019-20, Barca cho Bayern Munich mượn và điều trớ trêu xảy ra khi chính Coutinho ghi 2 bàn trong chiến thắng 8-2 của đội bóng Đức ở Champions League.

BÌNH LUẬN: Barcelona - Nghệ sĩ trên ‘sân khấu hài’ - Ảnh 1.

Luis Suarez và Philippe Coutinho là "2 cú đấm" trời giáng với Barca gần đây

Sau khi giành cú ăn ba với Bayern, Coutinho trở lại ở mùa 2020-21, nhưng chưa được bao lâu lại chấn thương và sớm chia tay mùa giải.

Cũng trong mùa Hè 2020, lần đầu tiên Messi lên tiếng đề nghị được ra đi. Sau đó anh đổi ý và ở lại nhưng phải chứng kiến bạn thân Luis Suarez bị “đá” sang Atletico với giá rẻ như cho.

Chuyện “quả báo” vẫn bám lấy Barca khi mùa vừa qua, Suarez giúp Atletico vô địch La Liga. Không quá nếu cho rằng, nhiều người đang chờ Griezmann lại có được điều gì đó khiến Barca phải bẽ mặt.

Cũng trong ngày cuối của kỳ chuyển nhượng mùa Hè, Barca quyết định bán Emerson Royal – cầu thủ mà họ bỏ 14 triệu euro mua lại từ Real Betis, cho Tottenham, đẩy tiền đạo trẻ mới đôn từ đội B lên là Rey Manaj sang Spezia rồi mượn về tiền đạo Luuk de Jong từ Sevilla và cầu thủ chạy cánh mới 18 tuổi, Yusuf Demir từ Rapid Vienna mà chưa biết khi nào HLV Ronald Koeman mới dùng.

Trước kế hoạch về Griezmann, Barca còn “muối mặt” hỏi mượn Joao Felix nhưng Atletico từ chối, rồi “lao đầu” vào hy vọng về việc Manchester United sẽ nhả Edinson Cavani.

Nhưng rốt cuộc, Culé không khỏi “bàng hoàng” khi nhìn vào bộ ba tấn công của Barca lúc này, với Memphis Depay, Martin Braithwaite và De Jong. Nhưng thôi, đó là chuyện chuyên môn Koeman phải giải quyết, còn bây giờ, trở lại với câu chuyện của Messi.

BÌNH LUẬN: Barcelona - Nghệ sĩ trên ‘sân khấu hài’ - Ảnh 2.

Hành động của Joan Laporta ngày càng khẳng định việc ông không muốn giữ Lionel Messi

Rất nhiều người sẽ tự hỏi rằng, vì sao Laporta chấp nhận “hy sinh” Griezmann vào đúng ngày cuối cùng của kỳ chuyển nhượng mà không phải sớm hơn, khi ông còn rất nhiều cơ hội giữ chân Messi? Trên thực tế, Griezmann đã có trong danh sách cần “thanh lý” – giống Coutinho, Samuel Umtiti. Nhưng đó là thời điểm Laporta không muốn chịu thiệt trong kế hoạch đổi lấy Saul Niguez của Atletico.

Để từ đó, không còn đối tác nào đề cập đến Griezmann hay Coutinho vì phí chuyển nhượng và mức lương quá cao, trong khi Umtiti thì từ chối rời CLB.

Cách giải quyết đó chỉ càng khiến giới chuyên môn củng cố quan điểm Laporta “không muốn giữ Messi” chứ không phải những phát ngôn về quy định quỹ lương của La Liga.

Cần nhắc lại rằng, sau khi Messi ra đi, Gerard Pique đồng ý giảm lương để Barca đăng ký Depay, Eric Garcia và Manaj – cầu thủ mới đem cho mượn. Và mới nhất, các đội trưởng khác là Sergio Busquets, Jordi Alba cũng chấp nhận giảm lương để đăng ký Sergio Aguero – người đến Camp Nou với mong muốn chơi bóng cùng Messi.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại