*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại
Tình hình thế giới ngày 10/2 có nhiều diễn biến quan trọng.
Trước tình trạng số ca nhiễm Covid-19 tăng vài trăm ca/ngày, chính quyền thủ đô Phnom Penh quyết định siết chặt các biện pháp phòng dịch.
Theo đó, 14 quận trong thành phố, các sở và đơn vị trực thuộc thực hiện nghiêm các quy định, trong đó đẩy mạnh tuyên truyền cho người dân về các biện pháp phòng, chống dịch; tại các địa điểm đông người và các nhà hàng, tiệc cưới, không xếp chỗ ngồi quá 7 người/bàn và giữ khoảng cách, thực hiện các biện pháp phòng, chống dịch.
Chủ kinh doanh phải kiểm tra thẻ tiêm phòng của khách hàng. Khách hàng chưa tiêm mũi tăng cường 4 tháng sau khi tiêm đủ liều cơ bản không được ra, vào chỗ công cộng.
Theo tờ USA Today, Mỹ đã vượt qua mốc 900.000 ca tử vong vào cuối tuần vừa rồi và con số này có thể lên 1 triệu người vào tháng 4. Hiện nay, Mỹ có khoảng 2.400 ca tử vong mỗi ngày.
Các chuyên gia y tế cho biết biến thể Omicron lây lan mạnh có thể một phần là nguyên nhân dẫn đến gia tăng số ca tử vong. Tuy nhiên, dữ liệu cho thấy tỷ lệ tử vong ở Mỹ là một trong những tỷ lệ cao nhất trên thế giới và cho thấy vấn đề không chỉ nằm ở đó.
Tỷ lệ tử vong do COVID-19 (tỷ lệ giữa số ca tử vong được xác nhận và số ca mắc được xác nhận) ở Mỹ đã giảm từ 1,63% kể từ đỉnh làn sóng Delta vào ngày 1/9/2021 xuống 1,18% vào ngày 6/2.
Mặc dù tỷ lệ tử vong ở Mỹ trong làn sóng Delta thấp hơn các quốc gia có thu nhập cao khác, nhưng tỷ lệ tử vong hiện nay lại nằm trong nhóm cao nhất. Các chuyên gia y tế lo ngại Mỹ có thể đang tụt lại so với tiến bộ trong cuộc chiến chống COVID-19 của các nước khác.
Đọc toàn bộ bài viết tại đây
Trung Quốc tuyên bố ngừng nhập khẩu thịt bò, sữa và rượu từ Lithuania. Động thái này diễn ra trong bối cảnh mối quan hệ thương mại và địa chính trị giữa hai nước leo thang căng thẳng
Trong một bức thư do cơ quan hải quan Trung Quốc gửi cho Cơ quan Thú y và Thực phẩm quốc gia Lithuania, Bắc Kinh cáo buộc quốc gia Baltic nhỏ bé này đã không cung cấp các chi tiết kỹ thuật để những sản phẩm này được cấp phép vào thị trường Trung Quốc.
"Bất chấp sự thúc giục liên tục từ phía Trung Quốc, Lithuania chỉ gửi tài liệu liên quan đến xuất khẩu thịt bò sang Trung Quốc một lần vào tháng 8/2019 và không gửi bất kỳ tài liệu nào kể từ đó", bức thư viết.
"Về vấn đề này, Trung Quốc đã quyết định tạm dừng các tờ khai nhập khẩu đối với mặt hàng thịt bò và các sản phẩm từ sữa của Lithuania từ ngày 9/2," bức thư nêu rõ.
Cơ quan hải quan Trung Quốc cho biết họ đã nhận được phản ánh từ người tiêu dùng Trung Quốc cho hay "sản phẩm bia của Lithuania xuất khẩu sang Trung Quốc có vấn đề về việc giả mạo ngày sản xuất và hạn sử dụng".
Một nhà ngoại giao Hàn Quốc đã bị thương sau khi bị một "người đàn ông không rõ danh tính" tấn công ở New York, Bộ Ngoại giao Seoul cho biết vào ngày 10/2.
Theo New York Post, quan chức Hàn Quốc bất ngờ bị đấm vào mặt trên vỉa hè ở Manhattan.
"Một nhà ngoại giao liên quan đến phái bộ Hàn Quốc ở Liên Hợp Quốc đã bị một người đàn ông không rõ danh tính tấn công ở trung tâm thành phố Manhattan vào tối ngày 9/2 và bị thương", Bộ Ngoại giao Hàn Quốc cho biết.
Phía Hàn Quốc không cung cấp bất kỳ chi tiết nào về tuổi hoặc giới tính của nạn nhân, với lý do lo ngại về quyền riêng tư.
"Bộ Ngoại giao sẽ thúc giục cảnh sát địa phương tiến hành một cuộc điều tra nhanh chóng và kỹ lưỡng".
Bạo lực nhằm vào người gốc Á đã gia tăng ở Mỹ kể từ khi đại dịch Covid-19 bùng phát vào năm 2020.
Văn phòng của Thái tử Charles thông báo, ông vừa có kết quả xét nghiệm dương tính với SARS-CoV-2, đây cũng là lần thứ hai người thừa kế ngai vàng vương quốc Anh nhiễm Covid-19.
"Sáng nay,Thân vương xứ Wales đã có kết quả xét nghiệm dương tính với SARS-CoV-2 và hiện đang tự cách ly", văn phòng thái tử cho biết hôm 10/2, ông đã hủy các cuộc gặp đã được lên kế hoạch từ trước.
Vào ngày 9/2, ông đã tham dự tiệc chiêu đãi với nhiều khách mời, bao gồm Bộ trưởng tài chính Rishi Sunak và Bộ trưởng y tế Sajid Javid.
Trước đó, Thái tử Charles, 73 tuổi, xét nghiệm dương tính vào tháng 3/2020 với các triệu trứng nhẹ.
Thông qua cơ chế COVAX, Triều Tiên sẽ được nhận 1,54 triệu liều vắc xin Covid-19 trong năm nay, giảm hơn nhiều so với năm ngoái - 8,11 triệu liều.
Theo hãng tin Reuters, việc số liều vắc xin phân bổ cho Triều Tiên giảm đáng kể là do cho đến nay, quốc gia này vẫn chưa tiến hành nhập vắc xin cũng như nhận vắc xin theo cơ chế phân bổ của COVAX.
Năm ngoái, Triều Tiên được cho là từng từ chối lô vắc xin AstraZeneca do COVAX phân bổ. Theo Quỹ Nhi đồng Liên Hợp Quốc, quốc gia Đông Bắc Á này dường như đã từ chối 3 triệu liều vaccine của Sinovac Biotech hồi năm 2021..
Hơn một tuần sau cái chết của tên trùm Abu Ibrahim al-Hashimi al-Qurashi, DailyMail ngày 10/2 dẫn lời 2 quan chức an ninh Iraq và các nhà quan sát tình hình Trung Đông nhận định tổ chức khủng bố khét tiếng IS đang lựa chọn một thủ lĩnh mới.
Hình ảnh được cho là của Abu Yasser al-Issawi, ứng viên vị trí thủ lĩnh mới của IS. Ảnh: Twitter
Theo các quan chức và chuyên gia, có 4 nhân vật "chạy đua" vào vị trí này. Chúng là người đứng đầu các nhánh nhỏ hơn của IS hoặc có quan hệ gần cận với hai thủ lĩnh trước đó của nhóm là Abu Ibrahim al-Hashimi al-Qurashi và Abu Bakr al-Baghdadi.
Đọc toàn bộ bài viết tại đây
Ủy ban Thường trực hỗn hợp về Ngoại giao, Quốc phòng và Thương mại của Quốc hội Australia hôm nay (10/2) vừa khuyến nghị chính phủ nước này không xem xét tư cách thành viên Hiệp định Đối tác toàn diện và Tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP) của Trung Quốc cho đến khi Trung Quốc thể hiện việc tuân thủ các quy tắc thương mại toàn cầu, bao gồm chấm dứt các biện pháp thương mại cưỡng chế đối với Australia và nối lại đàm phán cấp bộ trưởng với nước này.
Theo truyền thông địa phương, Ủy ban hỗn hợp hai đảng lớn nhất trong Quốc hội cũng đề nghị chính phủ Australia phối hợp với các thành viên CPTPP khác khuyến khích Trung Quốc thể hiện cam kết tuân thủ các tiêu chuẩn cao của hiệp định thương mại lớn nhất thế giới trước khi hỗ trợ bắt đầu quá trình gia nhập.
Chủ tịch Ủy ban lưỡng đảng Ted O’Brien tuyên bố, Australia ủng hộ mở rộng CPTPP, nhưng việc kết nạp thêm thành viên không phải là vô điều kiện. Quả bóng hiện đang ở trong sân của Trung Quốc và việc có tham gia hay không là tùy thuộc vào nước này. Chỉ những nền kinh tế cam kết hỗ trợ môi trường thương mại cởi mở, minh bạch, ổn định và sẵn sàng đáp ứng các tiêu chuẩn cao của thỏa thuận mới được xem xét. CPTPP là một trong những hiệp định thương mại toàn diện nhất thế giới và chất lượng của nó phải được duy trì.
Truyền thông quốc tế đưa tin cho biết, hình ảnh vệ tinh viễn thám tại thao trường diễn tập duyệt binh ở phía Bắc sân bay Mirim của Bình Nhưỡng đã phát hiện dấu hiệu tập luyện của một cuộc duyệt binh. Các dấu hiệu này đã được phát hiện từ đầu tháng 1/2022, với ước tính có khoảng 400 đến 2.000 binh sĩ đã tập trung ở khu vực diễn tập. Tuy nhiên, so với các cuộc duyệt binh trước đó, có sự khác biệt đáng kể về quy mô lực lượng.
Các nguồn tin quân sự của Hàn Quốc cho biết, Hàn Quốc đang theo dõi chặt chẽ các chuyển động của Triều Tiên, tuy nhiên, hiện tại không có nhiều nội dung thông tin về việc này.
Theo các chuyên gia phân tích, Triều Tiên có khả năng tổ chức lễ duyệt binh vào ngày sinh lần thứ 110 của ông Kim Nhật Thành – cũng là Lễ hội Mặt trời của Triều Tiên vào tháng 4, chứ không phải là vào dịp sinh nhật lần thứ 80 của ông Kim Chính Nhật – Lễ hội ánh sáng ngày 16/2. Hơn nữa, Lễ hội ánh sáng trùng với thời gian diễn ra Thế vận hội Mùa đông Bắc Kinh nên Triều Tiên sẽ không tổ chức vào thời điểm này.
Bên cạnh đó, chưa có tiền lệ tổ chức một cuộc duyệt binh vào Lễ hội ánh sáng trong 10 năm trở lại đây kể từ khi ông Kim Jong-un lên nắm quyền. Trong khi các cuộc duyệt binh được tổ chức vào Lễ hội Mặt trời lần thứ 100 (2012) và 105 (2017). Lễ hội Mặt trời năm nay vừa tròn 110 năm, là năm chẵn, phù hợp để tổ chức một cuộc duyệt binh.
Ngoài ra, cuộc duyệt binh của Triều Tiên ở mức độ lớn phải mang một tín hiệu chính trị cho thế giới bên ngoài. Do đó, cuộc duyệt binh lần này nhiều khả năng sẽ được tổ chức khi mà cuộc tập trận chung giữa Mỹ và Hàn Quốc đang được xem xét kéo dài đến tháng 4 năm nay./.
Hãng RT đưa tin, Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky hôm 8/2 đã lên tiếng thừa nhận "sự thật đắng lòng" rằng không có quốc gia châu Âu nào có thể khiến Nga thay đổi đường lối của mình.
Cụ thể, trong nhận định được đưa ra sau cuộc gặp với Tổng thống Pháp Emmanuel Macron tại Kiev, nhà lãnh đạo Ukraine cho biết ông cho rằng Moskva không hề cảm thấy áp lực từ bất kỳ quốc gia nào khác trên lục địa châu Âu.
"Tôi không biết có quốc gia nào ở châu Âu có khả năng gây áp lực nặng nề lên Nga", Tổng thống Zelensky nói.
Căng thẳng giữa Ukraine và Nga đang tiếp tục tăng cao khoảng thời gian gần đây. Các nước phương Tây đã cáo buộc Moscow điều 100.000 quân đến gần biên giới Kiev và chuẩn bị tấn công nước này.
Thủ tướng Anh sẽ đề xuất triển khai thêm binh sĩ tới sát biên giới Nga, cũng như điều động chiến đấu cơ và tàu chiến hỗ trợ NATO đảm bảo an ninh.
Trong cuộc họp với Tổng thư ký NATO Jens Stoltenberg vào hôm nay (10/2), Thủ tướng Anh Boris Johnson sẽ đưa ra đề xuất tăng cường sự hiện diện của quân đội Anh tại các cửa ngõ của Nga. Cụ thể, Anh sẽ đề nghị liên minh quân sự NATO do Mỹ đứng đầu tăng cường số lượng binh sĩ Anh ở Estonia, triển khai thêm các chiến đấu cơ của Không quân Hoàng gia Anh tới Nam Âu, cũng như điều động dàn chiến hạm của Hải quân Hoàng gia Anh tới phía đông Địa Trung Hải.
Chiến lược gia kỳ cựu David Roche đã dự đoán rằng dầu sẽ "chắc chắn" đạt 120 USD/thùng và nền kinh tế toàn cầu sẽ "thay đổi hoàn toàn" nếu Nga tấn công Ukraine.
Moscow luôn phủ nhận kế hoạch xâm lược nước láng giềng Ukraine nhưng hiện tại, phương Tây cáo buộc 130.000 binh sĩ, xe tăng, tên lửa và thậm chí cả nguồn cung máu đều đã được Nga đưa tới biên giới với Ukraine. Điện Kremlin luôn yêu cầu Ukraine không được phép gia nhập NATO.
Trong cuộc trao đổi với CNBC, chiến lược gia Roche gọi sự không chắc chắn về các bước đi tiếp theo của Nga chính là "bóng ma", một thứ có khả năng phá vỡ một cách có hệ thống thị trường toàn cầu, đặc biệt là dầu mỏ và khí đốt.
"Nếu Nga tấn công Ukraine, phương Tây chắc chắn sẽ trả đũa bằng các biện pháp trừng phạt kinh tế, ngoại hối hoặc ngăn chạn Moscow xuất khẩu hàng hóa, trong đó chủ lục là dầu khí và than đá. Tôi nghĩ nếu bối cảnh đó xảy ra, bạn sẽ thấy giá dầu vọt lên mức 120 USD/thùng", ông Roche nói.
Ở thời điểm hiện tại, dầu Brent giao tháng 4 đang được giao dịch ở mức 90,5 USD/thùng. Tuy nhiên, xu thế tăng của giá dầu diễn ra nhiều tuần qua và đã không còn giá dưới 80 USD/thùng kể từ đầu năm 2022.
Đọc toàn bộ bài viết tại đây
Một trận bão địa từ xuất phát từ đợt bùng phát bức xạ Mặt trời đã làm hỏng ít nhất 40 trong tổng số 49 vệ tinh mà hãng SpaceX mới phóng lên quỹ đạo để tạo thành mạng viễn thông internet Starlink, công ty cho biết.
5 vệ tinh của SpaceX được chụp tại Đan Mạch vào ngày 21/4/2020. (Ảnh: Reuters)
Sự cố này được cho là thiệt hại lớn nhất đối với các vệ tinh trong một sự kiện địa từ và chưa từng xảy ra trước đây, nhà vật lý thiên văn học Jonathan McDowell tại trung tâm vật lý thiên văn Harvard-Smithsonian cho biết ngày 9/2.
Thông báo trên trang web của công ty nói rằng những vệ tinh này trục trặc từ ngày 8/2, một ngày sau khi được phóng lên quỹ đạo thấp, cách Trái đất khoảng 210km.
Một quan chức Nhà Trắng cho biết Washington đang liên tục đánh giá tình hình an ninh và chuẩn bị các kế hoạch dự phòng nhưng chưa có kế hoạch sơ tán quy mô lớn công dân Mỹ khỏi Ukraine.
Tờ Wall Street Journal trước đó đưa tin, Nhà Trắng đã thông qua kế hoạch để quân đội Mỹ ở Ba Lan hỗ trợ việc sơ tán công dân Mỹ ở Ukraine. Theo tờ báo này, một số binh sỹ Mỹ sẽ bắt đầu thiết lập các trạm kiểm soát và các cơ sở khác ở biên giới Ba Lan với Ukraine nhằm phục vụ cho việc sơ tán công dân Mỹ.
Chính quyền Tổng thống Joe Biden đã nhiều lần khuyến khích các công dân Mỹ ở Ukraine sử dụng các chuyến bay thương mại để rời khỏi nước này trước khả năng Nga xâm lấn Ukraine ngày càng gia tăng. Bộ Ngoại giao Mỹ đã khuyến cáo công dân Mỹ không tới Ukraine do các hoạt động quân sự của Nga và tỷ lệ lây nhiễm Covid-19 cao. Bộ Ngoại giao Mỹ tháng trước cũng đã yêu cầu gia đình các nhân viên đại sứ quán Mỹ ở Kiev rời khỏi Ukraine./.
Theo dữ liệu mới nhất từ Ngân hàng Trung ương Nga, Nga hiện nắm giữ lượng vàng dự trữ nhiều hơn so với USD. Đây là một lời cảnh báo đối với Mỹ rằng Nga sẵn sàng mạo hiểm phi đô la hóa nền kinh tế của mình.
Kể từ năm 2014, Nga đã giảm nắm giữ USD, thay vào đó tích lũy vàng và các loại tiền tệ không phải của Mỹ, đặc biệt là đồng Euro.
Tính đến ngày 28.1.2022, dự trữ ngoại hối của Nga đạt khoảng 634 tỉ USD, là mức dự trữ ngoại hối lớn thứ 4 thế giới. Trong số này, đồng Euro chiếm 33%, vàng chiếm 23%, USD chiếm 22%, đồng nhân dân tệ của Trung Quốc chiếm khoảng 12%.
Dự trữ quốc tế của Nga đã đạt mức lịch sử. Nước này đang đầu tư vào các tài sản như vàng và ngoại tệ trong bối cảnh nền kinh tế ngày càng bất ổn, với lạm phát tăng vọt sau đợt vay nợ toàn cầu.
Ngày 9-2, báo South China Morning Post dẫn lời ông He Qing Hua thuộc Ủy ban Y tế quốc gia Trung Quốc nhận định tình hình dịch ở Bách Sắc đang trong giai đoạn "tăng nhanh" và có khả năng lan sang các thành phố khác.
Người dân ở thành phố Bách Sắc, Trung Quốc, xét nghiệm COVID-19 - Ảnh: SCMP
Trong ngày 8-2, thành phố này ghi nhận thêm 72 ca mắc COVID-19 mới, nâng tổng số ca kể từ cuối tuần qua lên 180. Hầu hết các ca mắc là người cùng một làng.
"Do thời gian lây truyền nhiễm ngầm trong cộng đồng đã lâu, mọi người đi nhiều nơi, và đi lại nhiều trong dịp Tết Nguyên đán nên nguy cơ lây lan tiếp tương đối cao", ông He nói. Theo quan chức y tế này, ưu tiên hiện nay là xác định những người có nguy cơ lây nhiễm cao, xét nghiệm để tìm các nguồn dịch càng sớm càng tốt.
Trung Quốc đã phong tỏa thành phố Bách Sắc từ ngày 7-2, trong đó người dân bị cấm rời khỏi thành phố và không được ra khỏi nhà tại một số khu vực.
New York Times dẫn các nguồn thạo tin hôm 8/2 cho biết, công ty đa quốc gia Johnson & Johnson của Mỹ đã dừng sản xuất vaccine ngừa Covid-19 từ cuối năm ngoái, trong bối cảnh chính phủ liên bang và giới chức y tế vẫn đang thúc đẩy mạnh mẽ chiến dịch tiêm chủng.
Việc dừng sản xuất vaccine của Johnson & Johnson được cho là quyết định tạm thời, nhưng một nhà máy sản xuất vaccine ở thành phố Leiden của Hà Lan đã chuyển trọng tâm sang sản xuất loại vaccine có khả năng sinh lời cao hơn cho một loại virus không liên quan đến SARS-CoV-2.
Hiện không rõ liệu việc tạm dừng sản xuất có ảnh hưởng đến nguồn vaccine sẵn có tại Mỹ hay không, vì Johnson & Johnson vẫn có một kho dự trữ vaccine. Tuy nhiên, một nguồn tin cho biết động thái này có thể dẫn đến việc giảm vài trăm triệu liều vaccine.
Các tổ chức phân phối vaccine trên toàn thế giới nói với New York Times rằng họ không biết thông tin về việc Johnson & Johnson tạm dừng sản xuất vaccine. Một số tổ chức bày tỏ lo ngại về việc hãng dược dừng sản xuất vaccine vào thời điểm này.