Mới đây, bà Thiệu, 92 tuổi, ở phường Cổ Thành, thành phố Lâm Hải, tỉnh Chiết Giang, Trung Quốc, bỗng nhận được cuộc gọi từ một đầu số lạ. Đối phương tự xưng là cháu rể gọi điện hỏi thăm bà cụ.
Nghe giọng nói quen thuộc, bà Thiệu cảm thấy rất vui bởi người cháu này vốn ở xa và rất bận rộn nên ít khi về thăm bà. Cả hai bình thường cũng chỉ thỉnh thoảng trò chuyện qua điện thoại. Tuy nhiên lần gọi này, cháu rể bỗng đổi số điện thoại khiến bà Thiệu có chút bất ngờ.
Sau cuộc gọi hỏi thăm đó, ngày hôm sau, "cháu rể" tiếp tục gọi điện cho bà Thiệu, cho biết anh đang cần gấp 100.000 NDT (hơn 350 triệu NDT) để giải quyết công việc nên muốn nhờ bà giúp đỡ. Dù chưa thực sự tin tưởng người ở đầu dây bên kia là cháu rể của mình, thế nhưng dưới sự thúc giục của đối phương, bà Thiệu vẫn đồng ý đưa cho "người cháu" này mượn 50.000 NDT ( hơn 175 triệu đồng) trước.
Vì đang bận xử lý công việc, người cháu này đã nhờ bạn của mình đến tận nhà để đưa bà cụ đi rút tiền. Ngay sau khi tiền được lấy đi, bà Thiệu bỗng nhận được cuộc gọi từ cảnh sát, thông báo rằng phía ngân hàng nghi ngờ bà cụ có thể là nạn nhân của một vụ lừa đảo trực tuyến nên đã yêu cầu bà cụ này đến ngay đồn cảnh sát Cổ Thành để làm rõ sự việc.
Cảnh sát sau khi tiếp nhận những thông tin từ cụ bà 92 tuổi này đã phán đoán rằng trong vụ việc này, kẻ lừa đảo đã sử dụng công nghệ AI để giả dạng giọng nói để "gài bẫy" nạn nhân và thực hiện hành vi chiếm đoạt tài sản.
Đúng lúc đó, điện thoại của bà Thiệu lại reo lên, màn hình hiện thị cuộc gọi từ “cháu rể”. Cảnh sát biết kẻ lừa đảo tiếp tục liên hệ với bà Thiệu để lấy nốt 50.000 NDT còn lại nên đã tương kế tựu kế, cùng bà cụ này diễn một vở kịch để tóm gọn chúng.
Theo chỉ dẫn của cảnh sát, bà Thiệu nhận cuộc điện thoại từ "cháu rể" và thống nhất với người này về thời gian và địa điểm đưa tiền. Cùng lúc đó, cảnh sát cũng nhanh chóng điều động lực lượng triển khai kế hoạch hành động. Theo kế hoạch, họ bố trí người phục kích ở tầng trên, cửa trước, cửa sau và xung quanh nhà bà Thiệu. Để tránh bị nghi ngờ, tất cả cảnh sát đều mặc thường phục và chờ kẻ tình nghi xuất hiện.
Không lâu sau đó, chuông cửa nhà bà Thiệu vang lên. Khi bà cụ 92 tuổi này mở cửa, một người đàn ông trung niên đã đứng sẵn ở trước nhà. Tuy nhiên, người này tỏ vẻ vô cùng cảnh giác, không chịu vào nhà dù được bà Thiệu mời vào.
Lúc này, đội cảnh sát mặc thường phục đang phục kích gần đó đã nhìn thấy đối tượng. Họ âm thầm tiếp cận người này từ phía sau. Thế nhưng, đối tượng này lập tức cảm thấy có điều gì đó không ổn nên đã bỏ chạy. Thấy vậy, cảnh sát từ tứ phía cũng chạy ra và truy đuổi. Kết quả là khi đối tượng này chưa chạy hết con phố đã bị cảnh sát bắt giữ.
Tại đồn cảnh sát, trước những bằng chứng thuyết phục được cảnh sát đưa ra, đối tượng trên cuối cùng cũng thừa nhận là đồng phạm trong vụ lừa đảo trực tuyến. Người này cũng khai nhận rằng nhiệm vụ của anh ta là giúp kẻ chủ mưu rút tiền và nhận tiền từ bà cụ 92 tuổi.
Sau đó, kẻ mạo danh là "cháu rể" của bà Thiều sau đó cũng bị cảnh sát bắt giữ. Số tiền 50.000 NDT bị mất trước đó được hoàn trả lại cho bà Thiều. Bà cụ này cũng được cảnh sát trao thư khen khi đã nhiệt tình phối hợp và hỗ trợ lực lượng chức năng điều tra, bắt giữ tội phạm lừa đảo.
Qua vụ việc này, cảnh sát khuyên mọi người nên quan tâm hơn tới những thành viên lớn tuổi trong gia đình bởi họ là nhóm đối tượng dễ bị tổn thương và thường trở thành mục tiêu của bọn tội phạm. Cảnh sát cũng nhắc nhở người dân nên nâng cao cảnh giác với những thủ đoạn tinh vi của những đối tượng lừa đảo trực tuyến. Khi phát hiện các trường hợp có dấu hiệu lừa đảo, người dân cần báo ngay cho cơ quan chức năng nơi gần nhất để kịp thời xử lý. Đặc biệt, không nên tự ý chuyển tiền sang tài khoản lạ để tránh những mất mát đáng tiếc.