Biến động tại Trung Đông đóng băng tuyến đường thương mại tham vọng của Mỹ

Hà Linh |

Kế hoạch sâu rộng của Mỹ nhằm hướng thương mại Âu-Á qua Trung Đông đang đứng trước nguy cơ bị đình trệ trước cả khi được triển khai.

Tuyến đường thương mại tham vọng

Biến động tại Trung Đông đóng băng tuyến đường thương mại tham vọng của Mỹ- Ảnh 1.

Thủ tướng Ấn Độ Narendra Modi (giữa), Tổng thống Mỹ Joe Biden (phải) và Thủ tướng Saudi Arabia, Thái tử Mohammed bin Salman tại phiên họp của Hội nghị thượng đỉnh G20 ở New Delhi, Ấn Độ, ngày 9/9/2023. Ảnh: AFP/TTXVN

Xung đột Israel-Hamas đã ngăn chặn tiến độ Hành lang Kinh tế Ấn Độ-Trung Đông-châu Âu (IMEC). Đó là dự án được Mỹ và các đồng minh đưa ra vào năm 2023 nhằm xây dựng các tuyến đường sắt mới trên bán đảo Arab.

Khi các cuộc tấn công của lực lượng Houthi làm gián đoạn hoạt động vận tải ở Biển Đỏ và tình trạng hỗn loạn lan rộng khắp khu vực, IMEC rơi vào cảnh đóng băng. Trang Bloomberg cho rằng đó là một bước thụt lùi đối với chiến lược của Mỹ, vì kế hoạch này phục vụ nhiều mục đích: đối trọng với "Vành đai, Con đường" của Trung Quốc, xây dựng ảnh hưởng ở Global South (nhóm các quốc gia đang phát triển tại châu Phi, Mỹ Latinh và châu Á) và đẩy nhanh tiến trình nối lại quan hệ giữa Israel và Saudi Arabia.

Bà Romana Vlahutin, cựu đặc phái viên của Liên minh châu Âu (EU) và hiện là thành viên của Quỹ Marshall Đức, đánh giá: “Đây là dự án khiến Iran, Trung Quốc, Nga thậm chí cả Thổ Nhĩ Kỳ lo lắng. Đó cũng là bằng chứng hàng đầu về tầm quan trọng chiến lược của dự án”.

Khi được hỏi liệu xung đột khu vực có khiến dự án dừng lại hay không, người phát ngôn Hội đồng An ninh Quốc gia Mỹ John Kirby cho biết trong một cuộc họp ngày 23/1 rằng những nỗ lực đặt nền móng cho dự án vẫn đang diễn ra.

Ông Kirby nói: “Mặc dù chủ yếu xoay quanh hệ thống đường sắt, nhưng sẽ có cả trung tâm hậu cần và bền vững trên tuyến đường, đồng thời mang đến cơ hội cải thiện cơ sở hạ tầng và việc làm. Đó là quá trình kéo dài nhiều năm”.

IMEC được củng cố tại Nhóm các nền kinh tế phát triển và mới nổi (G20) vào tháng 9/2023, qua cái bắt tay ba bên giữa Tổng thống Mỹ Joe Biden, Thủ tướng Ấn Độ Narendra Modi và Thái tử Saudi Arabia Mohammed bin Salman.

Trọng tâm của IMEC là tuyến đường sắt mới sẽ kết nối với mạng lưới vận tải đường biển và đường bộ hiện có. Ông Biden gọi đây là “khoản đầu tư khu vực có thể thay đổi cuộc chơi”.

Các nhà phân tích cũng coi dự án này là một bước tiến tới hiệp ước giữa Israel và Saudi Arabia. Tại Diễn đàn Kinh tế Thế giới tại Davos, Thụy Sĩ vào tuần trước, Cố vấn An ninh Quốc gia Mỹ Jake Sullivan cho biết cách tiếp cận của Washington là hướng tới một thỏa thuận liên quan đến bình thường hóa quan hệ giữa Israel và các quốc gia Arab chủ chốt cũng như giải pháp chính trị cho người Palestine. Ông nhấn mạnh đó là mục tiêu của Mỹ trước ngày 7/10/2023.

Dự án chỉ nằm trên giấy?

Biến động tại Trung Đông đóng băng tuyến đường thương mại tham vọng của Mỹ- Ảnh 2.

Lực lượng Bảo vệ Bờ biển Yemen tuần tra trên Biển Đỏ ngày 4/1. Ảnh: AFP/TTXVN

Diễn biến tại Trung Đông khiến IMEC đột ngột dừng lại. Tuyến đường thương mại dài khoảng 4.800 km này đi qua các quốc gia vốn đang trong tình trạng cảnh giác cao độ đề phòng bị cuốn vào cuộc chiến.

Người dân Arab đang rất bất bình về con số người dân thường thiệt mạng ở Gaza. Điều này đồng nghĩa với việc chính phủ của những quốc gia tham gia IMEC như Các Tiểu vương quốc Arab Thống nhất (UAE) phải hành động cẩn trọng. Trong khi đó, Saudi Arabia đang không chấp nhận thỏa thuận với Israel trừ khi có một con đường rõ ràng để thành lập nhà nước Palestine.

Tuy nhiên, Bloomberg nhận định IMEC có thể đã sụp đổ ngay cả khi không có xung đột ở Trung Đông. Ông Craig Singleton, thành viên cấp cao tại "Foundation for Defense of Democracies" (Tổ chức Bảo vệ Dân chủ) đánh giá mặc dù IMEC có vẻ nhiều hứa hẹn trên giấy tờ, nhưng những yếu tố phức tạp trong khu vực luôn đặt ra thách thức trong việc triển khai.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại