Căng thẳng trên Biển Đông tiếp tục trở thành đề tài nóng bỏng giữa Mỹ và Trung Quốc trong những ngày qua. Sau khi, Trung Quốc có các hành vi xâm lấn, gây hấn tại đây, Mỹ bắt đầu có những động thái phản đối.
Tại đây, học giả của Mỹ và Trung Quốc đã có cuộc tranh luận về những hành động của hai bên.
"Mỹ cần phải liên tục qua lại các vùng biển bị tranh chấp trên toàn cầu, chứ không phải một lần duy nhất ở Biển Đông", Đô đốc Scott Swift, cựu chỉ huy Hạm đội Thái Bình Dương của Mỹ phát biểu tại hội thảo.
Động thái đưa tàu đến Biển Đông là thông điệp cứng rắn mà Washington gửi đến Bắc Kinh.
Không chỉ đưa máy bay, tàu chiến đến thực hiện nhiệm vụ tự do hàng hải ở Biển Đông, các cuộc tập trận liên tục của Mỹ với các đối tác trong khu vực cũng được coi là động thái thách thức Trung Quốc.
Niềm tin sai lầm của Trung Quốc
Các động thái gây hấn hung hăng của Trung Quốc trong năm nay ở Biển Đông đã đưa tình hình rơi vào vùng xám xung đột, các học giả tại hội thảo của CSIS có chung nhận định.
Những hành động đó bao gồm việc tàu Trung Quốc đâm tàu cá Philippines gần đây, hay việc Trung Quốc đưa nhóm tàu khảo sát Hải Dương 8 vi phạm vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa Việt Nam ở khu vực phía Nam Biển Đông.
Động thái này của Trung Quốc đã vấp phải sự phản ứng cứng rắn từ Việt Nam. Theo người phát ngôn bộ Ngoại giao Lê Thị Thu Hằng, Việt Nam đã có nhiều hình thức giao thiệp, ngoại giao phù hợp, trao công hàm phản đối cho phía Trung Quốc, yêu cầu rút ngay khỏi vùng đặc quyền kinh tế đang vi phạm.
Trả lời trước câu hỏi vì sao Trung Quốc đẩy mạnh các động thái khiêu khích ở Biển Đông, ông Greg Poling, giám đốc Sáng kiến minh bạch hàng hải châu Á của CSIS cho rằng, điều đó xuất phát từ việc Bắc Kinh có niềm tin họ "có thể khuất phục được các nước khác".
Tuy nhiên, Trung Quốc đã sai lầm khi vấp phải sự đấu tranh bảo vệ chủ quyền quyết liệt của các quốc gia trong khu vực.
Các học giả CSIS cho rằng, các nước liên quan cần đưa ra những thông điệp rõ ràng và có những thay đổi về chính sách đối phó thích hợp hơn nhằm ngăn chặn tham vọng của Trung Quốc.
Về phần mình, người phát ngôn bộ Ngoại giao Lê Thị Thu Hằng nêu rõ, "Việt Nam kiên quyết, kiên trì bảo vệ chủ quyền, quyền chủ quyền và quyền tài phán như đã được xác lập tại công ước của Liên Hợp Quốc về Luật Biển 1982 bằng các biện pháp hòa bình trên cơ sở luật pháp quốc tế".
Người phát ngôn cho hay, các lực lượng chức năng của Việt Nam triển khai các biện pháp phù hợp, đúng pháp luật; duy trì hòa bình, ổn định, đảm bảo tự do hàng không, hàng hải, đề cao thượng tôn pháp luật, tôn trọng chủ quyền, quyền chủ quyền và quyền tài phán của các quốc gia như được xác lập tại công ước Liên Hợp Quốc về Luật Biển năm 1982 là lợi ích và trách nhiệm chung của các nước và cộng đồng quốc tế.
"Việt Nam hoan nghênh và sẵn sàng cùng các nước và cộng đồng quốc tế nỗ lực đóng góp vào mục tiêu nói trên vì hòa bình , ổn định, hợp tác và phát triển với tất cả các quốc gia trong khu vực và trên thế giới", người phát ngôn cho biết.