Vô số hệ lụy của biến đổi khí hậu đã được nhắc tới như hiện tượng băng tan, nước biển dâng nhấn chìm các vùng đất ven biển, những vụ thiên tai có khả năng tàn phá trên quy mô lớn như động đất, sóng thần và hạn hán. Đây đều là những nguy cơ nghiêm trọng đe dọa đến sự tồn vong của con người.
Nhưng biến đổi khí hậu lại đang tàn phá loài người theo một cách âm thầm và lặng lẽ hơn. Từ nhiều thế kỷ nay, nhiều thế hệ nhà khoa học đã đặt ra các giả thuyết về mối liên hệ giữa nhiệt độ môi trường và năng lực tinh thần, năng suất lao động cũng như tâm tính của loài người.
Trong thế kỷ XXI, khoa học hiện đại đang dần chỉ ra rằng những giả thuyết này không phải hoàn toàn không có cơ sở.
Triết gia Pháp thế kỷ XVII Montesquieu đã đề xướng ra một học thuyết khí hậu theo đó khẳng định khí hậu có ảnh hưởng mạnh mẽ tới bản chất con người và xã hội. Theo ông, các kiểu khí hậu có mức độ ưu việt khác nhau và đây cũng là một yếu tố quyết định mức độ phát triển của xã hội chịu ảnh hưởng bởi những kiểu khí hậu đó.
Montesquieu cho rằng, người dân sống ở các nước nhiệt đới tính tình dễ nóng nảy, còn người sống ở các nước hàn đới phương bắc thì cứng nhắc, lạnh lùng. Theo ông, Trung Âu là khu vực có khí hậu tối ưu, bởi vậy các quốc gia tại khu vực này có điều kiện phát triển lý tưởng nhất.
Triết gia Pháp thế kỷ XVII Montesquieu đã đề xướng ra một học thuyết khí hậu theo đó khẳng định khí hậu có ảnh hưởng mạnh mẽ tới bản chất con người và xã hội. Theo ông, các kiểu khí hậu có mức độ ưu việt khác nhau và đây cũng là một yếu tố quyết định mức độ phát triển của xã hội chịu ảnh hưởng bởi những kiểu khí hậu đó.
Triết gia Pháp thế kỷ XVII Montesquieu đã đề xướng ra một học thuyết khí hậu theo đó khẳng định khí hậu có ảnh hưởng mạnh mẽ tới bản chất con người và xã hội. Theo ông, các kiểu khí hậu có mức độ ưu việt khác nhau và đây cũng là một yếu tố quyết định mức độ phát triển của xã hội chịu ảnh hưởng bởi những kiểu khí hậu đó.
Tiến sĩ Philip Parker, một nhà kinh tế học nổi tiếng đương thời, tán thành học thuyết này và lập luận rằng sự khác biệt về trình độ phát triển kinh tế giữa các quốc gia có nguyên do từ tác động sinh lý của các kiểu khí hậu khác nhau.
Dù sau hơn 2 thế kỷ, học thuyết khí hậu của Montesquieu còn gây rất nhiều tranh cãi, nhưng khoa học hiện đại cũng đã và đang làm sáng tỏ nhiều luận điểm của ông trong bối cảnh biến đổi khí hậu đang diễn ra mạnh mẽ và con người đang ngày càng đóng vai trò gây ra những tác động không thể đảo ngược đối với tiến trình này.
Người sáng lập trang thông tin về sức khỏe tâm thần lớn nhất thế giới psychcentral.com, bác sĩ tâm lý học John Grohol đã tổng hợp một số nghiên cứu được tiến hành trong những năm gần đây về tác động của các đợt nắng nóng lên tâm lý và hành vi của con người.
Kết quả từ những nghiên cứu này cho thấy trong mùa nắng nóng, nhiệt độ cao có thể là nguyên nhân của hàng loạt trạng thái tâm lý và hành vi tiêu cực như nóng nảy, bạo lực, lạm dụng rượu bia, ma túy, trầm cảm, mất tập trung, mệt mỏi, uể oải…
Trong một nghiên cứu ở quy mô lớn hơn, các nhà nghiên cứu thuộc Đại học California ở Berkeley đã phân tích số liệu từ 60 nghiên cứu sẵn có để tìm ra mối liên quan giữa thời tiết, khí hậu và các cuộc xung đột của con người.
Kết quả được công bố năm 2013 cho thấy mỗi khi nhiệt độ tăng cao hơn hoặc mưa nhiều hơn, tần suất xảy ra các cuộc xung đột cũng tăng lên theo những tỉ lệ nhất định.
Đối với các cuộc xung đột giữa các cá nhân hoặc các nhóm nhỏ, tỉ lệ tăng là 4%, đối với các cuộc xung đột ở quy mô lớn hơn, tỉ lệ này lên tới 14%. Trong số 60 nghiên cứu này, có một thử nghiệm trong phòng thí nghiệm mô phỏng cho thấy trong điều kiện nóng nực, cảnh sát dễ dàng nổ súng hơn khi bị tấn công.
Một nghiên cứu khác do nhóm các nhà khoa học của Đại học Virginia và Đại học Houston công bố năm 2012 cho thấy sự thay đổi nhỏ về nhiệt độ cũng có thể tác động đến khả năng nhận thức của con người, đặc biệt là khả năng đưa ra quyết định đúng đắn.
Cụ thể hơn, nghiên cứu cho thấy khí hậu nóng nực gây ảnh hưởng tiêu cực đến khả năng đưa ra những quyết định phức tạp, trong khi khí hậu lạnh hơn gần như không gây ảnh hưởng. Những tình nguyện viên tham gia nghiên cứu này được chia thành hai nhóm trong hai căn phòng khác nhau: một căn phòng có nhiệt độ 19,5 độ C và căn phòng còn lại có nhiệt độ 25 độ C.
Trong thí nghiệm đầu tiên, những người tham gia được yêu cầu chỉ ra những lỗi đánh vần và ngữ pháp trong một bài báo. Kết quả cho thấy những người ở trong căn phòng 19,5 độ C có thể chỉ ra nhiều lỗi gấp đôi những người ở căn phòng còn lại.
Trong thí nghiệm thứ hai, những người tham gia được yêu cầu chọn một gói thuê bao điện thoại di động có chi phí tối ưu nhất. Kết quả cho thấy có 50% người ở trong căn phòng mát hơn chọn đúng, trong khi tỉ lệ này ở căn phòng có nhiệt độ cao hơn chỉ là 25%.
Tuy kết quả nghiên cứu này không thể là cơ sở để kết luận người sống ở xứ ôn đới có khả năng tư duy tốt hơn người ở xứ nhiệt đới, nhưng nó chứng minh một điều là trên từng cá nhân riêng lẻ, khả năng tư duy có thể bị ảnh hưởng đáng kể trong ngắn hạn khi nhiệt độ tăng lên.
Đi sâu hơn vào nghiên cứu ảnh hưởng của khí hậu tới tâm tính con người, một nhóm các nhà tâm lý học đến từ bốn quốc gia Trung Quốc, Australia, Anh và Mỹ chỉ ra rằng nhiệt độ môi trường là một yếu tố quan trọng có liên hệ tới tính cách của các cá nhân.
Nghiên cứu công bố trên tạp chí khoa học Nature Human Behaviour cho thấy so với những người sinh trưởng ở những khu vực có nhiệt độ cực đoan, những người sinh trưởng ở khu vực có nhiệt độ ôn hòa có mức điểm số các yếu tố tính cách cao hơn, bao gồm ý thức, sự chín chắn về cảm xúc, sự hòa nhã, sự hướng ngoại và cởi mở.
Để đi đến kết luận này, các nhà nghiên cứu đã tiến hành song song hai nghiên cứu đánh giá tính cách của hơn 5.000 người Trung Quốc và 1,6 triệu người Mỹ. Họ cũng thu thập số liệu khí tượng tại quê nhà của các đối tượng nghiên cứu và đối chiếu sau khi kiểm soát các yếu tố tuổi tác, giới tính, mật độ dân số, điều kiện kinh tế.
Báo cáo nhận định rằng, trong bối cảnh biến đổi khí hậu đang tiếp diễn, tâm tính con người có thể sẽ biến động với mức độ chưa thể lường trước được.
Một trong những khía cạnh quan trọng của hiện tượng biến đổi khí hậu do khí thải gây hiệu ứng nhà kính là sự gia tăng độ ẩm tuyệt đối trên phạm vi toàn cầu. Tình trạng này đang ngày một gây ra những ảnh hưởng tiêu cực tới hoạt động và năng suất lao động của con người ở những vùng nhiệt đới và vùng vĩ độ trung trong những tháng cao điểm nắng nóng trong năm.
Nghiên cứu do Cục quản lý Đại dương và Khí quyển Quốc gia Mỹ - NOAA công bố năm 2013 cho thấy trong vài thập kỷ gần đây, nắng nóng kết hợp với độ ẩm cao đã làm giảm năng suất lao động xuống 90% trong những tháng cao điểm.
NOAA đưa ra dự báo rằng cho tới năm 2050, năng suất lao động tại những thời điểm này sẽ chỉ còn 80%. Xa hơn nữa, tới năm 2200, các vùng nhiệt đới và vĩ độ trung sẽ phải đón nhận những đợt nắng nóng cực đoan khiến năng suất lao động sẽ chỉ còn 40%. Những khu vực chịu ảnh hưởng nặng nề nhất là Đông Nam Á, phía bắc Australia và phía đông nam nước Mỹ.
Ảnh hưởng của thời tiết nắng nóng tới năng suất lao động và sự tăng trưởng kinh tế toàn cầu là điều có thể quan sát thấy. Báo cáo khoa học do nhóm các nhà nghiên cứu thuộc Đại học Northwestern và Học viện Công nghệ Massachusetts công bố năm 2010 đã phân tích số liệu thương mại quốc tế để tìm hiểu ảnh hưởng của thời tiết nắng nóng tới hoạt động kinh tế toàn cầu.
Kết quả cho thấy tại các quốc gia nghèo, nhiệt độ tăng tỉ lệ nghịch với tỉ lệ tăng trưởng GDP trên đầu người. Tại một quốc gia, các nhà nghiên cứu nhận định rằng khi nhiệt độ trong một năm cụ thể tăng lên 1 độ C, tỉ lệ tăng trưởng xuất khẩu của quốc gia đó bị giảm trong khoảng 2,0 và 5,7 điểm phần trăm.
Không chỉ ngành nông nghiệp mà những ngành sản xuất công nghiệp nhẹ cũng bị ảnh hưởng. Điều này phù hợp với những nghiên cứu trước đó đã chỉ ra rằng thời tiết nắng nóng sẽ gây ảnh hưởng tiêu cực tới tăng trưởng GDP của các quốc gia nghèo.
Mặc dù các quốc gia giàu không trực tiếp bị ảnh hưởng bởi biến đổi khí hậu, nhưng một cách gián tiếp, chất lượng cuộc sống của người dân cũng sẽ giảm sút.
Biến đổi khí hậu đang khẳng định sự hiện diện của nó qua những hiện tượng thời tiết cực đoan, những vụ thiên tai tàn phá trái đất và cuộc sống con người trên quy mô lớn.
Nhưng bên cạnh đó, không phải quá bi quan khi nhận định rằng biến đổi khí hậu với biểu hiện rõ ràng nhất là sự ấm lên của trái đất có thể đang đe dọa loài người một cách thầm lặng nhưng nguy hiểm hơn: Làm biến dạng năng lực tư duy, tâm tính và khả năng lao động của con người.