Theo Toutiao, cô Duẩn - một tiểu thương ở Vận Thành, Sơn Tây, Trung Quốc, điều hành một cửa hàng bán rèm cửa tại Khu phát triển kinh tế và công nghệ Vận Thành, thành phố Vận Thành. Tuy nhiên, cửa hàng của cô đã bị "Gã khổng lồ dệt may gia đình” ở Trung Quốc - Công ty TNHH Dệt may gia dụng Ninh Ba Bá Dương khởi kiện ra tòa án và đòi bồi thường 120.000 NDT (hơn 408 triệu đồng) vì vi phạm quyền độc quyền nhãn hiệu và cạnh tranh không lành mạnh.
Sau khi vụ việc được chia sẻ đã làm dấy lên làn sóng bàn tán sôi nổi trong dư luận.
Cửa hàng nhỏ ven đường bị “ông lớn dệt may” kiện
Theo đó, cửa hàng rèm do cô Duẩn điều hành có diện tích hơn 90 m2. Biển hiệu treo trước cửa hàng là "Rèm cửa Bá Dương", còn trong giấy phép kinh doanh có tên đầy đủ là "Cửa hàng rèm Vận Thành Tiết Bá Dương".
Chia sẻ về tên gọi của cửa hàng, cô Duẩn giải thích: "Tiết Bá Dương là tên con trai tôi. Tôi chỉ đặt tên cửa hàng theo tên con trai mình.”
Tuy nhiên, cũng vì cái tên này mà cửa hàng nhỏ của cô bị Công ty Dệt may gia dụng Ninh Ba Bá Dương khởi kiện ra tòa án. Theo đơn kiện dân sự mà cô Duẩn nhận được, nguyên đơn Công ty này cho rằng tên cửa hàng mà cô Duẩn sử dụng có những từ tương đồng với nhãn hiệu đã đăng ký 'Bá Dương' của mình.
Đồng thời, sau khi mở cửa hàng, người phụ nữ cũng đã tiến hành kinh doanh các sản phẩm vi phạm quyền thương hiệu của Công ty TNHH Dệt may gia dụng Ninh Ba Bá Dương theo cả 2 hình thức trực tiếp và online trong thời gian dài. Điều này đủ để xác định hành vi vi phạm có mục đích xấu rõ ràng, tình tiết nghiêm trọng nên có thể áp dụng hình thức bồi thường thiệt hại. Đồng thời, khi bị đơn sử dụng nhãn hiệu tương đồng là "Bá Dương" thì còn bán sản phẩm tương tự như nguyên đơn nên hành vi của bị đơn có thể cấu thành hành vi cạnh tranh không lành mạnh.
Cũng trong đơn kiện, Công ty Dệt may Gia dụng Ninh Ba Bá Dương đã yêu cầu phía cô Duẩn: Ngừng xâm phạm quyền độc quyền nhãn hiệu đã đăng ký và cạnh tranh không lành mạnh; Ngừng sử dụng tên thương mại cá nhân giống với từ "Bá Dương" và thay đổi tên trên đăng ký kinh doanh; Bồi thường thiệt hại do vi phạm và chi phí bảo vệ quyền lợi với tổng trị giá 120.000NDT; Chịu chi phí kiện tụng trong vụ việc này.
Điều này khiến cho cô Duẩn rất bức xúc. Nguyên nhân là vì dù tên trên giấy phép kinh doanh của cô là Cửa hàng rèm Tiết Bá Dương - có điểm tương đồng với tên thương hiệu của nguyên đơn, thế nhưng cô Duẩn khẳng định mình chưa bao giờ hoạt động kinh doanh bằng bất kỳ hình thức nào dưới danh nghĩa "Dệt may gia dụng Bá Dương".
Theo đó, cô chỉ sản xuất, bán và lắp đặt rèm dưới tên cửa hàng “Rèm cửa Bá Dương’’. Hơn nữa, các sản phẩm rèm được bày bán ở cửa hàng của cô cũng không có sản phẩm nào được gắn nhãn hiệu của công ty trên.
“Tôi ở Sơn Tây, đối phương ở Chiết Giang, trước khi nhận được giấy triệu tập của tòa án, tôi không hề biết có một công ty như vậy tồn tại”, cô Duẩn chia sẻ.
Thông tin công khai cho thấy Công ty Dệt may Gia dụng Ninh Ba Bá Dương trực thuộc Công ty TNHH Ninh Ba Bá Dương Holding Group, đã nhiều lần lọt vào danh sách 100 doanh nghiệp hàng đầu ở tỉnh Chiết Giang, 500 doanh nghiệp tư nhân hàng đầu ở Trung Quốc và 500 doanh nghiệp sản xuất hàng đầu ở Trung Quốc.
Tự cứu chính mình bằng 1 chi tiết
Sau khi nhận được giấy triệu tập của tòa án Quận Diêm Hồ, Vận Thành, tỉnh Sơn Tây vào ngày 20/5/2023 và biết mình bị kiện, cô Duẩn đã lên mạng kiểm tra. Đối chiếu với trang web chính thức của Công ty Dệt may Gia dụng Ninh Ba Bá Dương, có thể thấy rõ từ “Bá Dương” trong tên cửa hàng của cô Duẩn và của phía nguyên đơn dù có cách đọc giống nhau nhưng lại có sự khác biệt rõ ràng về cách viết.
Ngày 24/5/2023, cô Duẩn đến tòa để nộp các chứng cứ liên quan. Sáng ngày 25/5, các luật sư của Công ty Luật Băng Ca Chiết Giang, đại diện pháp lý được Công ty Dệt may Gia dụng Ninh Ba Bá Dương ủy thác, cho biết sau khi được tòa án cung cấp thông tin cùng các công chứng khác do cô Duẩn đưa ra, họ đã liên hệ với tòa án để xin rút đơn khởi kiện.
Sau đó, các nhân viên liên quan của Tòa án Quận Diêm Hồ tiết lộ rằng tòa đã nhận được quyết định xin rút đơn kiện, sau đó tòa sẽ thực hiện quyết định dân sự tương ứng.
Trả lời về vụ việc trên, luật sư Lam Thiên Tân, đối tác cấp cao của Công ty luật Pháp Đức Đông Hằng ở Giang Tô cho rằng: Theo Luật nhãn hiệu Trung Quốc, bất kỳ việc sử dụng nhãn hiệu nào tương tự với nhãn hiệu đã đăng ký trên cùng một sản phẩm mà không có sự cho phép của người đăng ký nhãn hiệu hoặc việc sử dụng nhãn hiệu trùng hoặc tương tự với nhãn hiệu đã đăng ký trên các sản phẩm tương tự, có khả năng gây nhầm lẫn là xâm phạm độc quyền đăng ký nhãn hiệu.
Tuy nhiên, trong trường hợp này, tên nhãn hiệu của cửa hàng cô Duẩn được lấy theo tên của con trai. Xét trên nhiều mặt thì không thể xác định hoạt động của cô Duẩn là cấu thành hành vi vi phạm.
Luật sư Lam Thiên Tân cũng nhấn mạnh, nếu theo luật nhãn hiệu Trung Quốc, cửa hàng của cô Duẩn bị nghi ngờ vi phạm, tuy nhiên, việc đó có cấu thành hành vi vi phạm hay không phải được đánh giá một cách toàn diện dựa trên các tình tiết cụ thể của vụ việc. Nếu một tiểu thương sử dụng tên con trai mình để làm biển hiệu được xác định cấu thành hành vi xâm phạm quyền nhãn hiệu thì không phù hợp với tinh thần của các nguyên tắc pháp lý.
Vì vậy, việc xác định có vi phạm hay không phải được xem xét thận trọng, toàn diện và thống nhất giữa hiệu quả pháp lý Trung Quốc và hiệu quả xã hội.