Mới đây, ngày 25/4/2022, trên nhóm 'Nhận dạng Rắn và Sơ cứu Rắn cắn tại Việt Nam (SIFASV)' đã có một bài chia sẻ từ thành viên M.H về một trường hợp nguy cấp khi bị loài rắn độc cực kỳ nguy hiểm dưới đây tấn công.
Nạn nhân bị con rắn cắn vào chân.
Hình ảnh con rắn độc. Ảnh: T.Q.T
Theo đó, nạn nhân là một người đàn ông sinh năm 1964 sống ở thị trấn Phước Hải - Bà Rịa Vũng Tàu, ông bị con rắn cắn vào bàn chân trái khi đang làm cỏ trong vườn. Vết cắn sau đó sưng to và có bỏng phồng nước.
Hiện nay nạn nhân đang được cấp cứu hồi sức tại khoa chống độc ở BV Chợ Rẫy TP.HCM, tuy nhiên chi phí điều trị rất đắt đỏ, khoảng 100 triệu đồng (tương đương 10 triệu/ngày).
Loài rắn cắn người đàn ông này chính là một con rắn chàm quạp, hay còn gọi là rắn lục nưa (Tên khoa học: Calloselasma rhodostoma). Loài rắn này được mệnh danh mà 'mìn sống' vì hoa văn dễ ngụy trang trên mặt đất, cộng với thói quen nằm im phục kích nên rất dễ giẫm phải.
Đây cũng là loại rắn cực độc, chỉ xếp thứ 2 sau rắn biển về độ mạnh của nọc độc trong 5 loại rắn độc ở Việt Nam. Tốc độ cắn của loài rắn này cũng rất nhanh nên nạn nhân khó có thể phản ứng kịp.
Về cách nhận dạng và mức độ nguy hiểm của loài rắn này, độc giả có thể đọc thêm chi tiết tại đây.
Huyết thanh khan hiếm, phải nhập khẩu
Trong khi hầu như các loài rắn độc khác ở Việt Nam đều có huyết thánh kháng độc do chúng ta tự sản xuất, như huyết thanh hổ mang chúa, huyết thanh rắn lục đuôi đỏ, huyết thanh rắn hổ mèo, hổ dất, hổ tre... thì có một số loài huyết thanh phải nhập khẩu từ nước ngoài.
Cơ sở sản xuất huyết thanh lớn nhất nước ta chính là Trại rắn Đồng Tâm hay còn gọi là Trung tâm Nuôi trồng Nghiên cứu Chế biến Dược liệu Cục hậu cần Quân khu 9, nằm tại xã Bình Đức, huyện Châu Thành, tỉnh Tiền Giang, hiện cũng gặp không ít khó khăn trong quá trình sản xuất.
Trả lời trên báo Tuổi trẻ, bác sĩ Vũ Ngọc Lương làm việc tại Trại rắn Đồng Tâm cho hay mỗi lần lấy nọc rắn chỉ lấy được 1-2 giọt nọc/con; và mỗi năm, mỗi con rắn độc chỉ cho khoảng hơn chục giọt nọc độc mà thôi.
Tại đây có hơn 400 loài rắn độc đã được nuôi dưỡng và khai thác, mỗi năm chữa trị thành công hơn 1.000 ca, có năm con số này lên đến 1.800 ca rắn cắn mỗi năm và hầu hết đều được chữa khỏi nếu kịp thời chữa trị.
Nhận dạng rắn chàm quạp. Ảnh: Thành Luân
Tuy nhiên, không phải tất cả các loại rắn độc đều có sẵn huyết thanh kháng nọc, ví dụ như rắn hoa cỏ cổ đỏ (Tên khoa học: Rhabdophis subminiatus) hiện không có huyết thanh vì Việt Nam chưa thể tự sản xuất. Theo tìm hiểu, hiện mới chỉ có Nhật Bản đang nghiên cứu nhưng cũng chưa thành công.
Bên cạnh đó, huyết thanh của rắn chàm quạp cũng phải nhập khẩu từ nước ngoài là chính, chủ yếu từ Thái Lan, với hai loại huyết thanh có tên là Haemato-polyvalent antivenin và Malayan pit viper monovalent antivenin.
Tại Việt Nam thì mới chỉ có duy nhất Trung tâm Chống độc Bệnh viện Bạch Mai đang nghiên cứu huyết thanh kháng nọc rắn Hổ đất (Naja Kaouthia Antivenom) và rắn Choàm quạp (Calloselasma Rhodostoma Antivenom) ở giai đoạn 3.
Ngoài ra có một loại huyết thanh xuất xứ từ Việt Nam có tên Malayan pit viper monovalent antivenin (lọ 3ml) nhưng liều huyết thanh kháng nọc đơn giá đặc hiệu của Việt Nam trung bình là 12 lọ (nếu bị nhiễm độc trung bình thì 10 lọ và nặng thì 20 đến 50 lọ).
Chính vì khan hiếm huyết thanh hơn các loài rắn khác, phải nhập khẩu từ nước ngoài nên chi phí đắt đỏ, hơn nữa bệnh nhân bị rắn độc cắn thường phải nằm viện lâu, gặp nhiều biến chứng... nên chi phí điều trị cũng rất cao (nhất là khi bệnh nhân không có bảo hiểm y tế).
Có thể kể đến một trường hợp bệnh nhân nhi bị rắn chàm quạp cắn và được điều trị tại Bệnh viện Nhi Đồng 2, TP. HCM, bệnh nhân đã được xuất viện sau 21 ngày điều trị với di chứng nặng nề ở tay bị cắn.
Tổng chi phí điều trị của bệnh nhân này lên đến 50.782.790 đồng (tương đương khoảng 2.418.228 đồng/ngày), theo thông tin của Hội Nghị Nhi Khoa 2014 đăng trên trang chủ của Bệnh viện Nhi Đồng 2.
https://soha.vn/bi-loai-ran-doc-thu-2-viet-nam-can-nguoi-dan-ong-phai-tra-vien-phi-chuc-trieu-moi-ngay-20220418104719921.htm