Theo Công ty Easy Transfer - chuyên chuyển tiền thanh toán học phí cho du học sinh Trung Quốc, sau khi chính quyền Tổng thống Mỹ Donald Trump áp thuế lên hàng nhập khẩu Trung Quốc từ năm ngoái, số lượng sinh viên Trung Quốc muốn du học Mỹ đã giảm do lo ngại họ không được cấp thị thực.
Công ty có trụ sở tại Bắc Kinh này ghi nhận tổng lượng giao dịch đạt 776 triệu USD trong năm 2018 và hy vọng rằng sẽ chạm mốc 1 tỉ USD trong năm nay. Tuy nhiên, lượng tiền chuyển thanh toán học phí từ Trung Quốc sang Mỹ, chiếm 95% trong năm 2015, đã giảm xuống 50% trong quý I/2019.
Ông Tony Gao, giám đốc điều hành của Easy Transfer, cho biết: "Xuất hiện xu hướng các sinh viên chọn trường đại học ngoài Mỹ. Các quốc gia chiếm phần lớn lượng tiền chuyển mới là Anh, Canada và Úc. Đây cũng là những nơi mà sinh viên Trung Quốc đang quan tâm. Ngày càng có nhiều công ty Trung Quốc cân nhắc các thị trường nước ngoài mới để phát triển".
Báo cáo khảo sát du học nước ngoài của sinh viên Trung Quốc năm 2019 do Công ty tư vấn giáo dục Trung Quốc EIC Education công bố cho thấy 20,14% số người được hỏi chọn Anh là nơi họ muốn du học đầu tiên, sau đó là Mỹ với 17,05%.
Các lựa chọn phổ biến khác còn có Canada và Úc trong số các quốc gia nói tiếng Anh, cũng như Đức và Pháp ở châu Âu và đặc khu Hồng Kông, Nhật Bản và Hàn Quốc ở châu Á.
Học tập tại Mỹ được các sinh viên Trung Quốc xem là cách tốt nhất để kiếm được những công việc hàng đầu trong hoặc ngoài nước. Người Trung Quốc chiếm 1/3 trong tổng số 1,1 triệu du học sinh quốc tế tại Mỹ, theo Viện Giáo dục Quốc tế có trụ sở tại New York.
Tuy nhiên, xu hướng đang thay đổi. Cuộc chiến thương mại khiến sinh viên Trung Quốc gặp khó khăn hơn khi nộp đơn vào các trường đại học Mỹ và cũng khó tìm việc làm ở Mỹ sau khi tốt nghiệp, đặc biệt là trong lĩnh vực công nghệ cao, theo ông Zhang Yuguang, người có con gái 16 tuổi đã chuẩn bị trong hai năm để được du học về lĩnh vực khoa học máy tính. Chưa kể, đồng nhân dân tệ đã suy yếu xuống mức 6,9NDT/USD trong 2 tuần qua khiến học phí ở Mỹ cao hơn.
Kể từ mùa hè năm ngoái, các sinh viên Trung Quốc theo học các lĩnh vực chế tạo robot, hàng không, kỹ thuật và sản xuất công nghệ cao - các lĩnh vực ưu tiên trong chính sách công nghiệp "Made in China 2025" của chính phủ Trung Quốc - đã phải đối mặt với quá trình kiểm soát thị thực chặt chẽ hơn.